Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

Lược sử hình thành Hội Thừa Sai Paris - Phần 4

9. Tổ chức Chủng viện Thừa sai và nguồn kinh phí

Song song với ý định tiến hành ra đi truyền giáo, những Vị sáng lập Hội Thừa Sai Paris, ngay từ buổi ban đầu đã nghĩ đến việc đào tạo nhân lực. Hồi còn bên Rôma đang khi vận động thành lập Hội, thì trong hồi ký hai Vị Lambert và Pallu có đề ra phương án thành lập một chủng viện chuyên lo việc hoán cải cho dân ngoại.[16] Ngày 01-7-1658, ba Đấng là François de Laval, François Pallu và Pierre Lambert de la Motte đã làm một thỉnh nguyện thư lên Thánh Bộ Truyền Giáo xin phép mở một chủng viện mà mục đích duy nhất chỉ là đào tạo kỹ năng rao giảng tin mừng cho các Thừa sai. Trong kế hoạch đó người ta sẽ nhận tất cả các Linh mục nào muốn sống thử Ơn gọi thừa sai của mình và sẽ tiến hành đào tạo họ bằng mọi cách để có thể thích ứng với khả năng và môi trường hoạt động truyền giáo xa xôi. Thánh Bộ tiếp nhận thỉnh nguyện thư một cách thuận lợi, nhưng cũng để cho 3 Vị sáng lập ấy hoàn toàn tự do, lấy sáng kiến của mình áp dụng trong việc gầy dựng và tổ chức.

Từ buổi sơ khai tại Paris, cũng vẫn luôn là hai nhóm Hội này đảm nhận dự án: Hội Bạn Hiền tuyển chọn nhân sự thừa sai, còn Hội Thánh Thể huy động ngân quỹ tài chánh đồng thời lo xây dựng cơ sở.[17] Ðức Cha François Pallu ngay sau khi thụ phong Giám mục ở Rôma, thì đầu năm 1659 đã quay về Paris gặp lại Hội Bạn Hiền ở phố Coupeau và phố Saint-Dominique, nhằm tìm kiếm và tuyển chọn các thừa sai trẻ cho chương trình huấn luyện để gửi sang Việt Nam. Nhóm Bạn Hiền ở Paris và các tỉnh đã gởi về khoảng 20 Linh mục trẻ sẵn sàng tình nguyện đi truyền giáo. Một người trong thân tộc Cha Pallu, bà De Miramion, đã bằng lòng cấp dưỡng nơi ăn chốn ở cho các ứng sinh tại một dinh thự của bà trong trấn La Couarde gần La Queue-les-Yvelynes, cách Paris khoảng 50 cây số về phía đông nam. Nơi đây, Ðức Cha Pallu đã thiết lập một chương trình đào tạo gồm 2 lãnh vực: giảng dạy lý thuyết bằng cách học hiểu các tác phẩm nói về Châu Á và cho thử việc qua thực tập cụ thể các phương pháp giảng đạo bình dân nơi ba làng quê trong nước Pháp: Haute-Marne, Oise và Dreux. Ngày 27-9-1659 người ta cũng giới thiệu thêm cho Ðức Cha khoảng 40 ứng viên mới tại La Couarde, vì xét thấy phù hợp với những tiêu chuẩn do Ngài đã đề ra, là sức khoẻ, khả năng khoa học, tinh thần vâng lời, nhân đức siêu thoát ... Ðức Cha chỉ chọn được có 6 người.

