Sidebar

Chúa Nhật

15.09.2024

Lược sử hình thành Hội Thừa Sai Paris - Phần 2

5. Tiến triển mối quan hệ khi đến Paris

Ba năm lưu lại ở Rôma từ năm 1649-1652, sau nhiều lần tiếp kiến với Ðức Inôcentê X và Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Cha Ðắc Lộ nhận thấy ra chủ yếu ba điểm khó khiến cho Giáo triều chưa thể gởi Giám mục Tông tòa đi Việt Nam: Một là thiếu tổ chức hậu cần ở Châu Âu; hai là thiếu quỹ tài trợ chi phí cho việc gởi người đi, và cuối cùng là, thiếu những thừa sai đủ nhiệt huyết và khả năng để giải quyết những yêu cầu đối với truyền giáo tại xứ phương xa.[9] Mà mục tiêu công việc này hiện đang đối mặt với hai thách thức lớn: Phải thích ứng với người bản địa xứ phương Đông nhằm thu hút được tân tòng, và hai là, phải đương đầu với những thế lực của Chế độ Bảo Trợ, là kẻ tham vọng độc quyền quản trị truyền giáo tại vùng này, để nhờ song song đó, cũng bảo vệ luôn tư lợi quốc gia họ. Từ những nguyên nhân phức tạp ấy, Cha Ðắc Lộ quyết định chọn hành trình tiến về nước Pháp để tìm phương hướng cho câu giải đáp.

Tàu từ Kinh thành Rôma sau khi cặp được bến Marseille, bờ nam nước Pháp, Cha Ðắc Lộ cất bước ngay hướng về Paris, giữa chặng đường thì Ngài có dừng chân lại Roanne. Nơi đây Cha may mắn được làm quen với Ðức Cha Henri de Maupas du Tour, Giám mục Giáo phận Puy và cũng là tuyên úy của Hoàng Hậu đương thời. Dịp may lúc ấy, cũng đúng vào lúc Ðức cha De Maupas có việc và đang chuẩn bị để đi Paris, Ngài đề xuất ý mời Cha Ðắc Lộ đồng hành cùng chuyến. Hành trình 11 ngày giữa Roanne và Paris, kể từ ngày 17 đến 28-01-1653, đã cho phép Cha Ðắc Lộ được dịp kể hết mọi chuyện tại vùng Châu Á và đặc biệt cách riêng về Giáo Hội Việt Nam, những gì diễn ra ở xứ Tonkin cũng như trong xứ Cochinchine (vì bên Ấn Độ cũng có một địa danh trùng tên Cochin, nên người Phương tây gọi bên Ấn là Cochin-inde và tại Việt Nam là Cochinchine). Đồng thời Cha Ðắc Lộ cũng tường thuật cặn kẽ về tình hình rao giảng và những cuộc trở lại Đạo, về văn hóa và niềm tin của người Việt, gồm luôn những khó khăn, bách hại, nhu cầu thừa sai, niềm hy vọng tương lai cho một Giáo hội tiềm năng thịnh vượng… Thật là một cơ hội thuận lợi không thể ngờ, nhờ đó mà như là duyên cớ để dẫn đến những biến chuyển thành lập Hội Thừa Sai Paris sau này.

