Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Lời Chủ Chăn: Những nguyên tắc Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo

ducchapherohuynhvanhai12345


Kính gửi: 
Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Giáo phận Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần VII, sẽ nói về Những Nguyên Tắc Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, được  trích trong Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công GiáoDocat. Phải làm gì?

Những nguyên tắc đó là những nguyên tắc nào?

Học thuyết Xã hội dựa trên các cơ sở thiết yếu nền tảng là - tôn trọng cuộc sống của con người theo điều lệnh của Chúa: không được giết người… - tôn trọng phẩm giá con người trong đó có cuộc sống và môi trường sống của con người. Xã hội chỉ có ý nghĩa nếu xã hội bảo vệ hai khía cạnh này của cuộc sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên của mình. Chính từ hai cơ sở này để hình thành sự suy tư về xã hội của Giáo Hội Công Giáo.

Bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Gội Công Giáo số 160 liệt kê và chú thích những nguyên tăc căn bản của Học thuyết: phẩm giá con người ; công ích ; bổ trợ ; và liên đới. “Những nguyên tắc này, diễn tả toàn bộ sự thật về con người theo sự nhận biết của lý trí và đức tin, được khai sinh từ cuộc gặp gỡ giữa thông điệp Tin Mừng và những đòi hỏi của Tin Mừng được tóm tắt trong giới răn tối thượng về lòng mến Chúa và yêu người trong công lý, với những vấn đề phát sinh từ đời sống xã hội (Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Constientia, 72: AAS 79 (1987), 585). Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không ngừng giải thích và áp dụng một cách có hệ thống những nguyên tắc này để thăng tiến phẩm giá con người trong một xã hội đa dạng và phát triển về nhiều mặt khác nhau. Đức tin Kitô giáo soi sáng, chúng ta sử dụng Học thuyết này để sống Phúc Âm của Chúa ở giữa xã hội: Mến Chúa và Yêu người.

Và mỗi người trong xã hội đều được kêu gọi cộng tác với lương tâm ngay thẳng để phát triển Học thuyết này. Phát triển một cách có hệ thống nghĩa là các nguyên tắc được phối hợp với nhau rất chặt chẽ và cần thiết lẫn nhau, vì thế không nên sử dụng nguyên tắc này mà không chú ý đến nguyên tắc kia, bởi vì làm như thế, đôi khi những nguyên tắc được sử dụng mâu thuẫn nhau mà chúng ta không biết, không hay.

Chúng ta xem một thí dụ rất cụ thể trong DOCAT số 85 nói về việc áp dụng bốn nguyên tắc này: “gia đình” là một thực tại xã hội đáng giá và xứng đáng được bảo vệ; trong gia đình, con người có thể phát triển phẩm giá của mình; tự bản thân, gia đình đã là sự thực hành tình liên đới. Tuy nhiên,một gia đình cũng cần tình liên đới của những gia đình khác, vì nếu thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài, gia đình không thể đóng góp phần đặc trưng của mình cho công ích. Dù vậy, khi giúp đỡ gia đình, các cấp thẩm quyền cao hơn không được phép lấy đi những gì gia đình có thể tự làm, ví dụ như việc nuôi dạy con cái (nguyên tắc bổ trợ)”.

Rộng lớn hơn, trong phạm vi xã hội, những nguyên tắc này được thực hành với ý hướng:

Lợi ích chung: - Đây là lý do tồn tại của mỗi cộng đồng nhỏ lớn khác nhau: gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế và lợi ích chung chỉ có ý nghĩa nếu điều đó cho phép mọi người nhận được một cách công bằng những gì họ cần cho chính họ. - Điều này yêu cầu một người quản lý có thẩm quyền và trách nhiệm đảm bảo lợi ích chung này. Ví dụ, những bậc cha mẹ trong một gia đình; quyền lực chính trị trong một quốc gia. Dĩ nhiên, mỗi cộng đồng khác nhau, cũng có thể cạnh tranh lợi ích chung của họ, nhưng nên cố gắng thế nào chọn lợi ích chung trội nhất, đặc biệt là dựa vào tinh thần Mến Chúa và Yêu người. Mỗi người có quyền như nhau, Thiên Chúa trao ban tài sản cho con người trên trái đất, nhưng phải lựa chọn ưu đãi cho những người nghèo nhất.

Tinh thần Bổ trợ: - Ngay cả trong một cộng đồng nhỏ lớn khác nhau, tất cả mỗi thành phần đều chịu trách nhiệm về một lĩnh vực nhất định và có quyền tự chủ tương đối của mình. Một lãnh đạo đúng nghĩa phải luôn tôn trọng sự tự chủ và giao trách nhiệm cho người dưới của mình: đúng người, đúng việc. Ví dụ, vai trò nuôi dạy con cái không phải của ôngbà mà là vai trò của cha mẹ chúng. Ông bà cũng khuyến khích cha mẹ làm điều tốt lành cho con cái. Về vấn đề nầy, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cũng đề cập đến trong số 1883: “Giáo huấn của Hội Thánh đề ra một nguyên tắc được gọi nguyên tắc bổ trợ (subsidiarietatis principium): theo đó, 'một tổ chức ở cấp cao hơn không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của một tổ chức ở cấp dưới, và tước mất những nhiệm vụ riêng của cấp dưới, mà tốt hơn phải nâng đỡ tổ chức cấp dưới những khi cần, và trợ giúp để hành động của họ được phối hợp với các thành phần liên hệ khác, nhằm phục  vụ  công ích'.” (x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 48 và ĐGH Piô XI, Thông  điệp Quadragesimo anno: 184-186)

Tinh thần Đoàn kết: - Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với người khác và đó là lý do tại sao tất cả chúng ta phải làm việc vì lợi ích chung. Điều đó không phải là một giá trị thụ động được áp đặt lên chúng ta, nhưng đó là một sự lựa chọn tự do mà chúng ta thực hiện vì tôn trọng người kia, công nhận người kia là một con người có phẩm giá.

Tại sao chúng ta phải hành động theo bốn nguyên tắc này?

Trả lời câu hỏi nầy, DOCAT số 86 khẳng định: “Làm người nghĩa là đảm nhận trách nhiệm. Không ai có thể đứng ngoài đời sống xã hội. Chúng ta sống nhờ vào người khác thì đồng thời ta cũng có trách nhiệm với người khác. Qua mệnh lệnh yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, các Kitô hữu có nghĩa vụ theo đạo đức là giúp đỡ người khác, phục vụ công ích, giúp từng người sống một cuộc đời xứng đángthật sự với nhân phẩm, và bảo vệ các quyền vốn có của các nhóm và hội đoàn.

Trong xã hội chúng ta, những người Kitô hữu, cần sự thật, một sự thật được lương tâm con người tôn trọng. Trong phạm vi này sự thật đó là phẩm giá con người, công ích, bổ trợ, và liên đới hay còn gọi là những nguyên tắc của Học thuyết Xã hội. Mỗi người có lương tâm tôn trọng và có trách nhiệm với mọi người. Một xã hội tốt là một xã hội mà trong đó mọi người hành động phù hợp với những nguyên tắc trên. Ước gì được như vậy.

 

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 6 năm 2022

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Gp. Vĩnh Long

856    15-07-2022