Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Lời dạy của Thánh Bonaventura về mục đích của giáo dục

stbona
Public domain
San Bonaventura in search by Palma il Giovane


Mục tiêu chính của giáo dục không chỉ là phát triển các kỹ năng thực tế hay tiếp thu tri thức. Đó là cả hai, nhưng còn nhiều hơn thế nữa.

Trong nhiều năm, mục tiêu duy nhất trong đời tôi là trở thành người thông minh nhất trong lớp học. Tôi bị ám ảnh bởi việc tiếp thu kiến thức. Ở trường đại học, tôi tham gia vào các lớp học thêm, tham dự thêm các buổi thuyết trình và thậm chí còn tự đọc thêm các loại sách ngoài luồng khác. Tôi thường ngủ quên vào ban đêm trên chiếc ghế với một cuốn sách triết học trên tay.

Đối với tôi, phát triển trí tuệ là bí quyết để giải quyết mọi vấn đề của mình. Tôi mường tượng rằng sự thông minh là chìa khóa để hiểu biết Thiên Chúa, để tìm ra nguyên nhân khiến tôi chán nản và tìm ra con đường tiến bộ về mặt tinh thần và cảm xúc. Điều đó chẳng có hại gì, nếu tôi thực sự có thể là người thông minh nhất trong lớp học, thì đó sẽ là một động lực thúc đẩy cái tôi của tôi, thứ ít nhiều không thể kiểm soát được.

Hóa ra tôi không thông minh đến thế.

Tôi đã dành quá nhiều cho cái tôi. Khi tôi đến Yale để học cao học, rõ ràng là có nhiều (và rất nhiều) người trên thế giới thông minh đến mức nhạy bén hơn tôi, những người chăm chỉ hơn, tài giỏi hơn, có động lực hơn. Và mặc dù tôi đã thực sự tiếp thu được khá nhiều điều trong quá trình học, nhưng các vấn đề cá nhân của tôi vẫn tồn tại và những nghi ngờ về đức tin của tôi vẫn còn đó. Trên thực tế, những mối nghi ngại đó đã không ngừng tăng thêm. Tôi nhận ra rằng tôi không thể biết được mọi điều về Thiên Chúa. Có thể nói, “chủ đề” này là quá mức đối với một trí năng con người.

Thiên Chúa không phải là một ý tưởng để nghiên cứu, mà là một Ngôi Vị được biết đến. Tôi cũng hiểu ra rằng tâm hồn con người rất phức tạp, và con người tôi không chỉ là một con người với trí tuệ thuần tuý.

Được giáo dục có nghĩa là gì?

Việc nhận thức được điều này tự nó làm phát sinh vấn đề liên quan đến việc được giáo dục có nghĩa là gì. Loại kiến thức nào đáng để đạt được, và mối quan hệ giữa trí tuệ và kiến thức là gì? Một điều rõ ràng - giáo dục phải bao trùm toàn thể thực tại, chứ không chỉ là trí tuệ.

Giờ đây, tôi đã là bậc phụ huynh của những đứa con đang tuổi đi học của riêng mình, việc học hành của chúng là điều mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều. May mắn thay, những sai lầm trong quá khứ đã giúp tôi hình thành một số suy nghĩ về mục đích của giáo dục.

Một điều tôi nhận thấy về xu hướng giáo dục ngày nay là mọi thứ đang đi sai hướng. Các phương pháp tiếp cận giáo dục một mặt mang tính trừu tượng và lý thuyết cao; mặt khác, chúng chỉ giới hạn ở cái gọi là kỹ năng “thực tế”, đặc biệt là tập trung vào khoa học và công nghệ. Ngay khi bước vào lớp học, trẻ em đã được truyền tay iPad và máy tính. Học phần của chúng hướng đến việc chuẩn bị cho chúng có được một công việc được trả lương cao và hòa nhập với xã hội (bất kể xã hội đó có đáng để hòa nhập hay không).

Bất cứ khi nào một trường học quảng cáo rằng học sinh của họ nhận được máy tính xách tay và học thông qua công nghệ tiên tiến, tôi ngay lập tức đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục được cung cấp ở đó. Điều này phát xuất từ mục tiêu chính của giáo dục không phải là phát triển các kỹ năng thực tế. Nó thậm chí không thực sự là việc tiếp thu tri thức thuần túy. Đó là cả hai, nhưng có thể chắc chắn rằng mục đích của giáo dục còn phải đi xa hơn thế nữa.

Con người không chỉ sống bằng cơm bánh. Một người không thể phát triển chỉ với tri ​​thức thực tế.

