Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Lời Chủ Chăn: Về tính hiệp hành

ducchapherohuynhvanhai1234567891011

 

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long  

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2023 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Củng cố dự hiệp thông. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần I, sẽ nói đến ý nghĩa của sự Hiệp Hành : Hiệp Hành là gì ? được trích trong Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp Hành và Tính Hiệp Hành trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

Lần thứ I trong năm mục vụ 2022-2023, chúng ta cùng thảo luận đề tài chung “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Nhưng trước khi đi vào chi tiết, chúng ta tìm hiểu thế nào là Hiệp Hành hay Hiệp Hành có nghĩa là gì?

Nguồn gốc thuật ngữ “Hiệp Hành”

Khi cộng đồng Công giáo toàn cầu bắt tay vào con đường hướng tới một Giáo hội “hiệp hành” hơn, chúng ta khám phá nguồn gốc và ý nghĩa của thuật ngữ này, được rút ra từ các mô hình phân định và đưa ra quyết định của các cộng đồng Kitô giáo sơ khai. Vào năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục ở cấp độ Giáo hội toàn cầu. Ngài muốn có một cách để tiếp tục trao đổi huynh đệ và đồng nghiệp đã được trải nghiệm tại Công đồng Vatican II, nơi các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã gặp nhau từ năm 1962 đến 1965. Ngài mời gọi người Công giáo ở khắp mọi nơi hãy cùng nhau học lại cách thức trở thành Kitô hữu chân chính, để tạo ra những không gian gặp gỡ và lắng nghe lẫn nhau, bao gồm các ân tứ của tất cả những người đã được Rửa tội, để đối mặt với nhiều thách thức đặt ra bởi sự đổi mới đời sống của Giáo hội trong thời đại của chúng ta. Từ đó, thuật ngữ “Hiệp Hành” được đề cập tới.

Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) mô tả tính hiệp hành như sau : “Synod” là một từ cổ kính trong Truyền thống của Giáo hội, ý nghĩa của nó được rút ra từ những nội dung sâu xa nhất của Mặc khải [...] Nó chỉ ra con đường mà Dân Chúa cùng nhau bước đi. Tương tự như thế, từ này đề cập đến Đức Giêsu, Đấng tự giới thiệu chính Ngài là “con đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), và đến sự kiện là các Kitô hữu, những người đi theo Ngài, ban đầu được gọi là “những người đi theo Con Đường đó” ( x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22).

Trước hết và trên hết, tính hiệp hành biểu thị một phong cách đặc trưng của đời sống và sứ mạng của Hội thánh, diễn tả bản chất của Hội thánh là Dân Thiên Chúa đồng hành cùng nhau và tập họp trong cộng đoàn, được Chúa Giêsu quy tụ bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Tính hiệp hành phải được thể hiện trong cách sống và làm việc bình thường của Hội thánh. (Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính Hiệp Hành, số 1. 2)

Nhưng tính Hiệp Hành là gì?

Về cơ bản, tính hiệp hành hệ tại ở một hành trình chung. Điều này được thực hiện thông qua việc lắng nghe lẫn nhau, cho phép chúng ta nghe những gì mà Chúa đang nói với chúng ta. Đó là nhận ra rằng Chúa Thánh Thần có thể nói qua bất cứ ai để giúp chúng ta cùng nhau bước đi trên hành trình truyền giáo với tư cách là Dân của Chúa (x. Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính Hiệp Hành, số 1. 2).

Đây không phải là mất hai năm để tìm ra một từ ngữ mới hợp thời trang, thứ này sẽ sớm biến mất. Tính hiệp hành không phải là một giai đoạn nhất thời! Ngược lại, “cùng nhau bước đi” là tâm điểm của Giáo hội, với tư cách là dân Chúa đang lữ hành giữa thế giới. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng đối với ngài, “Giáo hội” và “Synod” đồng nghĩa với nhau, vì Giáo hội bao gồm cuộc hành trình chung này. Theo nghĩa này, tính hiệp hành là một cách canh tân Giáo hội từ cội nguồn sâu xa nhất của mình, để hiệp nhất với nhau hơn và hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình trên thế giới. Cụ thể, tính hiệp hành là một cách hiện hữu và làm việc theo cách tiếp cận gần cơ sở nền tảng hơn và hợp tác hơn, dành thời gian để phân định con đường cùng nhau bước đi. Nó làm nổi bật thực tế là tất cả chúng ta đều có một điều gì đó quý giá để đóng góp vào Thân thể Chúa Kitô.

Theo tinh thần này, có thể nói một “Giáo hội hiệp hành” là một Giáo Hội biết lắng nghe: “Đó là một sự lắng nghe hỗ tương, trong đó mọi người đều có điều gì đó để học hỏi. Dân tộc trung thành, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma, những người này lắng nghe những người kia; và tất cả hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần, “Thần Khí Sự Thật” (Ga 14:17), để biết Ngài đang nói gì với các Giáo Hội (Kh 2, 7) … Con đường hiệp hành này là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba”. (x. ĐGH Phanxicô, Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17 tháng 10, 2015).

Đương nhiên, điều này sẽ kêu gọi chúng ta thay đổi cách thức sống của mình, để chúng ta ngày càng trở thành con người thực sự của chúng ta với tư cách là một thành viên Giáo hội.  Chúng ta chỉ có thể tiến về phía trước nếu chúng ta làm việc và đi cùng nhau. Không người Kitô hữu nào nên đi một mình! Mọi chi thể đều cần thiết cho Thân Thể Chúa Kitô!

Tiếng nói của tất cả đều có giá trị bởi vì Thiên Chúa có thể nói qua bất cứ ai, không chỉ các Giám mục, Linh mục, Phó tế, Anh chị em Tu sĩ, mà là tất cả chúng ta. Con đường dẫn đến một Giáo hội biết lắng nghe bắt đầu với bạn và tôi. Hãy cùng nhau tiến về phía trước.

Vì thế, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta cùng nhau bước đi, chúng ta cùng mở ra những con đường mới và làm sáng tỏ những gì đã được thảo luận vì lợi ích của chúng ta, vì lợi ích của Nước Thiên Chúa, để những điều đó có thể lan tỏa khắp Giáo hội, giữa tất cả các gia đình nhân loại, cho tất cả mọi người được hạnh phúc ở đời này lẫn đời sau.

Nhân dịp này, trong mùa Giáng Sinh 2022, kính chúc anh chị em được ấm áp Tình yêu thương của Chúa Giêsu Hài đồng và Năm Mới Quý Mão 2022 tấn tài, tấn đức, tấn bình an và nhiều Phúc lành của Thiên Chúa. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho cơn đại dịch Covid-19 với nhiều biến thể mới đang xảy ra trên thế giới mau qua để mọi sinh Mục vụ và Xã hội được bình thường.

 

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2022

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long 

822    12-01-2023