Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Matthi : Ơn gọi đặc biệt

14  03  Đ  Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh.

THÁNH MÁT-THI-A TÔNG ĐỒ, lễ kính.

Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng. 

Cv 1,15-17.20-26; Ga 15,9-17.

MÁTTHIA  : ƠN GỌI ĐẶC BIỆT

          Bài đọc 1 trích sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết bối cảnh và phương cách chọn Mát-thi-a trở thành Tông đồ, vị thánh mà hôm nay chúng ta mừng kính, để thay thế cho Giuđa sau khi Chúa phục sinh về trời. Thoạt tiên, chúng ta thấy cách thức chọn lựa này xem ra kỳ cục, chỉ mang tính may rủi, không có tính khoa học chút nào: “Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia: ông được kể thêm vào số mười một Tông đồ” (Cv 1,26).

          Tuy nhiên theo nhà chú giải Kinh thánh William Barclay, đối với người Do Thái, kiểu bắt thăm đó lại là điều tự nhiên của việc chọn lựa các chức vụ trong Đền thờ. Hơn thế, nếu đọc kỹ bản văn thì ta thấy cách thức chọn lựa này thật hay và ý nghĩa. Nó hay là bởi vì trước khi bắt thăm, các Tông đồ đã phân định rất kỹ, trong số 120 người, họ chỉ chọn có hai người đủ tiêu chuẩn là Giôxếp và Mátthia. Nó thật ý nghĩa bởi vì họ đã không chọn luôn lấy một người mà chọn lấy hai. Và họ đã cầu nguyện cách chân thành: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai.” (Cv 1,24). Các tông đồ luôn ý thức lời dạy của Thầy Giêsu: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em.” (Ga 15, 16). Vâng, chính Chúa đã chọn Mát-thi-a.

          Tại sao là Mátthia mà không phải là Giôxếp? Tại sao lại là chúng ta chứ không phải là những người khác? Điều này không thể trả lời được vì ta không thể biết kế hoạch của Chúa và không thể biết mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Trong khi một số người coi những điều họ nhận, họ có được là điều may mắn, ngẫu nhiên (trúng vé số, được quà tặng), hoặc là chuyện tự nhiên, đương nhiên (nhận lương bổng, bằng cấp, xây nhà, mua xe…), thì đối với tín hữu ki-tô lại khác. Kitô hữu luôn xác tín rằng tất cả những gì họ có đều là do sự can thiệp, quan phòng, sắp xếp, là ân ban nhưng không của Thiên Chúa.

          Qua việc chọn lựa này, thánh Mát-thi-a cảm nghiệm và xác tín rằng, không phải vì ngài đã có công phúc gì để được Chúa chọn gọi và ban ơn nhưng tất cả chỉ bởi tình thương của Người.

          Matthia đã đi theo Chúa Giêsu từ những ngày Người còn tại thế, nhưng ông lại không được Chúa gọi trực tiếp như các Tông đồ khác mà qua trung gian Giáo hội dưới quyền điều hành của thánh Phêrô. Tuy nhiên, thánh Phêrô không tự mình đưa ra quyết định tuyển chọn mà ký thác cho Thiên Chúa bằng hình thức bắt thăm. Sách Công vụ thuật lại sự kiện này như sau : “Họ đề cử hai người : ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mathia. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai” (Cv 1, 23-24).

          Sau khi cầu nguyện họ bốc thăm và Mat-thi-a đã trúng cử. Sự kiện này nói lên rằng, ơn gọi luôn là sự lựa chọn đến từ Thiên Chúa. Cộng đoàn hay Hội thánh chỉ là trung gian cầu nguyện để thánh ý Chúa được tỏ hiện : “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai trong hai người này”.

          Sau khi được bầu chọn làm Tông đồ, Kinh Thánh không nói gì về Thánh Mathia. Nhưng chắc chắn Ngài đã hết lòng chu toàn bổn phận mà Giáo Hội trao phó, đó là bổn phận loan báo Tin Mừng và đặc biệt Ngài đã hy sinh tính mạng mình để làm chứng cho sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.

