Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Lời Chủ Chăn: Về Nguyên tắc Nhân phẩm

ducchapherohuynhvanhai1234567


Kính gửi
: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần VIII, sẽ nói về Nguyên tắc Nhân phẩm, được trích trong Thông điệp Laudato Sí, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo, DOCAT. Phải làm gì ?Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Con người là ai, như thế nào để đưa đến phẩm giá con người?

Trước hết trong các định nghĩa khác nhau thì chúng ta sẽ thấy con người đi từ một loài thụ tạo được Chúa dựng nên có trí thông minh, biết sáng chế, biết sản xuất. Con người là một động vật chế tạo công cụ và tất cả các loại “đồ vật”, bao gồm cả bản thân anh ta.

Kế đến con người biết dùng trí thông minh của mình để lý luận hợp lý, biết phải trái, và biết đến đời sống đạo đức.

Sau cùng, theo đức tin Kitô giáo, con người là hình ảnh Thiên Chúa. Qua những xác định trên con người mang trên mình một phẩm giá cao cả mà chúng ta có thể gọi tắt là nhân phẩm.

Phẩm giá là gì? Là phẩm chất của những gì đáng được tôn trọng. Nơi con người, phẩm giá là giá trị tuyệt đối của con người trong chừng mực mà con người được tự do và không phải tuân theo luật nào khác ngoài luật mà con người đưa ra bởi lý trí. Dĩ nhiên, là người Kitô hữu, con người chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, con người chúng ta sống đúng lề luật và ý muốn của Thiên Chúa qua Lời Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô dạy.

Phẩm giá con người hay nhân phẩm là một điều gì quý giá. Nhân phẩm này không phải là một loại “giá” cả mà con người có thể trao đổi hoặc bán đi. Vì thế nhân phẩm có một đặc tính nội tại không có gì có thể thay thế được. Một con người mất nhân phẩm là một con người không còn tự do, không còn là một chủ thể tự trị, mất đi tính người.

Chúng ta, nhắc lại và suy tư một chút về câu nói liên quan đến nhân phẩm xét theo đức tin Kitô giáo: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” (Stk 1, 26)

Như thế, Kinh Thánh giải thích rằng mỗi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Sự khẳng định căn bản này là nguồn gốc giúp chúng ta tin tưởng vào phẩm giá cố hữu và bất khả xâm phạm của con người: con người là một “ngôi vị” (DOCAT, s 47). Phẩm giá con người là nền tảng của mọi Giáo huấn xã hội Công giáo. Từ đó phát triển con người, nhân bản hóa con người đủ mọi khía cạnh sống của con người: Gia đình, Việc làm, Đời sống kinh tế, Cộng đồng chính trị. Cộng đồng quốc tế, Bảo vệ môi trường Sự thúc đẩy hòa bình.

Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Điều này đúng ở bất cứ nơi nào chúng ta sinh ra và bất kể địa vị kinh tế hay xã hội của chúng ta là gì. Khi chúng ta đọc những hàng chữ này, có trên bảy tỷ hình ảnh độc đáo, sống động của Thiên Chúa trên bề mặt Trái đất. Chúng ta là một trong số họ. Chúng ta rất mừng vì là hình ảnh của Thiên Chúa.

Vì hình ảnh đến từ Thiên Chúa, nên phẩm giá con người không phải là thứ mà chúng ta có thể ban cho hoặc lấy đi khỏi người khác. Hình ảnh là nội tại đối với sự tồn tại của chúng ta. Những gì mà chúng ta có thể làm là xây dựng các mối quan hệ tôn trọng phẩm giá con người của chúng ta. Khi sự tôn trọng phẩm giá con người làm nền tảng cho các mối quan hệ của chúng ta, thì bản chất thần linh của Thiên Chúa tỏa sáng rực rỡ trong mối tương giao thực sự giữa con người với nhau. Về điểm này, DOCAT số 47 nhấn mạnh : “Vì là một ngôi vị do Thiên Chúa tạo dựng, nên mỗi người không phải là một thứ gì đó, mà là một ai đó, và có giá trị độc nhất. Vì là một ngôi vị nên con người có khả năng nhận biết bản thân và suy ngẫm về chính mình, đưa ra những quyết định tự do, và bước vào mối tương quan với người khác. Người này cũng được kêu gọi đáp lời Thiên Chúa trong đức tin. Do đó, sự thật con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, có nghĩa là con người luôn có mối liên hệ với Thiên Chúa, và chỉ trong Thiên Chúa người đó mới có thể phát triển trọn vẹn tiềm năng làm người của mình” (x. GLHTCG, số 357 ; TLHTXH, các số 108 và 109).

Nhưng liệu chúng ta có tôn trọng nhân phẩm không ? Câu trả lời như là một lời khuyên mà chúng ta nhận ra trong Thông điệp Laudato Sí – Thông điệp về việc Chăm sóc Ngôinhà chung của Chúng ta, số 90 : “Đôi khi người ta nhận thấy nỗi ám ảnh phủ nhận tính ưu việt của con người và hăng hái bảo vệ quyền của các loài khác hơn là bảo vệ phẩm giá mà mọi người đều có như nhau. Tất nhiên, chúng ta nên quan tâm đến các hữu sinh  khác bị đối xử một cách vô trách nhiệm. Nhưng chúng ta nên tỏ rõ thái độ bất bình quyết liệt về những sự bất bình đẳng quá lớn giữa chúng ta, vì chúng ta cứ nhịn nhục mãi để cho một số người tự cho rằng họ có giá trị nhiều hơn các kẻ khác... Trên thực tế, chúng ta tiếp tục chịu đựng chuyện một số người tự coi mình nhiều nhân bản hơn những kẻ khác, làm như họ được sinh ra với nhiều quyền hơn”.

Tất cả chúng ta là anh chị em với nhau, bởi vì “không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3, 11). Tại sao chúng ta không biết tôn trọng nhân phẩm của nhau, tôn trọng tự do, công bằng và sống hòa bình với nhau, để tất cả mọi đều lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân một cách trọn vẹn và tốt lành hơn? Xin Chúa giúp chúng ta sống đúng tinh thần con người là hình ảnh của Ngài.


Vĩnh Long ngày 20
tháng 7 năm 2022

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Gp. Vĩnh Long

588    02-09-2022