Ðức cha Henri de Maupas là một người đặc biệt có rất nhiều mối quan hệ quen biết tại Paris. Ngài được Vua Louis XIII và hoàng hậu Anne d’Autriche bảo trợ, đồng thời cũng là một phát ngôn viên của Hội Thánh Thể (Compagnie du Saint-Sacrement). Hội này được thành lập từ năm 1627 do Henri de Lévis, công tước Vantadour, Hội hoạt động từ thiện mạnh mẽ như: Chữa trị bệnh nhân, tài trợ dưỡng đường, cứu giúp người nghèo, hoàn lương kẻ lỡ bước, thăm viếng tù nhân, dẹp trừ tà giáo, ủng hộ các chương trình Mục vụ ở thành thị cũng như thôn quê. Hội qui tụ được nhiều Giáo sĩ và nhân vật quyền thế tiếng tăm, trong đó có Thánh Vincent de Paul (1581-1660) và nhà giảng thuyết lừng danh Bossuet (1627-1704), sau này trở thành Giám mục Giáo phận Meaux (1681-1704). Hội đặt trụ sở tại Paris, hàng tuần đều có những buổi họp cho hội nghị chung hoặc cho từng ủy ban, trên toàn quốc có 40 chi hội địa phương. Mục tiêu Truyền giáo là một trong những ưu tư chính của Hội trong những năm ấy. Năm 1639, Hội tài trợ các đoàn thừa sai Hừng đông, 1642 góp phần thành lập Hội Ðức Bà Montréal – hoạt động truyền giáo vùng Tân Pháp ở Canada. Chính bản thân Vị sáng lập Hội là công tước Vandatour, được thụ phong Linh mục vào năm 1641, còn đứng ra thành lập “Hội các chủng viện Tông đồ và Vương quốc” để truyền bá Đức tin cho dân ngoại. Vị này còn đề nghị lập Hội các thừa sai Ấn Ðộ, nhiều thân cận của Công tước Vantadour cũng đã góp phần mở mang giao thương với Ba Tư, Ấn Ðộ, Madagascar…

Ðến Paris vào cuối tháng giêng 1653, Cha Đắc Lộ đã được Đức Cha Henri de Maupas giới thiệu để gặp gỡ nhiều vị Giáo sĩ và các nhân vật quan trọng ở Paris. Cha đã được tiếp xúc với Hoàng Hậu Anne d’Autriche; Cha de Lingendes, Bề trên giám tỉnh Dòng Tên Pháp lúc bấy giờ; Cha Charles Lalemant, bề trên Nhà tập Dòng Tên; cha Charles Paulin, linh hướng của vua Louis XIV. Cũng trong dịp này, Cha Đắc Lộ đã được giới thiệu với triều đình, được tiếp xúc cấp lãnh đạo của Hội Thánh Thể, gặp cha Vincent de Paul; Nữ Bá Tước d’Aiguillon, là cháu thừa tự của Hồng y Richelieu và bà ta cũng là người điều hành một Hội phụ nữ trợ tá cho Hội Thánh Thể. Nữ Bá Tước đứng đầu nhiều hội từ thiện rất có ảnh hưởng ở Paris và Rôma, bà đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của các Giám mục Pháp, cùng làm việc bên cạnh Nữ Bá Tước, có bà De Miramion và cô De Bouillon, là những Vị tích cực và hăng say đi làm việc thiện bất cứ nơi đâu.

Cũng trong khoảng thời gian này, Ðức Cha Henri de Maupas còn giới thiệu cho Cha Ðắc Lộ một nhân vật quan trọng khác, đó là Ðức Khâm Sứ “di Bagno”, biệt danh Bagni. Sau cuộc gặp gỡ, Ðức Khâm Sứ Bagni đã gởi một bản phúc trình, trong đó thấy có hết lời khen ngợi về Cha Ðắc Lộ và đệ trình lên Hồng y Fabio Chigni, Quốc Vụ Khanh của Ðức Inôcentê X, mà vị Hồng y này sau được bầu làm Giáo Hoàng trong danh hiệu Alexandre VII. Năm 1654, trong một buổi họp có Cha Ðắc Lộ tham dự, Vị phát ngôn viên Hội Thánh Thể cho hay là đã qui tụ được một quỹ tài trợ và có thể giúp cho các Giám mục thừa sai. Do vậy, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy các khó khăn thuộc hai khâu tổ chức hậu cần và tài trợ kinh phí, như đã manh nha tìm ra giải đáp. Thành quả ấy có được là nhờ những sáng kiến và sự nhiệt tình đóng góp của các nhân vật chủ chốt trong Hội Thánh Thể.

