Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Lời Chủ Chăn: Hội Thánh cỗ võ công bằng xã hội

ducchapherohuynhvanhai123


Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, và tất cả anh chị em Giáo phận Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và Xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần IV, sẽ nói về Hội Thánh cổ võ Công bằng Xã hội trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes) và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Công bằng là gì ?

Là một con người có lý trí, hình ảnh của Thiên Chúa, và trong những mối tương quan giữa con người với nhau, thì không ai trong chúng ta muốn sống trong một xã hội, trong một môi trường đầy bất công gian trá và thiếu bình đẳng trong trao đổi, trong phân phối và đóng góp của từng cá nhân theo năng lực và phẩm giá của cá nhân đó. Ai trong chúng ta cũng muốn sống trong một sự hài hòa từ trong tâm hồn, trong gia đình và trong xã hội, một xã hội công bằng, mọi người biết tôn trọng lẫn nhau. Hướng về trời cao, con người biết thờ phượng Thiên Chúa, trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Nhưng công bằng là gì, đâu là những phạm vi cần áp dụng sự công bằng, và bằng cách nào?

Chúng ta gặp định nghĩa nầy trong các Tự điển. Công bằng là một ý thức tự nhiên về công bình và bất công khi ý thức đó được thể hiện qua việc nhận xét một trường hợp đặc biệt và cụ thể. Vấn đề công bằng hòa lẫn với vấn đề lợi ích chung, được quan niệm như sự tôn trọng phẫm giá con người lẫn nhau, tôn trọng sự tự do của từng đối tượng và tình liên đới xã hội. Cũng có thể nói, công bằng là một nhân đức, hay một tổ chức tổng quát hài hòa trong đời sống xã hội. Công bằng, một đức tính tổng quát, là điều gì được giao phó cho mỗi thành phần trong một tập thể cái mà họ có quyền được hưởng.

Hội Thánh cổ võ sự công bằng.

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo xác nhận sự cần thiết và phân biệt các loại công bằng : cá nhân, xã hội, và pháp lý : “Xã hội bảo đảm công bằng xã hội, khi tạo điều kiện để các đoàn thể và mỗi cá nhân có được những gì họ có quyền hưởng bản tính và ơn gọi của họ. Công bằng xã hội được liên kết với công ích và với việc thực thi quyền bính” (GLHTCG số 1928).

Tại sao phải có sự công bằng trong đời sống xã hội của con người ? Bởi vì - Khởi đầu “thiên chức của con người trong ý định của Thiên Chúa” : tất cả mọi người là anh em, là hình ảnh của Thiên Chúa, nên phải thương yêu nhau, sống công bằng với nhau.

- Từ con người cá nhân, con người sống trong một xã hội, thì con người có sự lệ thuộc nào đó. Không ai là một hòn đảo, cho nên con người có đời sống xã hội, qua đó con người trao đổi, phục vụ, đối thoại với nhau, nhờ đó “con người được tăng triển mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được thiên chức của mình” (GS số 25).

- Nhu cầu tôn giáo trong sự công bằng. Xã hội con người ngày nay phát triển rất nhiều về mọi mặt : khoa học, kinh tế, chính trị. Đó cũng là nguyên nhân cho thấy rất rõ có nhiều mối tương quan và tương tác lẫn nhau, của nhiều tổ chức, hiệp hội, công cũng như tư khác nhau. Nhưng nếu một xã hội chỉ biết chạy theo những lợi nhuận khoa học và kinh tế thái quá, ích kỷ và kiêu căng, thì xã hội đó có thể bị đảo lộn, và do hậu quả của tội lỗi, con người có thể nghiêng chiều về sự xấu, về tội lỗi, gây nên mất thiên chức con người. Nên con người cần đến ơn thánh, đến tôn giáo để có thể sống công bằng với nhau và với Thiên Chúa (x. GS số 25).

