Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Lối tu khổ hạnh của áp lực và bổn phận.

 

Mấy tuần vừa qua là những tuần nhiều áp lực nhất trong đời tôi. Tôi đã cố gắng cân bằng áp lực của việc dạy một khóa học liên thông ba giờ mỗi ngày, các bổn phận của một người quản lý, một loạt các tình huống cấp bách liên quan tới cái chết của hai vợ chồng người bạn thân của tôi, bên cạnh đó là cố gắng duy trì đời sống cầu nguyện, và suốt thời gian đó tôi lại còn bị chứng cảm siêu vi nặng. Một giai đoạn đầy áp lực.

Tất cả chúng ta đều có những thời kỳ tương tự như vậy trong đời, có khi kéo dài hàng năm, chứ không chỉ vài tuần. Đôi khi áp lực cuộc sống đẩy chúng ta vào những guồng xoay không hề ngưng nghỉ chút nào, ít nhất là như vậy trong một lúc. Điều xảy ra trong thời gian này là chúng ta có xu hướng tự trách mình đã để bản thân vướng vào tình thế đó. Bạn bè và các vị linh hướng lại hay xúm vào la mắng chúng ta không chịu chăm sóc bản thân tốt hơn, không biết từ chối trước các đề nghị, không có kỷ luật để thu xếp lịch cầu nguyện, tập luyện và thư giãn một cách đều đặn cho cuộc sống của mình.

Họ đòi hỏi như vậy cũng không phải là không có giá trị. Chúng ta thật sự cần phải tự chăm sóc bản thân, và không phải lúc nào việc đáp lại mọi nhu cầu xảy đến cũng là một đức hạnh tốt. Nhưng, đã nói đi thì cũng phải nói lại rằng, đôi khi, mà có lẽ là phần lớn thời gian, áp lực cuộc sống, các nghĩa vụ và các đòi hỏi vốn tước đi của chúng ta sự thảnh thơi, nghỉ ngơi, thời gian dành cho cầu nguyện chung, không hẳn là chuyện tệ hại. Cũng có việc ăn chay và cầu nguyện, do bắt buộc.

Phúc âm đã chẳng cho chúng ta biết, Chúa Giêsu từng vào sa mạc bốn mươi ngày đêm, nhịn ăn, nhịn bất cứ chất dinh dưỡng nào. Người chay tịnh. Chính yếu, điều này nói lên người tự tước đi các tiện nghi, các hỗ trợ cho cuộc sống của một người bình thường. Người tự nguyện chịu khổ hạnh nhằm chuyển hóa bản thân vào một tầng mức sâu hơn về hiểu biết, thương yêu, về trưởng thành (mục đích của mọi hình thức tu khổ hạnh tự nguyện). Người chủ động vào sa mạc.

Tuy vậy, đôi khi sa mạc lại đi tìm chúng ta. Trong cuộc sống, bất cứ lúc nào chúng ta chịu nhiều áp lực, đến nỗi không còn điều kiện hỗ trợ cho các tiện nghi bình thường, thì có nghĩa chúng ta cũng đang ở trong sa mạc, chúng ta có cơ hội dùng tình trạng thiếu thốn này như một kiểu tu khổ hạnh để giúp chúng ta chuyển hóa qua một tầng mức sâu đậm hơn về lòng thông cảm, tình thương yêu, về mức độ trưởng thành; ngoại trừ trong trường hợp chúng ta, đây là tu khổ hạnh bắt buộc chứ không được lựa chọn.

Các truyền thống tâm linh trước đây cố gắng dạy điều này qua một khái niệm mà họ gọi là sống thực hiện các bổn phận của tình trạng mình. Nói một cách nôm na, ý tưởng là như vậy: Chúa đặt chúng ta trên mặt đất này không chỉ để chúng ta thảnh thơi vui thú, mà còn để phụng sự tha nhân, để trao trọn cuộc đời chúng ta trong bổn phận không vị kỷ. Vì trên thực tế, niềm hạnh phúc riêng tư, tình trạng bất khả xâm phạm riêng tư của chúng ta không phải là mục tiêu tối thượng của chúng ta. Một khi chấp nhận điều này, một khi trao trọn đời mình cho phục vụ, thì bổn phận thiên bẩm của hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp, nhà thờ, xã hội, giúp tha nhân, đôi khi sẽ cuốn hút chúng ta theo những cách mà trong một thời gian dài, có thể tước đi sự tự do, thảnh thơi, nghỉ ngơi, ngay cả thời gian cầu nguyện lý tưởng nhất chúng ta có thể cầu nguyện. Nhưng việc đáp lại bổn phận đó cũng là một kiểu tu khổ hạnh, dù là bắt buộc, nó cũng có thể giúp cho chúng ta chính những điều mà các buổi cầu nguyện riêng tư, tự nguyện ăn chay có thể làm được, đó là đẩy chúng ta vượt lên cuộc sống vị kỷ.

Trong Thánh kinh, điều này được thể hiện qua lời Chúa Giêsu nói với thánh Phê-rô ở đoạn cuối Phúc âm thánh Gio-an: Sau khi thánh Phê-rô ba lần khẳng định tình thương và cam kết của ông, Chúa Giêsu quay qua ông và nói: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Điều Chúa Giêsu nói với thánh Phê-rô là những bổn phận giờ đây phải đi theo lời cam kết của đức tin và tình yêu, sẽ tước đi không chỉ niềm thảnh thơi và những kế hoạch riêng cho đời mình, mà chung cuộc, cũng sẽ tước đi sự tự do và chính cuộc sống của ngài. Bổn phận có thể làm như vậy, và thường làm như vậy.

Tôi có biết một bà, mà bây giờ con cái đã lớn, một lần nọ, bà thú nhận với tôi, khi các con ở tuổi lẫm chẫm biết đi, có những lúc bà không có thì giờ để đi vệ sinh, đừng nói đến thì giờ để thư giãn, cầu nguyện hay ngồi yên một mình. Bây giờ, bà là một trong những người vị tha nhất, cầu nguyện nhiều nhất mà tôi biết. Rõ ràng thời gian bà ở trong sa mạc là thời gian bà ở nhà, chân kẹp trong lửa bổn phận, buộc phải chay tịnh, không thảnh thơi bình thường, thời gian này đã làm cho bà cái điều mà sa mạc làm cho Chúa Giêsu và điều mà sợi giây ép buộc đã làm cho thánh Phê-rô.

Những áp lực không mong muốn, nỗi mệt mỏi không thể nào giải quyết, các bổn phận ngập tràn lịch làm việc, nếu chúng ta vui vẻ chấp nhận thì chúng có thể có tác dụng như cái móc khổ hạnh, ép buộc chúng ta, đưa chúng ta, dù dường như nó muốn chống lại ý muốn chúng ta, đến những nơi chốn sâu sắc hơn, trưởng thành hơn.

J.B. Thái Hòa dịch

2775    27-11-2017