6. Nhóm thừa sai đầy khả năng và nhiệt huyết

Ðầu tháng 2 năm 1653, Ðức Cha Henri de Maupas còn giới thiệu cho Cha Ðắc Lộ, Cha Jean Bagot (1580-1664), giáo sư tín lý, bề trên nhà tập Dòng Tên và là người điều hành trong một hội tư, gọi là “Hội Bạn Hiền” (Associatio amicorum, Les Bons Amis).[10] Ý nghĩa “Bạn Hiền” với chí hướng như “một tâm, một lòng”, là một hội dành riêng cho các Giáo sĩ hướng tới đời sống thiêng liêng qua tình bạn, đồng thời cũng nhằm giúp đỡ những sinh viên nghèo và cô đơn. Vào thời điểm này, Cha Jean Bagot đang điều động một nhóm khoảng mười hai người trẻ, tất cả đều sẵn sàng đáp lại Tiếng gọi thừa sai mà Cha Ðắc Lộ nêu ra.

Với danh tiếng từ quyển Tự điển Việt-La-Bồ, ấn hành tại Rôma năm 1651, Cha Ðắc Lộ đã được mời để đến nói chuyện ở Nhà tập Dòng Tên trước một cử tọa gồm Tập sinh Dòng và các Ðại chủng sinh Triều sắp chuẩn bị được làm linh mục. Ðây cũng là buổi nói chuyện đầu tiên mà Cha Ðắc Lộ thực hiện trong tháng 2-1653 với các thành viên của Hội Bạn Hiền và dẫn đến một kết quả thật mỹ mãn. Cha đã hoàn toàn chinh phục được các thính giả trẻ tuổi đầy nhiệt huyết để sẵn sàng dấn thân đi thừa sai. Có ba vấn đề đã được Cha đề cập trong bài diễn văn vào dịp này, nội dung Ngài phát biểu hôm đó, người ta còn ghi lại như sau:

Trước tiên Cha thuật lại một cách cụ thể và tỉ mỉ về những chuyến mạo hiểm của Ngài ở Việt Nam, và về việc thế nào Cha thích ứng với các điều kiện sinh hoạt, văn hóa địa phương, cũng như việc học tiếng Việt, Cha nói: “Trong thời gian 12 năm lưu trú trong xứ này, ở Ðàng Trong cũng như Ðàng Ngoài, tôi đã học Tiếng Việt với dân chúng địa phương. Tôi lại còn có một người thầy dạy: Cha Francisco de Pina, người Bồ Ðào Nha, là cộng sự đầu tiên trong nhóm Dòng Tên nhỏ bé của chúng tôi đã hiểu biết một cách thấu đáo ngôn ngữ Việt và giảng đạo mà không cần thông dịch. Thêm vào đó, tôi dùng các tài liệu của các Linh mục dòng Tên khác, đặc biệt là những công trình của hai Cha Gasparil de Amoral và Antoine Barbosa, mỗi Cha đều đã soạn thảo một tự điển, Cha Gasparil de Amoral tự điển Việt-Bồ và Cha Antoine Barbosa tự điển Bồ-Việt. Tôi đã sử dụng công trình của các Ngài và thêm vào đó cột chữ La-tinh tương ứng. Rốt cuộc có khoảng bảy đến tám ngàn từ chữ Việt quốc ngữ được đối chiếu với ngôn ngữ Bồ và La-tinh, mà không cần sử dụng đến loại kiểu chữ nôm hay chữ nho Việt Nam.”

Kế đến sang điểm thứ hai, Cha mô tả về tổ chức thừa sai tại Ðàng Trong và Ðàng Ngoài thích ứng với những phong tục tập quán địa phương. Tổ chức đời sống của các Thầy Giảng dựa theo khuôn mẫu của các sư sãi trong các chùa Phật giáo. Sau cùng, về điểm thứ ba, Cha trình bày nhu cầu khẩn thiết phải gởi Giám mục đại diện Tông tòa đến Việt Nam để truyền chức Linh mục cho người bản địa. Những cuộc bách hại liên tục hiện nay sẽ không cho phép người ngoại quốc được ở lại trong xứ, phải tránh những sai lầm như đã từng gặp ở Nhật, vì hiện nay không còn một Linh mục ngoại quốc nào có thể lưu lại nơi đấy. Phải sử dụng hết mọi biện pháp có thể, chính Ðức Inôcentê X và Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cũng phải công nhận rằng, Giáo Hội sẽ không đủ khả năng thực hiện ý định nếu như từ khước sự nhờ cậy vào tài trợ vật chất của hoàng gia Tây Ban Nha hoặc Bồ Ðào Nha trong việc di chuyển và bảo vệ các thừa sai, cũng như việc xây cất nhà nguyện, thánh đường, nhà xứ, cơ sở… Chính Cha Ðắc Lộ, bản thân cũng phải nhờ vả tàu bè Bồ Đào Nha và Hòa Lan trên đường trở về Châu Âu.