Như vậy Chủng Viện Thừa Sai có được một nơi đóng cứ tại La Couarde từ mùa hè cho đến cuối năm 1659, sang đầu năm 1660 thì dời về Paris, đường Quincampoix, cạnh bên nhà thờ Saint-Josse. Lúc ấy nhân lực tất cả gồm 2 Giám mục, 11 Linh mục, 5 Tu sĩ và 8 giáo dân. Vậy là chương trình đào tạo đã được khởi động, còn tiếp đến tình hình cơ sở chủng viện và ngân quỹ truyền giáo sẽ diễn biến ra sao ? Hội Thánh Thể chính là nhân tố tích cực chủ động trong việc kiến tạo Chủng Viện Thừa Sai. Năm 1658 Hội đã lập một Hội Ðồng Thừa Sai và chỉ định những ủy viên để lo xây dựng một cơ sở chủng viện dành cho “Thừa Sai hải ngoại”, một trong những ủy viên này là ông Du Plessis, người đã tỏ ra rất hăng say tích cực. Để huy động nguồn tài chánh và nhân lực, năm 1659, Hội Thánh Thể cho phát hành một tờ bướm tin và một tập tư liệu nhỏ để phổ biến trong toàn nước Pháp. Tờ loan tin đó mang tựa đề “Thông báo về các phái đoàn thừa sai đến xứ Bắc Việt và Nam Việt”, trong đó đề cập tới tình hình hiện có khoảng từ 20 đến 30 thừa sai đang chuẩn bị hành trang để cùng lên đường với hai Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa, và kêu gọi các ân nhân hãy rộng lượng giúp đỡ hầu gầy dựng một ngân khoản tài trợ cho chuyến hành trình và cuộc sống hải ngoại xa xôi của các thừa sai.

Trước khi lên đường đi nhận nhiệm sở mình, bốn Giám mục thừa sai tiên khởi, cũng là các Đấng sáng lập Hội Thừa Sai Paris là Laval, Pallu, de la Motte và Cotolendi đã chỉ định cho 6 nhà quản lý để lo việc quản trị cơ sở ở Paris trong khi các Ngài vắng mặt. Sáu người quản lý ấy gồm 3 Giáo sĩ, đó là các Cha Vincent de Meur, Luc Fermanel de Favery và Michel Gazil de la Bernardière; 3 giáo dân là các ông Jean de Garibal, René de Voyer và Antoine Pajot de la Chapelle. Năm 1660, Ðức Cha Lambert de la Motte cũng đã ký một giấy ủy quyền khác cho các quản lý của Ngài, trao phó trách nhiệm phải kiến thiết một chủng viện để đào tạo thừa sai nhằm phục vụ cho các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa. Năm 1663, Ông Du Plessis, được sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè, đã điều đình để mua lại căn nhà của Ðức Cha Bernard de Sainte-Thérèse. Đến ngày 16-3-1663 thì Ðức Cha này đã ký giấy bán các dãy nhà của Ngài ở địa chỉ: 128, Rue du Bac, Paris quận 7 để làm cơ sở Chủng Viện Thừa Sai, cơ sở này vẫn còn tiếp tục duy trì điều hành cho đến ngày nay.

Sau khi lo xong cơ sở, các Vị quản lý bắt đầu tiến hành thủ tục xin được chính thức công nhận bởi chính quyền và giáo quyền cho Chủng Viện Thừa Sai này. Ngày 26-7-1663 vua Louis XIV ký ngự chỉ công nhận Chủng Viện Thừa Sai, Vua xác nhận hợp đồng được ký kết mua bán giữa đôi bên và thừa nhận tính hợp pháp của “Chủng Viện truyền giáo cho lương dân tại các xứ hải ngoại”, ngày 07-9-1663 Nghị viện Paris đã tiến hành thủ tục đăng ký tính pháp quyền của ngự chỉ ấy. Ngày 10-10-1663, Viện trưởng tu viện Saint-Germain-des-Prés, Henry de Verneuil, phê chuẩn xác nhận cho hai nhà quản lý Gazil de la Bernardière và Armand Poitevin được toàn quyền điều hành Chủng viện. Ngày 11-6-1664, đại hội đầu tiên của Chủng Viện được triệu tập, Cha Vincent de Meur được bầu làm Bề Trên tiên khởi cho Chủng Viện Thừa Sai; François Bésard làm phụ tá và Luc Fermanel làm quản lý. Ðại hội cũng đã chỉ định ra một giáo sư thần học coi chuyên khoa và một giám đốc đặc trách chủng sinh vụ. Tất cả các nhân viên điều hành tiên khởi của Chủng Viện Thừa Sai đều xuất thân từ nhóm Bạn Hiền, do cha Jean Bagot điều động.

Được bầu làm bề trên, Cha Vincent de Meur lo liệu ngay việc xin Tòa Thánh công nhận Chủng Viện Thừa Sai. Ngày 11-8-1664, Ðức Hồng Y Chigni, là cháu của Ðức Giáo Hoàng Alexandre VII đang làm đại diện tại Paris, đã nhân danh Tòa Thánh cấp Thánh chỉ công nhận Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại. Như vậy, Chủng Viện này dẫu là được thành lập do các Đấng Bậc chức quyền trong Giáo hội Pháp, nhưng họ cũng sát cánh cùng với Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin và Các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa để đào tạo và tiếp tục gởi đi khắp nơi những nhân sự mà Thánh Bộ có yêu cầu cho công việc mở mang Kitô giáo.

