Sidebar

Chúa Nhật

27.04.2025

Lời tạm biệt cuối cùng của thế giới dành cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 8 tháng 4 năm 2005

jp11
 Black mamba via Italian Wikipedia


Lễ tang của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một sự kiện lịch sử và quốc tế có tác động cả về mặt tinh thần và chính trị.

Hai mươi năm trước, vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, lễ tang của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quy tụ hơn một triệu người tại Rome, bao gồm 200 nhà lãnh đạo quốc tế. Sự kiện này chứng minh ảnh hưởng về mặt tinh thần và chính trị của vị giáo hoàng người Ba Lan, người đã qua đời chỉ vài ngày trước đó. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, khi đó là niên trưởng Hồng y đoàn, đã gây ấn tượng với bài giảng khiến ngài, có lẽ là bất chấp bản thân, trở thành người kế nhiệm tự nhiên của Đức Gioan Phaolô II.

Một bài giảng mạnh mẽ

Đức Gioan Phaolô II “thực sự đã đi khắp mọi nơi, không biết mệt mỏi, để sinh hoa trái, hoa trái trường tồn,” Đức Hồng Y Joseph Ratzinger giải thích trong bài giảng của mình. Đám đông, bao gồm nhiều người hành hương từ Ba Lan, đã ngắt lời ngài nhiều lần bằng tiếng vỗ tay.

Ngài đã đánh thức chúng ta khỏi đức tin uể oải, khỏi giấc ngủ của các môn đệ cả ngày hôm qua và hôm nay. ‘Hãy đứng dậy, chúng ta hãy lên đường!’ ngài vẫn tiếp tục nói với chúng ta ngay cả ngày hôm nay,” vị thần học gia người Đức nói.

 

jp2
 AFP PHOTO / PATRICK HERTZOG


“Đức Giáo hoàng đã chịu đau khổ và được yêu thương trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, và đó là lý do tại sao thông điệp về sự đau khổ và sự im lặng của ngài lại hùng hồn và hiệu quả đến như vậy,” Đức Hồng y nói vào cuối bài giảng của mình.

Ngài ám chỉ đến phép lành trong cơn đau mà Đức Gioan Phaolô II ban cho vài ngày trước đó, vào Chúa Nhật Phục Sinh, khi ngài không thể nói được.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng kính yêu của chúng ta hôm nay đang đứng bên cửa sổ nhà Cha, ngài nhìn thấy chúng ta và chúc lành cho chúng ta. Vâng, xin chúc lành cho chúng con, thưa Đức Thánh Cha. Chúng con phó thác linh hồn yêu dấu của Đức Thánh Cha cho Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Đức Thánh Cha,” vị Giáo hoàng tương lai Bênêđictô XVI kết luận, trong tiếng vỗ tay.

“Santo subito”

Phụng vụ được cử hành bằng tiếng Latin. Gió thổi qua sân khấu, làm lật các trang sách Kinh Thánh đặt trên chiếc quan tài đơn sơ trên mặt đất. “Đó là một hình ảnh đáng kinh ngạc. Chúng tôi thực sự nhìn thấy hơi thở của Chúa Thánh Thần ở đó,” một người tham dự nhớ lại.

Lời tạm biệt cuối cùng này dành cho Thánh Gioan Phaolô II được phát sóng trên toàn thế giới ở mọi sân khấu, ngoại trừ lễ chôn cất của giáo hoàng, được cử hành riêng tư tại hầm mộ Vatican. Tổng cộng có gần 6.000 vị đồng tế, bao gồm 140 hồng y và 700 giám mục và tổng giám mục, đã tham dự Thánh lễ.

Buổi lễ được đánh dấu bằng tiếng reo hò của đám đông hô vang “Santo subito” - “Xin cho ngài ngay lập tức được tuyên thánh.”

 

jp31
 Wojtek Laski/East News


Đức Hồng Y Ratzinger vẫn giữ thái độ bình thản trước áp lực của dân chúng. Tuy nhiên, sau khi được bầu làm giáo hoàng dưới tước hiệu Bênêđictô XVI, ngài đã mở tiến trình phong chân phước cho vị tiền nhiệm của mình vài tuần sau đó. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tuyên bố Đức Gioan Phaolô II là chân phước vào ngày 01 tháng 5 năm 2011, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho ngài cùng với Đức Gioan XXIII ba năm sau đó.

Một hội nghị thượng đỉnh quốc tế có ý nghĩa lịch sử

Lễ tang của Đức Gioan Phaolô II cũng là một sự kiện chính trị. Nhiều nguyên thủ quốc gia đã có mặt, bao gồm tổng thống Pháp Jacques Chirac, tổng thống Ba Lan Alexander Kwasniewski và người tiền nhiệm Lech Walesa, và tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, cùng với những người tiền nhiệm Bill Clinton và George Bush cha. Jimmy Carter, người đã tiếp Đức Gioan Phaolô II tại Nhà Trắng vào năm 1980, đã không thể tham dự do thiếu ghế được phân bổ cho Hoa Kỳ theo nghi thức ngoại giao.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là sự hiện diện của các nhà lãnh đạo từ các quốc gia chưa bao giờ được Đức Giáo hoàng đến viếng thăm. Chẳng hạn như trường hợp của Algeria với Abdelaziz Bouteflika và Afghanistan với Hamid Karzai. Sự hiện diện của Hamid Karzai càng đáng ngạc nhiên hơn vì quốc gia này không có sự hiện diện chính thức của Công giáo và chưa bao giờ thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Mặt khác, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không cử đại diện.

Trong số các nhà lãnh đạo có mặt tại thời điểm đó có một số người vẫn (hoặc một lần nữa) tại vị 20 năm sau đó. Bao gồm Lula của Brazil, Ilham Aliev của Azerbaijan, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Viktor Orban của Hungary (lúc đó tham dự với tư cách là cựu thủ tướng), Vua Abdullah II của Jordan và vợ là Nữ hoàng Rania, các quốc vương của Thụy Điển, Na Uy, Lesotho và Luxembourg, và Chủ tịch Quốc hội Lebanon, Nabih Berri.

Người vắng mặt đáng chú ý nhất trong số các nhà lãnh đạo quốc tế hàng đầu là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông đã gặp Đức Gioan Phaolô II hai lần tại Vatican vào năm 2000 và 2003, và được đại diện bởi Thủ tướng Mikhail Fradkov.

Những sự hiện diện gây tranh cãi

Sự hiện diện của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đã tiếp Đức Gioan Phaolô II tại Damascus vào năm 2001, đã gây tranh cãi. Chế độ Syria khi đó đã nằm trong tầm ngắm của cộng đồng quốc tế sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri vào ngày 14 tháng 2 năm 2005 tại Beirut.

Một sự hiện diện gây tranh cãi khác là Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ông bị cấm nhập cảnh vào Liên minh Châu Âu vào thời điểm đó, do chế độ của ông tàn bạo với người da trắng thiểu số. Tuy nhiên, ông đã có thể đến Vatican và được hưởng sự hộ tống của người Ý nhờ vào vị thế trung lập của Tòa Thánh.

Cái bắt tay của ông với thái tử Charles đã gây ra một vụ bê bối ở Vương quốc Anh, trong bối cảnh truyền thông gây sức ép mạnh mẽ lên thái tử. Để đại diện cho Vương quyền Anh tại lễ tang của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, vị vua tương lai của nước Anh đã phải hoãn đám cưới của mình với Camilla trong 24 giờ.

Một cuộc đối thoại bất thường khác đã diễn ra tại lễ tang của Đức Gioan Phaolô II, làm nảy sinh hy vọng ngắn ngủi về sự xích lại gần nhau về mặt ngoại giao: đó là giữa tổng thống Israel lúc bấy giờ, Moshe Katsav, và người đồng cấp Iran của ông, Mohammad Khatami.

Nhà lãnh đạo của nhà nước Do Thái, người sinh ra ở Iran, cho biết ông có thể nói chuyện với người hàng xóm của mình bằng tiếng Ba Tư, vì các nguyên thủ quốc gia được sắp xếp trên quảng trường theo thứ tự bảng chữ cái của các quốc gia. Trong Thánh lễ, khoảnh khắc bình an của Chúa Kitô kết nối một nhà lãnh đạo Do Thái và một nhà lãnh đạo Hồi giáo Shiite là một trong những hình ảnh đáng kinh ngạc của ngày đặc biệt này trong lịch sử Rome và thế giới.

Tác giả: I.Media - Nguồn: Aleteia (08/4/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

116    08-04-2025