Kế đến Cha Ðắc Lộ còn có thêm một buổi nói chuyện khác, cũng được thực hiện vào tháng 2-1653, lần này tại nhà Nữ Bá Tước d’Aiguillon và mang tính cách quan trọng hơn lần trước. Đây là buổi gặp gỡ có sự tham dự của các thành phần quan trọng trong Hội Thánh Thể mà Cha Ðắc Lộ hy vọng sẽ tìm được nguồn tài chính, nhân lực, cũng như những hợp tác khác... Nhờ lần này mà có 3 Linh mục trẻ đặc biệt gây nên sự thu hút bởi Cha Jean Bagot và Cha Ðắc Lộ, vì họ tỏ ra có đủ khả năng và xứng đáng để được phong Giám mục. Ðó là các Vị: Cha François de Montmorency-Laval, Cha François Pallu và Cha Pierre Piques.

Cha François Pallu, sinh năm 1626, là con thứ 10 trong một gia đình 18 anh em, giàu nhất thành phố Tours; 7 người chết sớm, 4 người lập gia đình, 7 người dâng mình cho Chúa, trong đó có 2 vị thuộc dòng Tên, 3 nữ tu và 2 Linh mục Triều phụ tá Giám mục. Cha Pallu xin đi tu lúc 9 tuổi, học Thần học ở trường Clermont, cư ngụ tại cư xá sinh viên “La Rose blanche”, ở chung với Cha François de Montmorency-Laval, Bernard Gontier, Luc Fermanel de Favery và Henri Boudon, sau này cùng là thành viên trong Hội Bạn Hiền. Được thụ phong Linh mục lúc 24 tuổi, tức năm 1650, Cha François Pallu đã tham dự trong một số sinh hoạt do Hội Thánh Thể tổ chức, có ý định muốn đi làm thừa sai ở Ðàng Ngoài Việt Nam, nhưng thân phụ không bằng lòng nên đành nhờ đến một người bạn của thân mẫu là Bà mẹ Marie de Saint-Bernard, nữ tu Dòng kín, can thiệp và bảo đảm rằng, Cha đã suy nghĩ chín chắn chứ không phải là một quyết định nhẹ dạ.

Còn cha François de Montmorency-Laval sinh ngày 30-4-1622, quê quán ở làng Montigny-sur-Avre, Giáo phận Chartres. Cha có tham dự trong Hội Thánh Nữ Ðồng Trinh do cha Jean Bagot điều hành. Cha Bagot cũng là giáo sư thần học của Cha François de Montmorency-Laval tại trường Clermont.

Qua các Linh mục trẻ đầy nhiệt huyết và lắm khả năng này, Cha Ðắc Lộ đã tìm ra được giải đáp cho yếu tố thứ ba về nhân sự thừa sai. Ngày 07-3-1653, Cha soạn thảo một thỉnh nguyện thư để trình lên cho Ðức Cha Bagni, Khâm Sứ Tòa Thánh. Trong đó trước tiên Cha nhắc lại rằng, từ năm 1615 ở Việt Nam đã có một cộng đồng tín hữu Công giáo được hình thành và qui tụ với trên 300.000 giáo dân; thứ đến là báo tin cho hay hiện nay trong nước Pháp, Cha đã tìm được một số Linh mục Triều với tấm lòng đầy nhiệt huyết và nhận thấy có đủ khả năng để lãnh nhận chức Giám mục, họ sẵn sàng đi đến những miền xa xôi ấy nhằm đáp ứng các nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội.