          Các thánh Tông đồ và hôm nay là thánh Matthia không phải là những người đưa ra quyết định chọn Chúa Giêsu trước, nhưng các ông chỉ nghe và đáp lại sáng kiến của Người. Chúa Giêsu đã tuyển chọn các ông, một số thì trực tiếp, số khác như Mat-thi-a gián tiếp qua việc bầu chọn mà Giáo Hội phó thác trong tay Chúa. Suy nghĩ về mầu nhiệm ơn gọi, thực sự không có lời giải đáp nào thỏa đáng cho thắc mắc, tại sao người này được tuyển chọn mà người kia thì không. Đơn giản chỉ vì Chúa gọi đến với Ngài những kẻ Người muốn. Vì thế, từ khi chúng ta bắt đầu xuất hiện trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Người đã an bài cho chúng ta mọi ân huệ và điều kiện cần thiết để ta có thể nghe và có khả năng đáp lại lời mời gọi của Chúa qua Hội thánh trần gian.

          Ơn gọi là một linh ân tuyệt vời của Đấng luôn khởi sự những điều thiện hảo cho con người. Và khi chọn gọi Ngài cũng nâng những kẻ được tuyển chọn lên hàng thân hữu chẳng vì lý do nào : “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15). Được trở nên bạn nghĩa thiết, được chia sẻ vinh quang cũng như kế hoạch nhiệm màu Chúa Giêsu đã nghe được từ nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu còn hứa sẽ yêu các môn đệ cũng bằng tình yêu Chúa Cha đã yêu thương Ngài, chỉ cần họ kiên trì ‘ở lại trong tình thương của Người’ và tuân giữ các điều Thầy đã truyền dạy (Ga 15, 9-11). Chỉ nơi Đức Giêsu các môn đệ mới tìm thấy tình thương thực sự. “Tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.

          Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Không phải các con chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con”(Ga 9,16). Thật vậy, trong ba năm cuộc đời công khai, chính Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ. Có khi Ngài chọn cách trực tiếp: Như khi Ngài gặp ông Philipphê và mời gọi ông “Hãy theo Ta” (Ga 1,43); Hay khi Ngài gặp ông Lêvi và mời gọi ông “Anh hãy theo Ta” (Mc 2,14). Nhưng cũng có khi Ngài mời gọi các Tông đồ đi theo Ngài qua một trung gian nào đó: Ngài mời gọi Nathanael qua trung gian ông Philipphê (Ga 1, 45-51); Ngài mời gọi ông Anrê qua trung gian ông Gioan (Ga 1, 35-37); Ngài mời gọi ông Simon Phêrô qua trung gian ông Anrê (Ga 1, 40-42). Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mọi người làm việc tông đồ qua nhiều trung gian khác nhau, có thể qua gia đình, qua thầy cô giáo, qua bạn bè, đặc biệt là Ngài mời gọi chúng ta qua trung gian Giáo Hội.

          Để đón nhận, Giáo hội cũng đưa ra những điều kiện phù hợp với từng ơn gọi, nhất là ơn gọi làm linh mục và tu sĩ. Điều kiện chung của Giáo luật. Điều kiện riêng của các Giáo Phận hay của các dòng tu.

          Vì vậy, không phải ai cũng đủ điều kiện để làm tông đồ trong ơn gọi linh mục hay tu sĩ (con số này rất ít). Nhưng mọi người đều được mời gọi chu toàn bổn phận ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội. Đa số được mời gọi làm tông đồ trong ơn gọi hôn nhân: Có người được mời gọi làm tông đồ trong vai trò ban hành giáo, giáo lý viên; Có người được mời gọi làm tông đồ trong vai trò bác sỹ, nhà giáo, công nhân; Có khi chúng ta được mời gọi làm tông đồ ở gia đình, ở nhà thờ nhưng cũng có khi chúng ta được mời gọi làm tông đồ nơi chính mình là việc, nơi trường học, chợ búa…

          Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi nơi, hãy luôn cố gắng toả sáng việc tông đồ để “sinh hoá trái” cho phù hợp với ơn gọi của mình: Hoa trái của đức công bằng; hoa trái của đức yêu thương, bác ái; hoa trái của sự tha thứ… Để làm việc được những việc đó, đồi hỏi người tông đồ phải hy sinh, thậm chí có khi phải chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình để làm chứng cho Chúa thì cũng phải sẵn sàng.

          Tham dự thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin thánh Mátthia giúp cho mỗi chúng ta cũng có được cảm nghiệm và xác tín như ngài.

593    13-05-2021