- Tôn trọng nhân vị là một điểm tựa cho sự công bằng. Mỗi người đều có bổn phận mưu cầu công ích. Phạm vi công ích này trải rộng ra trên toàn thế giới, nó “bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại,… phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại” (GS số 26). Nhưng không vì thế, mà con người quên đi phẩm giá cao trọng vốn có của mình. Phẩm giá đó là phổ quát và bất khả xâm phạm. Từ đó, theo một nghĩa đúng đắn nào đó, thì con người “quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo nữa” (GS số 26). Luôn luôn nhắm đến lợi ích của các nhân vị và tôn trọng nhân vị, xem “người đồng loại không trừ ai như “cái tôi thứ hai”” (GS số 27), cái tôi thứ hai nầy được tìm thấy nơi tất cả các thành phần khác nhau trong cuộc sống đời thường : người nghèo đói, người già lão, người di cư, người lưu vong, đứa bé mồ côi (x. Mt 25, 40). Tôn trọng sự sống của mọi người như ăn uống, sức khỏe, không giết người (hành hạ thân xác…), không được thực hiện những gì đi ngược với chính sự sống. Hơn nữa, là con người, hình ảnh của Thiên Chúa, theo lời Chúa dạy, chúng ta cũng phải tôn trọng và yêu thương kẻ thù, những người không cùng tâm thức với chúng ta : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44). Qua những thành phần khác nhau vừa nêu ra, thì sự bình đẳng căn bản giữa mọi người với nhau và công bình xã hội là một luật lệ phải có (x. GS số 29)

Cho nên, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định : “Không thể có công bằng xã hội, nếu không có sự tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Nhân vị là mục đích tối hậu của xã hội, vì xã hội được quy hướng về nhân vị:

“Việc bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của nhân vị được Đấng Tạo Hóa uỷ thác cho chúng ta, và bất cứ ở thời đại nào trong lịch sử, các người nam và người nữ đều mắc nợ về điều đó, vì nhiệm vụ đã lãnh nhận”” (GLHTCG số 1929).

Phạm vi thể hiện sự công bằng. Về phạm vi của sự công bằng, trong Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo nói đến ba loại công bình (x. TLHTXH các số 201 và 303; GLHTCG số 2411; GS số 29). Đức Công bằng giúp chúng ta giao, trả cho mọi người của riêng họ :

1. Công bình pháp lý : quy định những bổn phận công bằng của người dân đối với cộng đồng xã hội (pháp lý), các cá nhân hoạt động vì lợi ích chung.

2. Công bình giao hoán : điều tiết việc trao đổi của cải và dịch vụ, theo quy tắc tương xứng về giá trị giữa các cá nhân hay giữa các nhóm với nhau, hay là giữa hai vật thể tương đương với nhau trao đổi nhau.

3. Công bình phân phối : quy định việc cộng đồng phải thực hiện cho mỗi công dân tương xứng với sự đóng góp và với những nhu cầu của họ, xứng đáng với công trạng, xứng với phẩm giá của những cá nhân làm công việc đó, cho dù người đó là ai, như thế nào “thúc đẩy xã hội phân chia nhiệm vụ cũng như quyền lợi giữa các phần tử của cộng đoàn một cách chính đáng” (x. GS số 29).

Trên đây, chỉ trình bày một phần nhỏ tóm lược về Công bằng Xã hội. Xã hội cần sự công bằng, vì thế cần phải giáo dục các thành phần dân Chúa về Giáo lý và Văn hóa để họ có thể trở thành những con người biết sống đức Công bằng dưới mọi hình thức khác nhau của nó, để họ có tâm hồn cao thượng quân tử chớ không phải là kẻ tiểu nhân, hiến thân phục vụ Thiên Chúa và người khác cách vô vị lợi. Đó là điều mà tất cả chúng ta mơ ước cho hôm nay và ngày mai trong Xã hội này.

 

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 03 năm 2022

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Gp. Vĩnh Long

615    14-04-2022