Sebastien Desarmaux | Godong |
Lễ phục màu xanh (lá cây) được nhìn thấy lần đầu tiên trong năm phụng vụ sau khi mùa Giáng sinh kết thúc, và màu này có sự kết nối với Lễ Hiển Linh.
Mùa Giáng sinh kết thúc sau Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Lễ này diễn ra ngay sau Lễ Hiển Linh. Sau màu trắng mùa Giáng sinh, Giáo Hội bắt đầu sử dụng lễ phục màu xanh với một ý nghĩa biểu tượng phong phú.
Một phần trong tính biểu tượng của những bộ lễ phục màu xanh lại có sự gắn kết với Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh.
Viện phụ Dom Prosper Gueranger giải thích trong cuốn Năm Phụng vụ của mình rằng “màu của lễ phục là màu xanh. Nói như những nhà chú giải về Phụng vụ, việc này chính là để dạy chúng ta rằng nơi cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, Đấng là bông hoa của cánh đồng, chúng ta lần đầu tiên nhận được hy vọng ơn cứu độ và sau mùa đông ảm đạm của giới ngoại giáo và Hội đường, Người đã mở ra mùa xuân xanh tươi của ân sủng.”
Hơn nữa, trong một cuốn sách vào thế kỷ 19 mang tên Lịch sử, nguyên tắc và thực hành biểu tượng trong nghệ thuật Kitô giáo, tác giả giải thích rằng màu xanh cũng là màu dành cho Lễ Hiển Linh.
Mặc dù màu trắng thường được sử dụng làm màu phụng vụ cho Lễ Hiển Linh… hiếm khi màu xanh được dùng đến, màu của hy vọng biểu trưng cho sự quy tụ của các Dân ngoại mà cho đến thời điểm đó vẫn còn nằm tản mác.
Thoạt nhìn, màu xanh lá cây có vẻ là một màu kỳ lạ để sử dụng sau màu trắng của mùa Giáng sinh, nhưng trên thực tế, việc sử dụng này hoàn toàn có ý nghĩa.
Màu xanh lá cây, màu của sự sống mới, hướng chúng ta đến sự sống mới mà chúng ta đã cảm nghiệm được sau khi Chúa Giêsu ra đời và đến cách thế mà đời sống ân sủng được đổi mới nơi chúng ta trong mùa đặc biệt này.
Theo cách này, màu xanh có liên hệ mật thiết với mầu nhiệm Giáng sinh và việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, điều đã được khai mở sau cuộc viếng thăm của các đạo sĩ.
Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (10/01/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên