Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần V, sẽ nói đến Những Trở ngại cho việc Tham gia, được trích trong Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium.
Sự tham gia dựa trên sự kiện này. Giáo hội chúng ta là Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm. Mọi tín hữu đều có tư cách và được kêu gọi phục vụ lẫn nhau qua các ơn phúc mà họ đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Sự tham gia rất cần thiết cho đời sống mỗi người, không ai có thể sống riêng, cô độc. Mọi người chúng ta sống với : Sống với Chúa và sống với anh em. Người Kitô hữu chúng ta dựa vào các Ơn Chúa mà chúng ta đã nhận được trong các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Tẩy để tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chúng ta có chung một phẩm giá do Bí Tích Thánh Tẩy mang lại và được kêu gọi giúp nhau : “Càng ngày người ta càng hiểu rằng điều quan trọng đối với tất cả những ai đã lãnh nhận ân sủng của Bí Tích Thanh Tẩy là phải đi cùng nhau, chia sẻ và phân định sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã kêu gọi họ. Người ta đã nhận thức sâu sắc rằng trong Hội thánh hiệp hành, bước đi cùng nhau là cách thức trở thành một Hội thánh truyền giáo.” (HĐGM Nhật Bản, Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục, số 22)
Qua Bí Tích Thanh Tẩy, mỗi người đều tham gia và tham gia đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm để cùng nhau tiến bước, và tiến bước thành công: “Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người.” (Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI số 20) Cho nên, tất cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều gia vào Đời sống Giáo Hội để loan báo Tin Mừng.
Trong Kinh thánh, thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô, kêu gọi sự tham gia. Mỗi người, mỗi vai trò khác nhau nhưng cùng nhau tham gia vào thân thể Đức Kitô “Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô…, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 11-13).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng bàn đến và nhấn mạnh về sự tham gia. Ở đây, chúng ta chỉ nêu lên những chương mục có liên quan: - Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô, 901-03; - Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ tiên tri của Đức Kitô, 904-07; - Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ vương đế của Đức Kitô, 908-13.
Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium số 106 khuyên các tín hữu tham dự vào đời sống cộng đoàn và đời sống đức tin: “Trong ngày (Chúa Nhật), các Kitô hữu phải họp nhau lại để cùng với việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hiến lễ Tạ Ơn, họ kính nhớ cuộc Thương khó, sự Sống lại và cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã 'tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động nhờ sự phục sinh từ trong cõi chết của Chúa Giêsu Kitô' (1 Pr 1, 3)”.
Tham gia và đồng trách nhiệm. Những người đã được Rửa tội đều mang trong mình sự hiệp nhất, sự hòa giải. Không ai là thầy, là chúa, là cha: “Điều quan trọng là xây dựng một mô hình thiết chế hiệp hành như một mô hình của Hội thánh có tính giải trừ cấu trúc quyền lực hình tháp vốn ưu ái cho sự quản lý mang tính độc quyền cá nhân. Quyền bính hợp pháp duy nhất trong Hội thánh phải là quyền yêu thương và phục vụ, theo gương của Chúa.” (HĐGM Argentina, Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục, số 57)
Những trở ngại cho việc Tham gia. Nhưng cũng có xảy ra những chuyện buồn: Những trở ngại cho việc tham gia. Thí dụ cụ thể, vào thời truyền giáo của Thánh Phaolô cũng đã xảy ra những chia rẽ giữa các phe phái trong giáo đoàn Côrintô: 'Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau….' Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: 'Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô'. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” (1Cr 1, 10-16)
Ngày nay, trở ngại cho việc tham gia là phần đông người tín hữu bị tác động bởi thế giới Kỹ thuật số và Công nghiệp hóa mang đến trạng thái tâm lý chung là duy vật, duy lợi, chủ nghĩa cơ hội, cá nhân chủ nghĩa (Cái “Tôi” quá lớn): mỗi người một công việc, không giao lưu, thiếu đối thoại với nhau, trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo hội. Chính vì thế các tín hữu không thể tham gia vào những hoạt động loan báo Tin Mừng.
Trở ngại cho việc tham gia là có đạo, chớ không sống đạo. Mang tên Kitô hữu, nhưng không nghe và sống Lời Chúa. Trao phó trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho người khác.
Trở ngại cho việc tham gia và tai hại nhất là chủ nghĩa giáo sĩ trị. Chủ nghĩa giáo sĩ trị đề cập đến một quan niệm lệch lạc về hàng giáo sĩ, một sự tôn trọng quá mức và một khuynh hướng coi giáo sĩ là ưu việt về mặt đạo đức và ngay cả muốn chỉ huy trong lãnh vực trần thế.
Trong Thư gửi dân Chúa, ngày 20 tháng 08 năm 2018, Đức Thánh Cha nói rằng chủ nghĩa giáo sĩ trị có thể được “ủng hộ bởi chính các linh mục hoặc giáo dân”. Thật vậy, giáo dân cũng có thể rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ trị! Bởi vì, họ có thể tin rằng những đóng góp của họ cho đời sống của Giáo hội là cũng có hạng lắm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả ngắn gọn về hiện tượng này: “Giáo sĩ trị là một triệu chứng của đời sống linh mục và giáo dân bị cám dỗ sống theo vai trò chứ không phải trong mối dây thực sự với Thiên Chúa và anh chị em. Nói tóm lại, giáo sĩ trị biểu thị một căn bệnh khiến chúng ta đánh mất ký ức về Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận…” (Thư Đức Thánh Cha gửi các Linh mục Giáo phận Roma, ngày 07 tháng 08 năm 2023)
Giáo sĩ trị muốn làm Chúa, làm chủ người khác… làm cho nhiều thành phần trong Giáo hội không thể tham gia vào việc mục vụ. Mọi người chúng ta không phải là chủ, là Chúa của người khác, của giáo dân, nhưng là người tôi tớ phục vụ, Chúa Giêsu đến để phục vụ chớ không để được phục vụ: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 28) “Tầm quan trọng của việc phải loại bỏ khỏi Hội thánh chủ nghĩa giáo sĩ trị để tất cả các thành viên của Hội thánh, bao gồm các linh mục và giáo dân, có thể hoàn thành một sứ mạng chung. Chủ nghĩa giáo sĩ được coi là một hình thức bần cùng hóa tinh thần, tước đoạt những điều tốt đẹp thực sự của thừa tác vụ chức thánh, và là một nền văn hóa cô lập hàng giáo sĩ và gây hại cho giáo dân.” (Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục số 58)
Đối với Kitô giáo, Chúa Giêsu, là Thầy là Chúa nhưng bị sỉ nhục và bị đóng đinh, được sinh ra là một hài nhi nằm trong máng cỏ đơn hèn. Chúa Giêsu, là Thầy là Chúa, nhưng rất khiêm nhường từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Chúng ta hãy noi gương Người.
Kết luận. Trong Ðức Kitô, Chúa đã cho muôn loài muôn vật được hiệp thông, tham gia vào việc phục vụ loan báo Tin Mừng, chúng ta cầu xin Chúa đừng để cho các thành phần dân Chúa trong Hội thánh của Chúa ở trần gian bị phân biệt và xa cách nhau.
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 4 năm 2024.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long
274 16-05-2024