Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Lời nguyện tín hữu hiểu và thực hành cho đúng (P1)

Lời nguyện tín hữu hiểu và thực hành cho đúng (P1)

Trong phụng vụ ngày xưa, những người chưa rửa tội chỉ được tham dự phần đầu của thánh lễ, gọi là phần Tiền thánh lễ hay Lễ dự tòng. Khi phần công bố Tin Mừng và giảng xong, anh chị em dự tòng được mời ra về. Bấy giờ, toàn thể cộng đoàn đứng lên dâng lời cầu nguyện. Vì thế, những lời nguyện này được mệnh danh là “Lời nguyện tín hữu” (oratio fidelium), nghĩa là, lời nguyện thuộc về dân tư tế của Chúa chứ không thuộc về chủ tế và chỉ những người đã trở thành tín hữu cũng như hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội mới có quyền tham dự.

Lời nguyện tín hữu còn có một số tên gọi khác như: Lời nguyện chung; Lời nguyện chuyển cầu; Kinh cầu (prière litanique) hay Lời nguyện phổ quát vì trong kinh nguyện này, các tín hữu thi hành vai trò tư tế phổ quát của mình như một bổn phận (Ad Gentes, số 36) mà nài xin Thiên Chúa cho mọi người và cho nhu cầu khắp nơi (1Pr 2, 9; Kh 1, 5-6; Ep 4, 16).

I] LỊCH SỬ

Trong phụng vụ hội đường, có đến 18 lời chúc phúc bao hàm những lời kêu xin cho những nhu cầu khác nhau của cá nhân và cộng đoàn. Ngay từ rất sớm, những lời cầu nguyện tương tự như vậy cũng là một thành phần trong phụng vụ của Giáo hội cả bên Đông phương lẫn Tây phương. Khi nói đến Lời nguyện phổ quát, các giáo phụ thường trưng dẫn lời của thánh Phaolô chỉ dạy:

Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (Tm 2,1-4).

Nhưng chứng tích đầu tiên về Lời nguyện phổ quát là từ bút tích của Đức Clêmentê I (gởi cho giáo đoàn Côrintô) và của thánh Justinô tử đạo vào thế kỷ II. Thánh Justinô cho biết, khoảng năm 150 tại Rôma, khi cử hành Bí tích Thánh Tẩy xong, “tất cả chúng tôi cùng đứng dậy và đọc những Lời nguyện chung (koinai euchai)” cầu nguyên cùng Thiên Chúa cho chính chúng tôi... và cho mọi người khác trên thế giới,…” (I Apologia 65; GLCG 1345). Thánh nhân viết tiếp, sau đó, cộng đoàn mới cử hành Thánh Thể. Những lời nguyện này quan trọng đến độ các dự tòng không được hiện diện, họ phải ra về sau cử hành Phụng vụ Lời Chúa.

Tới thế kỷ III, nhờ bút tích của thánh Hippôlytô trong cuốn Truyền thống tông đồ, người ta biết rõ những lời nguyện này là phần dành riêng cho các tín hữu bởi vì lời nguyện của những người chưa lãnh Bí tích Rửa Tội thì “chưa được tinh tuyền”. Thánh nhân viết: “Giáo lý viên phải đặt tay trên những người dự tòng. Họ phải cầu nguyện rồi sau đó, mới giải tán những người này” (Chương 19).1

Như thánh Justinô đã nói, vào thời điểm đó, người dự tòng ra về sau cử hành Lời Chúa và Lời nguyện tín hữu mang đúng ý nghĩa của từ: là lời nguyện của người tín hữu, chứ không phải của người còn đang học đạo. Lời nguyện tín hữu là thành phần của cử hành phụng vụ, kết thúc Phụng vụ Lời Chúa và dẫn vào Phụng vụ Thánh Thể, là phần chỉ dành cho Kitô hữu. Thực hành này chắc chắn được chứng nhận một cách mạnh mẽ hồi thế kỷ IV và V trong Constitutiones Apostolorum (AC 8:10-11) và trong các bài viết của các thánh Augustinô, Cyril thành Giêrusalem và Gioan Kim Khẩu... Các ngài viết rằng trong thánh lễ Chúa nhật, các dự tòng được cho về sau bài giảng với những lời nguyện dành cho dự tòng và công thức để giải tán họ. Chỉ sau khi giải tán dự tòng, những tín hữu còn lại mới tham gia Lời nguyện tín hữu.2