Vậy là ba khó khăn lớn hầu như đều có được những giải pháp thỏa đáng. Vào tháng 7-1653, một thỉnh nguyện thư rất cảm động đã được soạn thảo để đệ trình lên Ðức Inôcentê X, trong đó có các chữ ký của Cha Vincent de Paul; Cha Colombet, chánh sở Saint-Germain, một Họ đạo trọng điểm của Paris; và Cha Ðắc Lộ. Nội dung chủ yếu trong thư như sau:

“… chúng con khiêm tốn thỉnh nguyện lên Ðức Thánh Cha xin tiến hành truyền chức Giám mục Hiệu tòa và trao cho họ trách nhiệm Đại diện Tông tòa trong hai vùng truyền giáo Ðàng Trong và Ðàng Ngoài. Tại Paris, chúng con đã tìm được một số Linh mục Triều có đủ khả năng thi hành những chức vụ này. Chúng con dám xin giới thiệu vì nhận thấy họ có tâm hồn trong sạch, có nhiệt tình, khôn ngoan và đủ kiến thức về Tín lý. Vả lại, họ sẵn sàng để đón nhận sự khảo hạch bởi những Vị mà do Ðức Thánh Cha đề cử ... chúng con xin dâng lên lời thỉnh nguyện này với hết tấm lòng chân thành.”

Một điều đáng tiếc xảy đến, những nỗ lực hoạt động của Cha Đắc Lộ muốn dâng hiến cho Việt Nam giờ đây buộc phải đến hồi kết thúc. Do áp lực từ hoàng gia Bồ Đào Nha, Ngài được Bề trên Dòng thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Giám tỉnh Dòng Tên trong xứ Ba Tư. Tháng 8-1654, Cha Ðắc Lộ từ giã Paris, vào phút chia tay, Cha François Pallu còn ghi lại những lời sau cùng của Ngài: “Tôi luôn luôn xác tín rằng Chúa là Đấng lo liệu và tổ chức thời gian, một ngày nào đó Người sẽ ban Ơn phù trợ cho dân chúng Ðàng Ngoài và Đàng Trong vào lúc thuận tiện nào đó, hẳn sẽ có Giám mục được gởi đến cho họ”. Cha Đắc Lộ đã cống hiến cho Giáo Hội phần còn lại của đời mình ở Ispahan (Thủ đô Ba Tư lúc bấy giờ, cách Teheran khoảng 350 km về phía nam), với chức vụ Giám tỉnh dòng Tên xứ Ba Tư. Không lâu sau, Ngài đã qua đời ngày 05 tháng 11 năm 1660 và được chôn cất tại đó.[11]

21234567891011121314151617181920212223242526272829303132333435363738394041424344454647484950515253545556575859606162636465666768697071727374757677787980818283848586878889909192
 Đoàn Việt Nam thăm mộ Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), năm 2018. Ảnh: Nguyễn Văn Tâm, từ nguoidothi.net.vn 


Ba vị François Pallu, François de Montmorency-Laval và Pierre Piques có hy vọng được chọn làm giám mục từ tháng 2 năm 1653, các Ngài được Ðức Khâm Sứ Bagni điều tra theo Giáo luật, nhưng rốt cuộc thì vẫn chờ đợi quyết định của Ðức Thánh Cha. Sở dĩ có sự chậm trễ vì Tòa Thánh còn đang nghi ngại những chống đối từ phía Bồ Ðào Nha, họ đe dọa sẽ cầm tù và bắt giam những Giám mục Pháp mà Tòa Thánh đang dự định gởi sang Châu Á. Vua Jean IV của Bồ Ðào Nha đã xúi dục Dòng Tên bất cộng tác với dự án nước Pháp và đề nghị một bảo trợ khác bởi 60 Tu sĩ dòng Tên. Từ đó những công việc thực hiện do Hội Thánh Thể cực lực vận động đã không tiến triển gì thêm, suốt trong năm 1654 chẳng thấy nhúc nhích chi cả.

Tác giả: Michel Trương - Nguồn: hdgmvietnam.com (20/8/2021)

 -----------

[9] Dữ liệu trong Phân mục: “Những thuận lợi trong quan hệ...” trích dẫn: Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 3, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP04.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[10] Ibid, Mục 2: Qui tụ được một nhóm Thừa sai.

[11] x. Lm. Đỗ Quang Chính, Sj, Tu sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes Từ Trần.

537    20-08-2021