Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Lời Chủ Chăn: Về Nguyên Tắc Bổ Trợ

ducchapherohuynhvanhai12345678910


Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần XI, sẽ nói về Nguyên tắc Bổ trợ, được trích trong Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo, Docat và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Nguồn gốc từ ngữ Bổ trợ. Đã có trong thời Cổ đại, “bổ trợ” là một phương pháp tổ chức quân sự, nhưng chính Aristote, trong quyển The Politics, là nguồn gốc của khái niệm bổ trợ khi ông mô tả một xã hội có tổ chức, “Thành phố”, mà trong đó các nhóm tổ chức theo thứ bậc: gia đình-làng, mỗi nhóm này cố gắng tự cung tự cấp.

Nguyên tắc bổ trợ có một cuộc đối thoại rất phong phú với thần học về giao ước mà những khái niệm cơ bản được tìm thấy nguồn gốc trong các tác phẩm của các Giáo phụ. Nguyên tắc bổ trợ đã được tiếp nhận từ Giáo luật 1917, Codex iuris canonici Pii X Pontificis Maximi digestus, Benedicti Papae XV auctoritate promulgatus, Romae, Typis polyglottis Vaticanis, 1917, cc. 671, 5° 6° 7°; 981, §2.

Chúng ta đã tìm thấy khái niệm này trong tư tưởng của Tôma Aquinô, và nguyên tắc này đã được Giáo Hoàng Lêô XIII đưa ra lần đầu tiên, trong thông điệp Rerum Novarum (1891), chính thức hóa Học thuyết Xã hội đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Kế đến, chúng ta không quên Đức Giáo Hoàng Piô XI, vào năm 1931, ngài công khai hóa công thức đầu tiên về nguyên tắc bổ trợ trong thông điệp Quadragesimo Anno của ngài. Ngài đã nhấn mạnh: “Thật là sai lầm trầm trọng khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của mình để trao cho cộng đồng; cũng vậy, thật là bất công và tai hại nghiêm trọng, làm trật tự đúng đắn bị xáo trộn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ” (x. TLHTXH số 186).

Bổ trợ là gì? Phân cấp và giao nhiệm vụ để hoàn thành một công việc một cách tốt hơn. Cấp trên ban thẩm quyền cho cấp dưới, và cấp dưới thi hành, cấp trên không nên can thiệp quá đáng làm cho cấp dưới không còn được tự do để thực hiện. Ngược lại cấp dưới, khi cảm thấy điều đó vượt quá khả năng của mình thì yêu cầu cấp trên hỗ trợ. Qua việc làm nầy cấp trên và cấp dưới cùng tiến hành vì lợi ích chung, vì lợi ích tập thể về nhiều phương diện khác nhau: “Mỗi nhiệm vụ xã hội luôn được giao trước tiên cho nhóm nhỏ nhất có thể thực hiện nhiệm vụ đó. Một nhóm ở cấp cao hơn có thể đảm nhận trách nhiệm chỉ khi nào nhóm nhỏ hơn không giải quyết được vấn đề. Tuy vậy, nếu nhóm nhỏ hơn cần sự giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ, nhóm cao cấp hơn phải hỗ trợ. Sự sắp đặt này được tóm tắt bằng Nguyên tắc Bổ trợ, và Đề nghị Hỗ trợ” (DOCAT, số 95).

Mục đích của bổ trợ? Qua nguyên tắc bổ trợ, nhân phẩm được tôn trọng. Đây cũng là một phương tiện để từng cá nhân phát triển sự tự do và có những điều hay đóng góp cho xã hội. “Nhờ nguyên tắc bổ trợ, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Kinh nghiệm cho thấy chối bỏ sự bổ trợ hay hạn chế sự bổ trợ nhân danh việc dân chủ hoá hoặc nhân danh sự bình đẳng giữa các thành phần xã hội sẽ làm giảm bớt và đôi khi phá huỷ luôn tinh thần tự do và sáng kiến” (TLHTXH số 187)

Làm thế nào để vận hành việc bổ trợ, liên quan đến ai ?

- Cá nhân. “Các Kitô hữu, trên nguyên tắc, được kêu gọi tham gia tích cực vào xã hội, và không loại trừ một ai” (DOCAT, số 97). Tất cả mọi Kitô hữu đều là một con người xã hội, không ai là một hòn đảo, cho nên đây cũng là một trách nhiệm của người Kitô hữu đối với cuộc sống xã hội con người.

- Nhà Nước. Rất nguy hiểm, khi Nhà nước can thiệp quá nhiều trong nhiều phương diện cuộc sống của người dân theo chủ nghĩa kế hoạch hóa hạn chế, trung ương tập quyền. Trong tình huống này lãnh vực công cộng không được tôn trọng. Mặt khác, ngược lại cũng nguy hiểm, nếu Nhà nước bỏ qua sứ mệnh trợ cấp của mình, để mọi việc làm trong một bối cảnh của luật rừng, nơi kẻ yếu bị kẻ mạnh đè bẹp, và chỉ can thiệp để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ.

Nhà nước phải duy trì chức năng không thể thay thế mà từ đó Nhà nước phát huy được sự cao quý của mình: để lại quyền lợi tối đa cho các quyền tự do cá nhân, bằng cách thúc đẩy các điều kiện tốt nhất để thực hiện quyền tư nhân của họ, bằng cách khuyến khích các sáng kiến tư nhân hướng tới lợi ích chung. Nhà nước nên bổ trợ đối với các cá nhân và đối với xã hội trong những việc đó, và Nhà nước phải giúp đỡ càng nhiều càng tốt.

- Giáo hội. Giáo hội luôn luôn sống và tuân chỉ Lời Chúa dạy, tương thân tương trợ lẫn nhau. Cũng trong chiều hướng này mà việc bổ trợ liên quan đến tất cả mọi người, bởi vì, ngay từ đầu “Thiên Chúa không muốn giữ cho riêng mình việc thực thi mọi quyền hành. Ngài trao lại cho mỗi thụ tạo những nhiệm vụ mà nó có khả năng thực thi, theo những khả năng của bản tính riêng của mình. Cách cai quản này phải được bắt chước trong đời sống xã hội. Cách Thiên Chúa hành động trong việc cai quản trần gian chứng tỏ Ngài rất quan tâm đến sự tự do nhân loại, điều này phải gợi hứng khôn ngoan cho những người cai quản các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những thừa tác viên của sự quan phòng của Thiên Chúa” (GLHTCG 1884).

Ước chi nguyên tắc bổ trợ được tôn trọng và thực hiện trong xã hội và trong Giáo hội, để mọi người được hưởng sự an bình, ấm no cả phần hồn lẫn phần xác và mọi người có cuộc sống bình thường mới trong những hoàn cảnh mới của ngày hôm nay.

 

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 10 năm 2022

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

722    31-10-2022