Sau khi được bổ nhiệm Giám mục Tông tòa và thu xếp xong việc hậu cần, các Ngài chuẩn bị lên đường để nhận nhiệm sở. Lực lượng từ Châu Âu khởi hành sang Viễn đông gồm Giám mục, Linh mục và giáo dân tất cả có 16 nhân sự, thì hết 8 Vị phải bỏ mạng trên đường đi. Trong số đó đau buồn nhất là có cả Đức Cha Ignace Cotolendi. Sau cuộc hành trình vất vả xuyên Ấn Độ, khi đến cảng Masulipatam để lấy tàu đi Ayuthia, Ngài mắc bệnh ruột và lên cơn sốt nặng, rồi vì kiệt sức nên đành vĩnh viễn bỏ cuộc ngày 16-8-1662, thi thể Ngài được mai táng ngay tại bờ biển Đông Ấn.[18] Số còn lại, kẻ thì đến trước người tới sau, các Vị chọn điểm dừng chân đầu tiên để khởi sự cho Sứ vụ là tại Ayuthia, kinh đô nước Xiêm thời bấy giờ. Với số còn lại gồm 8 người, thì 3 người thuộc phái đoàn thừa sai Ðàng Trong đã đến nhiệm sở trước vào ngày 22-08-1662, là các Vị: Ðức Cha Lambert với 2 Cha Jacques de Bourges và François Deydier. Năm người thuộc đoàn thừa sai Ðàng Ngoài đến ngày 27-01-1664, đó là Ðức cha Pallu và 4 Cha: Pierre Brindeau, Louis Laneau, Louis Chevreuil và Antoine Hainques. Tuy nhiên trước đó, ngày 14-10-1663 Cha Jacques de Bourges được Ðức Cha Lambert ủy thác trở về Châu Âu với sứ mệnh trình bày cho Tòa Thánh biết về những khó khăn gặp phải trên đường đi đối với các Cha Dòng tên Bồ Ðào Nha và xin nới rộng quyền cho các Giám mục Đại diện Tông tòa. Như vậy tính vào thời điểm đầu năm 1664, thì số có mặt tại Ayuthia chỉ có 7 nhân sự để khởi phát cho một công trình truyền giáo trường kỳ lịch sử của Hội Thừa sai Paris tại Châu Á.[19]

10. Vài nhận định kết thúc

Đến đây bài tường trình xin được mạn phép dừng lại việc ghi chép những bối cảnh về quá trình hình thành của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Về sau nếu trong một dịp nào để tìm hiểu thêm phần hoạt động của lực lượng Thừa sai này, thì nội dung nối tiếp sẽ là những gì mà Hội cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam. Dĩ nhiên chúng ta không thể phác họa hết cho đầy đủ, dù chỉ là ngắn gọn, của khoảng thời gian hơn 350 năm hoạt động truyền giáo của Hội. Dẫu vậy, hẳn là cần thiết để dựng lại một nội dung trình thuật về buổi gầy dựng ban đầu, mà họ đã trải qua một thời kỳ với không biết bao nhiêu nghịch cảnh và thử thách. Đồng thời người ta cũng không quên ghi nhận lại các thành tích đạt được cũng như những phương pháp ngoạn mục mà Hội đã vận dụng để đi tới thành công mỹ mãn. Nỗ lực trọng yếu của các Ngài và các Đấng kế tục là làm sao thực thi cho phù hợp với những chỉ dẫn của Tòa Thánh, thể hiện vai trò Đại diện Tông tòa, quan tâm đến việc đào tạo các Linh mục bản xứ.