Trong nhiều bài giảng, thánh Augustinô hay kết thúc bằng cách kêu mời mọi người hướng về Chúa: Conversi ad Dominum, tỉ dụ: Hướng về Chúa, chúng ta cầu xin cho chúng ta và cho toàn thể dân Người đang hiện diện trong nhà của Người đây; Xin Người đoái thương gìn giữ và bênh đỡ dân Người, nhờ Đức Kitô...3 Trước đó, người ta không biết cụ thể cách sắp xếp lời nguyện này thế nào. Nhưng đến thế kỷ IV, bên Đông phương, lời nguyện này mang hình thức Kinh cầu (litanie) do một phó tế xướng các ý nguyện, sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn Dân Chúa đáp bằng một công thức cố định dâng lên Chúa Kitô: Kyrie eleison (Xin Chúa thương xót chúng con). Khi Kyrie chiếm vị trí vào lúc khởi đầu thánh lễ, những Lời nguyện chuyển cầu bắt đầu biến mất, có lẽ dưới triều của Đức Vigilius (537-555).4

Theo ý kiến của Paul De Clerck, vào giữa những năm 250 và 320, bên Tây phương, sách nghi lễ Rôma ((Ritus Romanus) có chứa 9 Lời nguyện trọng thể mang hình thức giống như những Lời chuyển cầu trọng thể của thứ Sáu Tuần Thánh hiện nay. Nguyên thủy, sau mỗi ý nguyện được phó tế loan báo, cộng đoàn sẽ thinh lặng, và lời nguyện chỉ đơn giản kết thúc bằng viêc thưa “Amen”. Tới thế kỷ IV, mới thêm vào những lời tóm lược ý nguyện của chủ tế trước mỗi lời “Amen”. Toàn bộ cấu trúc này sau đó đã được thay đổi bởi Đức Gelasio (492-496). Khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã soạn ra một kinh theo dạng kinh cầu Đông phương và truyền đọc trong cả Giáo hội. Dường như kinh này vay mượn từ các Giáo hội ở phía bắc Italia trong đó cộng đoàn sẽ đáp lại sau mỗi ý nguyện bằng điệp khúc “Lạy Chúa, xin lắng nghe và thương xót chúng con” (Domine, exaudi et miserere).5 Nhưng chỉ một thế kỷ sau, kinh này cũng biến mất luôn, và phải chờ tới Công đồng Vatican II, nó mới được chính thức phục hồi. Nội dung của các lời nguyện này là cầu cho: Giáo hội, nhà cầm quyền, mọi nhu cầu của nhân loại – trở nên Lời nguyện chung cổ kính và súc tích nhất của Hội Thánh Rôma hiện nay.6

Cha A. Nocent đã quả quyết: từ thời thánh Justinô cho tới triều đại của Đức Fêlixê III (483-492), cấu trúc của phần Phụng vụ Lời Chúa là: Bài đọc Sách Thánh, Thánh vịnh Đáp ca, bài giảng, Lời nguyện tín hữu.7

Từ thời Đức Grêgôriô Cả (thế kỷ VI), Lời nguyện chung bị quên lãng trong phụng vụ Rôma, mỗi năm chỉ đọc một lần vào chiều thứ Sáu Thánh. Lý do được các sử gia như Callewaert và Jungmann đưa ra là vì trong Kinh Tạ Ơn (Lễ quy Roma) cũng đã có những Lời chuyển cầu cho các nhu cầu của Hội Thánh, vì thế không nên lập lại ở chỗ khác.8

Sách lễ 1570 cho thấy có dấu vết của những lời nguyện này. Trước khi phần dâng lễ bắt đầu, chủ tế nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện”, nhưng không có lời nguyện nào theo sau.9 Mãi đến thế kỷ XX, Công đồng Vatican II mới tái lập lời nguyện này trong thánh lễ. Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng Vatican II (PV) đã quyết định lấy lại Lời nguyện phổ quát hay Lời nguyện tín hữu trong thánh lễ:

Phải tái lập (restituatur) “Lời nguyện chung” hay “Lời nguyện tín hữu”, sau Phúc Âm và bài giảng, nhất là những ngày Chúa nhật và lễ buộc, để khi dân chúng tham dự lời nguyện đó, họ cầu khẩn cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những kẻ khốn khổ vì mọi nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người, và cho phần rỗi của toàn thế giới (PV 53).

(còn nữa)

Lm Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

____________________________________________________

1 Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 153.

2 Ibid., 153-154.

3 PL 38:605; 39:1634; Xc. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 77.

4 Xc. Cabié, “The Eucharist” trong A. G. Martimort (ed.), The Church at Prayer (Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 2: 73.

5 Xc. John D. Laurance (ed), The Sacrament of the Eucharist (Minnesota: The Liturgical Press, 2012), 143.

6 Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 77.

7 Xc. Ibid. 

8 Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 175.

9 Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 45.

1993    21-09-2017