Tính lãng mạn của việc học tập

Gần đây, tôi đã nói chuyện tại một hội nghị về giáo dục tại gia, trong đó tôi giải thích rằng giáo dục về cơ bản là một nỗ lực đầy tính lãng mạn. Để giải thích cho điều tôi muốn nói, tôi đã trích lời của Thánh Edith Stein, người đã viết, “Nhà giáo dục được mời gọi từ sự uỷ thác của Thiên Chúa để mở rộng tâm hồn học sinh của mình cho hoạt động của ân sủng và đồng thời phát triển những năng lực tiềm ẩn của tâm hồn theo hình ảnh Thiên Chúa.” Đây là sự lãng mạn thuần túy, ý tưởng này cho rằng giáo dục được thành lập dựa trên một quan niệm siêu hình về con người. Thầy và trò không khuất phục trước những đòi hỏi của thực tiễn hay một mục tiêu trí tuệ tuỳ ý nào đó mà ngược lại, họ đang tìm kiếm tri thức như một kho báu, như một hành trình khám phá vĩ đại hướng tới cội nguồn của tri thức xuất phát từ một tầm mức cao hơn.

Trong bầu không khí như vậy, bạn gần như có thể bắt đầu tin rằng bọn yêu tinh, người hobbit, Vua Arthur và Chén Thánh đều là có thật. Có lẽ họ đang hiện diện. Tôi biết chắc chắn rằng Thánh Phanxicô đã dang tay đón nhận dấu thánh, Thánh Tôma Aquinô đã thoát khỏi một tòa tháp bị khóa trong một lâu đài để chạy trốn đến Paris, và Thánh Philomena là một công chúa Hy Lạp đã đối mặt với những con sư tử trong đấu trường. Thế giới này, một thế giới đầy những khả năng vô tận, nơi sinh sống của những anh hùng luôn tin tưởng vào một chân lý sâu xa hơn, đây là thế giới mà tôi muốn con cái mình thừa hưởng. Có lẽ chúng cũng có thể tham gia cùng với những vị anh hùng đó.

Như Thánh Edith Stein đã giải thích thêm, giáo dục bắt đầu từ tâm hồn. Giáo dục đích thực không phải là sự áp đặt kiến thức bên ngoài mà đúng hơn là sự thành hình toàn bộ con người từ trong ra ngoài.

Kiểu giáo dục này hình thành nên một con người độc đáo, tuyệt vời, biết suy nghĩ, trưởng thành và tìm kiếm hạnh phúc. Những người Công giáo chúng ta tin rằng niềm hạnh phúc đó gắn liền với tiến trình để được nên thánh.

Hiểu biết Chúa Kitô

Thánh Bonaventura, người mà chúng ta mừng lễ hôm nay, đã diễn đạt điều đó một cách đơn giản nhưng hiệu quả khi dạy: “Nếu bạn không học gì ngoài Chúa Kitô, bạn sẽ học được mọi thứ.” Kiến thức là một sự biến đổi bên trong. Nó giống như một cái thang tạo nên mối liên hệ giữa chúng ta và Chúa Kitô. Chúa Kitô là Sự Thật, và chúng ta càng trèo lên cao, chúng ta càng tiến gần đến việc sống trong sự thật.

Theo kinh nghiệm của tôi, giáo dục là một quá trình học hỏi để xác định những gì có giá trị. Hãy tìm kiếm Chúa Kitô trước tiên. Đúng vậy, chúng ta cần biết về Người, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là biết Người.

Một nền giáo dục toàn diện sẽ bao gồm nhiều kiến thức hàn lâm, nhưng cũng sẽ đào tạo việc thực hành các nhân đức, cầu nguyện và thần học. Nền giáo dục đó sẽ bao gồm thơ ca, văn chương và việc nhìn ngắm bầu trời đầy sao trong thinh lặng. Có thể nền giáo dục đó cũng sẽ bao gồm nghề lâm nghiệp, cuộc chạy đường trường, chế tạo máy bắn đá thời trung cổ hoặc chế tạo một người máy. Ai mà biết được.

Vấn đề nằm ở chỗ giáo dục là một chuyện tình lãng mạn đến tuyệt vời, một tình yêu với thế giới này bởi vì, qua đó, chúng ta ngày càng nhận thấy rõ ràng hơn về Đấng thật sự là Chân - Thiện - Mỹ.

 

Tác giả: Lm. Michael Rennier* - Nguồn: Aleteia (15/7/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
-----------------------------
Cha Michael Rennier tốt nghiệp Trường Thần học Yale và sống ở St. Louis, Missouri cùng vợ và 5 người con. Cha là một linh mục Công giáo được thụ phong thông qua Chương trình Mục vụ dành cho Các cựu Giáo sĩ Tân giáo của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cha cũng là một biên tập viên có đóng góp tại Dappled Things, một tạp chí dành riêng cho nghệ thuật viết và nghệ thuật thị giác. 

317    16-07-2023