Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Lời Chủ Chăn: Tầm quan trọng của sự tham gia

loichuchan


Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Giáo phận Vĩnh Long 

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần II, sẽ nói đến Tầm Quan trọng của sự Tham gia, được trích trong Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp Hành và Tính Hiệp Hành trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

Tầm quan trọng của sự tham gia. Trong cuộc sống cá nhân, tập thể, đặc biệt trong Giáo hội Công giáo, sự tham gia, sự cộng tác với nhau để thăng tiến con người, thăng tiến xã hội và Giáo hôi là cần thiết và quan trọng. Không ai trong chúng ta là toàn năng, nhưng có những thiếu sót khuyết điểm, chúng ta cần có sự chung tay đóng góp để xây dựng : một gia đình, một ngôi nhà, một Họ đạo, v.v.. Chính tầm quan trọng nầy mà trong thư Mục Vụ 2023 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 2 nói về Tầm quan trọng của sự tham gia : “Giáo hội Công giáo hoàn vũ đang cử hành Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng, mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi nói lên những ưu tư và kỳ vọng của mình.

Tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống và cách hiểu giáo lý chưa đúng, một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương. Với họ, đời sống đức tin chỉ bao hàm trong việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Do đó, thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết”

Chúng ta cũng nên đi vào trong Kinh Thánh và Giáo Huấn của Giáo Hội để hiểu biết thêm một chút về tầm quan trọng nầy.

Tầm quan trọng của sự tham gia trong Kinh Thánh. Ở đây, trong Kinh Thánh, chúng ta không có tham vọng là nói hết những đoạn Kinh Thánh đề cập đến sự tham gia, chúng ta chỉ trích ra tượng trưng một số đoạn mà thôi.

- Matthêô 20,1-4 : Dụ ngôn thợ làm vườn nho cho Chúa : “vừa tảng sáng…, khoảng giờ thứ ba…, khoảng giờ thứ sáu…, rồi giờ thứ chín…, khoảng giờ mười một…Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”. Một điều gì đó gây ngạc nhiên, gây tranh chấp trong dụ ngôn nầy. Các người Pharisêu nói về công việc và mức lương tương xứng. Như thế, thì Nước Thiên Chúa chỉ là một doanh nghiệp nhân loại, nơi mà các việc thiện cứu độ sẽ được chinh phục bằng quyền lực hay chỉ dùng có đôi tay. Trên thực tế, sự cứu độ mà Chúa ban cho từng người chúng ta là miễn phí, và khi sự cứu độ được ban cho chúng ta qua những cố gắng của chúng ta và những công trạng của chúng ta là hoàn toàn nhờ ơn sủng của Chúa, nhờ vào lòng tin (Rm 3, 27-28 : “…Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy”).

Chúa gọi theo thời gian để mọi người cộng tác trong việc rao giảng Nước Chúa. Có thể nói giờ đầu tiên, Chúa gọi các Tông đồ, đang trên biển hồ Galilê đánh cá. Đối với Chúa, cánh đồng truyền giáo quá rộng và lúa đã chín mà thiếu thợ gặt (x. Lc 10, 1-9). Nên Chúa gọi các Tông đồ. Ngay khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu nhận thức rằng Ngài không thể bằng lòng với việc đi một mình. Ngài chọn những người giúp đỡ, những người sẽ cộng tác với Ngài trong thời gian tới, những người sẽ đi theo Ngài, những người sẽ yêu mến và những người sẽ ủng hộ Ngài.

Kế đến, giờ kế tiếp thì qua Giáo hội, Chúa gọi các Linh mục. Ngài gọi, Ngài chọn các Linh mục, gửi các ngài đến các cánh đồng khác…và trải qua thời gian, cho đến hôm nay, Ngài cũng còn kêu gọi mọi người Kitô hữu chúng ta tiếp tục sứ vụ rao giảng. Ngài cần chúng ta, Ngài đã chọn chúng ta để phục vụ nước của Ngài và mang niềm hy vọng cho mọi người. Chúa gọi tất cả các Kitô hữu, đi xây dựng và mở rộng vương quốc của Chúa. Lấy đức ái mà sống và rao giảng “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt  22, 37-39).

Tham gia là cần thiết. Mọi người mọi thành phần trong Giáo hội phải nhạy cảm với tiếng gọi của Chúa, đáp trả, tham gia và dành mọi cố gắng của mình để làm cho Chúa Kitô được sống trong xã hội hiện đại. Bằng cách làm việc, bảo vệ, phổ biến giáo lý có thể cứu rỗi cá nhân, và dân tộc, các Kitô hữu thể hiện mình như là những người thợ, những người tham gia của vương quyền Thiên Chúa, những người bạn của thế kỷ và người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Mọi người phải làm việc. Cha sở, Giáo sĩ, Tu sĩ, Giáo dân đều phải làm việc, đều phải tham gia cho dù đã trễ giờ. Một chút xíu thì giờ, một ít ý kiến xây dựng cũng cộng tác cho công việc chung được tiến hành tốt và có kết quả tốt, cho Lời Chúa và Chúa được nhiều người biết đến là cần thiết.

Giáo Huấn của Giáo Hội nhắn gửi về sự tham gia. “Sự tham gia và thẩm quyền trong đời sống hiệp hành của Hội thánh. Một Hội thánh hiệp hành là một Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm. Khi thi hành tính hiệp hành, Hội thánh được kêu gọi phải nói lên sự tham gia của tất cả mọi người, tùy theo ơn kêu gọi của mỗi người, với thẩm quyền được Chúa Kitô trao co Giám mục đoàn do Đức Giáo Hoàng đứng đầu. Việc tham gia dựa trên sự kiện là mọi tín hữu đều có khả năng và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ân huệ mà họ đã nhận được từ Chúa Thánh Thần… ” (Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng, số 67).

Các thành phần Dân Chúa phải tham gia, biết lắng nghe nhau và đặc biệt là lắng nghe Chúa Thánh Thần. Ngài là Thần Khí của chân lý, Ngài hướng dẫn Giáo hội đi đúng đường lối Chúa, sống đúng Lời Chúa, không bội giáo để phát triển Nước Chúa.

Mượn ý tưởng Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) số 9, để kết thúc Tầm quan trọng của sự Tham gia, tham gia để mở mang Nước Chúa và cứu rỗi mọi người : “Dân tộc thiên sai … là một mầm mống vững chắc nhất của hiệp nhất, hy vọng và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16).”

Chúc mừng Năm Mới, năm con Rồng, Giáp Thìn 2024, chúc anh chị em được hạnh phúc, gặt hái nhiều thành công và nhiều Ơn phúc của Thiên Chúa để trở thành người Kitô hữu tốt lành.

 

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 01 năm 2024

 

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

   Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

197    25-02-2024