Sau khi đến Ayuthia, từ tháng Giêng 1663 Ðc Lambert lập một địa sở thường trực tại đây và đặt tên là Nhà Thánh Giuse, có thể xem đây như là địa chỉ đầu tiên của Tòa Giám Mục Ðịa phận Ðàng Trong. Ngày 31-3-1668, vọng lễ Phục Sinh tại Ayuthia, Đức Cha Lambert de la Motte đã tiến hành nghi thức tấn phong cho Linh mục người Việt đầu tiên là thầy Giuse Trang, một người thuộc Đàng Trong quê ở An Chỉ, Quảng Ngãi, nay thuộc Giáo phận Qui Nhơn, lúc ấy Thầy chỉ mới 29 tuổi. Biến cố này như đánh dấu cho một bước ngoặt quan trọng hình thành Giáo hội Việt nam.[20] Hơn 2 tháng sau, đến phiên hai thầy từ Đàng ngoài, là Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền, được thụ phong Linh mục vào ngày 8-6-1668; cũng trong năm ấy, có thêm một người Đàng Trong được chịu chức là thầy Luca Bền. Thật đáng tiếc vài năm sau đó, chính quyền Siam (nay là Thái Lan) bắt đầu bách hại những người Kitô hữu và Chủng viện buộc phải dời sang nơi khác. Đầu tiên, được chuyển đến Cam Bốt, rồi Ấn Độ và cuối cùng trụ về đến Penang thuộc Malaysia, và nơi đấy vẫn còn duy trì sinh hoạt cho đến ngày nay. Thời gian sau đó, các nhà Thừa sai Paris đã tiếp tục mở thêm những tiểu và đại chủng viện trong nhiều quốc gia khác nhau. Năm 1850 họ điều hành 19 chủng viện, năm 1900: con số là 41, năm 1939 lên đến 75. Rồi dần dần các chủng viện này đều được giao lại cho các Giám mục điều hành sở tại.[21]

Đồng thời với việc thi hành bổn phận đào tạo các Linh mục được coi như là trọng tâm hoạt động chính yếu, thì ở lãnh vực khác rộng lớn hơn, chính là lo thành lập các cộng đồng Tân Giáo hội địa phương. Từ hình ảnh được ghi nhận vào tháng 10-1663, cộng đoàn người Công giáo coi như đầu tiên sinh hoạt với các Thừa sai Paris đếm được khoảng 150 người, mà đa số là Việt Nam và Nhật Bản.[22] Thì cho đến ngày nay đã có hơn một trăm Giáo phận tại Châu Á do các Nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris giữ vai trò thiết lập, truyền bá Tin Mừng và khai sinh những cộng đồng Kitô hữu. Họ đã dạy giáo lý, mua đất đai, xây dựng nhà thờ, mở các trường học, các chủng viện, bệnh viện và tất cả những cơ sở này về sau, đều chuyển giao lại cho Giáo Hội địa phương.

Ngày nay song song với việc gửi người ra hải ngoại, Hội còn lo điều hành một chương trình hoạt động Thừa sai tại chỗ, thường xuyên có khoảng hơn 100 Linh mục, Tu sĩ đến từ các Xứ truyền giáo khi xưa, nay đang được cứu mang trên nước Pháp để theo học các khóa tu nghiệp hoặc nâng cấp trình độ Thần học. Rất nhiều Giám mục hiện tại và sẽ còn thêm không ít trong tương lai, nhờ chương trình này mà được tiến chức, đồng thời cũng do sự cống hiến đó, mà các Giám mục hội đủ mọi kỹ năng cần thiết để phục vụ đắc lực cho Giáo Hội địa phương mình.

Cần phải có một trường thiên bất tận về Lời cảm tạ mà tỏ bày dâng lên cùng Đấng Quan Phòng, và hẳn nhiên, cũng hướng tấm lòng tri ân đến các vị Tiền nhân Đáng kính trong một Hội Thừa Sai thật là huyền diệu./.

Tác giả: Michel Trương - Nguồn: hdgmvietnam.com (20/8/2021)

-----------

[16] x. Tạp chí Hội Thừa sai bằng Pháp ngữ, Revue des Missions Etrangerès de Paris, Asie et Océan Indien (hors série No1 mars 2009) trang 15.

[17] Dữ liệu trong Phân mục “Tổ chức chủng viện Thừa sai...” trích dẫn: Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 4, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP05.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[18] x. Lm. Nguyễn Hồng; Lịch sử Truyền giáo ở Việt nam quyển II, trang 44.

[19] x. Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 6, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP07.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[20] x. Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền giáo ở Việt nam quyển II, trang 106.

[21] Dựa theo số liệu: Père Raymond Rossignol; MEP d' Asie.

[22] Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 5, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP06.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

772    20-08-2021