Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Mẹ à!

Bạn và tôi đều có một thời để nhớ, đều có những kỷ niệm không thể nào quên và một hiện tại muốn nắm giữ.

08092021085228


“3 tuổi : "Con yêu mẹ, mẹ ơi!"

10 tuổi : "Vâng , gì cũng được!"

16 tuổi : "Mẹ mình thật là lắm chuyện!"

18 tuổi : "Tôi muốn rời khỏi căn nhà này!"

25 tuổi : "Mẹ ơi , mẹ nói đúng..."

30 tuổi : "Con muốn về nhà với mẹ".

50 tuổi : "Mẹ ơi , đừng bỏ con!"

70 tuổi : "Giờ đây tôi sẽ từ bỏ TẤT CẢ để có…”

Tôi dừng lại trước status ngắn này khi đang lướt mạng, dù tuổi đời mới chỉ đôi lăm nhưng tôi hình dung được tiến trình của những câu nói theo năm tháng.

Càng thấm thía hơn sau những đợt giãn cách vô kì hạn, tôi cùng với gia đình mình trải qua những cung bậc cảm xúc có nhau: buồn có, vui có, giận hờn có, khắng khít không muốn rời có.

Tôi càng cảm thấy trùng hợp khi những điều đó được khắc hoạ tự nhiên qua bộ phim “Cây táo nở hoa” mà gia đình tôi đang xem. Vừa tức, vừa giận, vừa vui nhưng cũng nhiều suy tư trong mỗi tập phim. Gia đình tôi thường nói đùa với nhau: “A, sắp tới phim bi kịch rồi” rồi cả nhà cùng cười vì tình tiết ở những tập gần đây đều là đau thương, mất mát. Nhưng rồi “cây táo cũng nở hoa” khi mọi khúc mắc trong gia đình được tháo gỡ: họ hiểu nhau nhiều hơn, hi sinh cho nhau và trở nên không thể tách rời.

Tôi muốn mượn “cây táo nở hoa” để nói lên tâm tư của tôi lúc này với gia đình và đặc biệt là với mẹ tôi.

“Mẹ à,

Thời gian thấm thoát trôi, mới ngày nào còn nằm trong vòng tay mẹ, giờ đây con đã được đôi lăm. Điều đó đồng nghĩa với việc ba mẹ mỗi lúc một lớn tuổi.

Khi nghĩ đến điều đó con thấy nghẹn trong lòng và thầm trách thân mình khi chưa đủ điều kiện để ba mẹ an dưỡng tuổi già. Cho đến lúc này con mới nhận ra điều đó, cũng chưa muộn phải không mẹ?

Vì tình hình chung của thành phố nên hơn 3 tháng qua con mới có cơ hội để ở nhà thường xuyên hơn với ba mẹ. Lắm lúc con cảm thấy phiền phức vì cứ bị gọi hoài: “T ơi! Xuống ăn sáng, T ơi! Ăn trưa thôi con, T ơi! Đến bữa tối rồi…” Và 3 tháng qua, ngày nào con cũng được nghe gọi như thế, ngày sống có vẻ như chỉ có ăn và ăn… Nhiều người nếu biết được con nghĩ như thế chắc sẽ quở con: “Mùa này có ăn là may rồi, mẹ bay vất vả thức khuya dậy sớm nấu cơm cho bay ăn mà bay còn như vậy, cho đói rã họng chắc mới biết quý…”

Hai từ “vất vả” con nào hiểu thấu khi vừa thức dậy là đã có đồ ăn, con cũng không phải đụng tay vào để nấu nướng, gia đình ưu tiên để con tập trung học hành, làm việc.

Chỉ khi con bắt gặp được những khoảnh khắc để đời (chắc mẹ không muốn cho con nhìn thấy đâu) con mới thấm thía tình Cha nghĩa Mẹ và suy nghĩ trong con dần thay đổi. Có hôm con dậy sớm - nhưng cũng không tài nào sớm bằng mẹ, con thấy mẹ tất bật chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, rồi bữa trưa, đến bữa tối. Nhiều lần con nghe mẹ ho như gà mổ thóc, tay chân tê buốt, nhức mỏi toàn thân, mất ngủ thường xuyên, đôi khi khóc một mình… nhưng mẹ vẫn không kêu ca lời nào. Mỗi lần gặp chúng con, mẹ luôn tươi cười như chưa có chuyện gì xảy ra, cốt để cho chúng con an tâm, chuyên tâm làm việc. Không hiểu sao, lúc đó con nhoi nhói trong lòng và không dám đối diện với mẹ. Con thật tệ phải không?

Và rồi trong con, “cây táo đã nở hoa”. Con dần thấm thía tình cảm gia đình, thứ tình cảm cao quý mà con không thể tìm được nơi đâu. Con trân trọng giây phút hiện tại vì còn được ở bên gia đình, vì còn đầy đủ thành viên, vì còn được sống để vẽ tiếp ước mơ trong đó có con và gia đình.

Càng nhận rõ sự mất mát, ly tán nơi những gia đình khác trong mùa dịch này con càng muốn xin Chúa gìn giữ gia đình mình cả về thể xác lẫn tâm hồn. Một tâm hồn được chữa lành để có thể khâu vá vết nứt nơi tâm hồn người anh em, một thể xác cường tráng để cống hiến cho đời và cho người. Và một con người toàn vẹn để dâng cho Chúa, chỉ mong được làm khí cụ trong bàn tay của Người. Những lời nguyện đơn sơ đó mẹ đã dạy con khi con còn tấm bé và nó ngấm dần vào con. Giờ đây con biết cách để cầu nguyện cho mình và người khác rồi. Thật tuyệt phải không mẹ?

Kể từ giờ, con tự hứa với lòng và với mẹ, con sẽ không lãng phí giây phút nào cách vô ích. Con sẽ sống như mẹ: bao dung và vị tha; con sẽ hành động như mẹ: cho đi không toan tính (người miền Nam hay gọi là “hào sảng”, Kinh Thánh thì là “vô vị lợi”) để điều tích cực được lan toả trong cộng đồng.

Dẫu biết rằng con người không thể ngăn thời gian trôi, nhưng con thì có thể ngăn tâm tư tình cảm của mình để gói gọn trong trang giấy này. Lời cuối cùng con muốn nói với mẹ là: Con yêu Mẹ!”

Tác giả: N.Q.T - Nguồn: Tổng Giáo Phận Sài Gòn (08/9/2021)

529    08-09-2021