Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Mông Cổ: Rao giảng Tin Mừng bằng cách thì thầm.

mc0011
 Đức cha Giorgio Marengo 


 “Công việc mục vụ của Giám mục ở Mông Cổ, theo quan điểm của tôi, rất giống với công việc mục vụ giám mục của Giáo hội sơ khai: chúng ta biết các sứ đồ trong thời kỳ đầu của Kitô giáo đã làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh như thế nào trong điều kiện Kitô giáo là thiểu số tuyệt đối tại các địa phương cũng như các nền văn hóa nơi các ngài đang sống. Đối với tôi, đó là một trách nhiệm lớn lao đưa tôi đến gần hơn với ý nghĩa thực sự của sứ mệnh truyền giáo.” Đức Giám Mục Giorgio Marengo, Phủ doãn tông tòa Hạt Ulaanbaatar, đã nói như thế về những trải nghiệm của ngài ở Mông Cổ và về công cuộc truyền bá Tin Mừng của Giáo hội Mông Cổ.

Cha Giorgio Marengo, ngài vừa được tấn phong giám mục cách đây khoảng hơn một năm, đã đến Mông Cổ năm 2003 cùng với các tu sĩ đồng môn của mình, các vị thừa sai Dòng Thừa sai Consolata, để hoạt động truyền giáo và chăm sóc mục vụ cho cộng đồng nhỏ Arvaiheer trong vùng Uvurkhangai. Ngoài ra, các ngài còn khởi xướng và tổ chức những hoạt động dựa trên các nhu cầu và các vấn đề của người dân: chăm sóc trẻ em sau giờ học, một dự án sản xuất hàng thủ công dành cho phụ nữ, một phòng khám và một nhóm dành cho nam giới có vấn đề về rượu.

Đức Ông Marengo cho biết thêm: “Đây là một công việc phức tạp và đôi khi vất vả, nhưng công việc đó không làm nản lòng những vị thừa sai đang sống ở đây để làm chứng cho Tin Mừng và muốn sống như những ‘mục tử có mùi chiên’. Có thể nói, Giáo hội Mông Cổ tuy còn trẻ còn nhỏ và mới hoạt động ở vùng ven, nhưng giáo hội yêu thương chăm sóc cho 1.300 tín hữu trong tổng số ba triệu rưỡi dân số. Con số nhỏ đó tỷ lệ nghịch với sự dấn thân và cống hiến trên tinh thần huynh đệ của Giáo Hội.”

mc002
 Canh thức Phục Sinh tại một giáo xứ 


Mặc dù công cuộc truyền giáo của Công giáo ở đất nước này chỉ mới khởi động lại vào năm 1992, nhưng nguồn gốc truyền giáo đã bắt đầu từ nỗ lực truyền giáo của Giáo hội Syria vào thế kỷ thứ 10 và hoạt động truyền giáo của Giáo hội Công giáo vào thế kỷ 19, và đã bị chính quyền ngăn chặn vào năm 1921. Đức Ông Marengo giải thích: “Sau khi nhà Nguyên sụp đổ vào năm 1368, Kitô giáo biến mất khỏi Mông Cổ. Trong nhiều thế kỷ, chúng tôi không thể sống đức tin của mình một cách trọn vẹn, ngoại trừ một thời gian ngắn từ năm 1840 đến năm 1921. Đó là lý do tại sao ngày nay có hiện tượng phổ biến là người ta tin rằng Kitô giáo là một cái gì đó mới mẻ, chỉ mới du nhập từ nước ngoài trong những năm gần đây. Hiện nay, có tám giáo xứ và khoảng sáu mươi nhà truyền giáo thuộc nhiều quốc tịch và dòng tu khác nhau, chúng tôi thường xuyên gặp nhau để cùng thảo luận về các vấn đề, phối hợp các hoạt động và lập kế hoạch cho các sáng kiến mới. Năm 2022, chúng tôi sẽ kỷ niệm 30 năm Giáo Hội Công Giáo tái sinh tại quốc gia châu Á rộng lớn này.”

Đức Giám mục nhấn mạnh: “Đối với những người đã lãnh nhận phép Rửa Tội, thì Giáo Hội cần phải tiếp tục công việc đồng hành và xây dựng đức tin để giúp các tín hữu trưởng thành trong đức tin: suy cho cùng, sứ mệnh truyền giáo bắt đầu bằng cách lắng nghe một cách sâu sắc Thiên Chúa là Đấng sai chúng ta, lắng nghe Chúa Thánh Linh là Đấng ngự trong chúng ta và uốn nắn chúng ta, và lắng nghe những người mà chúng ta được sai đến.”

mc003
 Một giếng nước sạch do Giáo Hội cung cấp 


Các nhà truyền giáo là những tu sĩ nam nữ có linh đạo sâu sắc, sống hiệp thông với Chúa Kitô và nhận được từ Người sự khôn ngoan và bác ái cần thiết để phục vụ cộng đoàn. Chẳng hạn, cần phải học ngôn ngữ và phát triển các kỹ năng cho phép thiết lập một mối quan hệ với mọi người, cố gắng tìm hiểu xem đối với họ đâu là những điểm quy chiếu, là lịch sử, là nguồn gốc văn hóa và tôn giáo của họ. “Có một cách diễn đạt – Đức Ông Marengo nói – mà tôi nghĩ có thể phản ánh bản chất của việc chúng ta dấn thân truyền giáo. Tôi đã học được cách diễn đạt này từ Đức Ông Thomas Menamparampil, Tổng Giám mục danh dự tổng giáo phận Guwahati, Ấn Độ: chúng ta phải thì thầm Tin Mừng vào trái tim của Châu Á. Tôi thích áp dụng hình ảnh này cho đất nước Mông Cổ: công bố Lời Tin Mừng bằng cách thì thầm là một sứ vụ truyền giáo liên lỉ phù hợp với đất nước này. Điều này đòi hỏi – ngài kết luận – phải tham dự vào một mối quan hệ thân thiện và đích thực với mọi người; và nhờ mối quan hệ hữu nghị chân thành này, chúng ta có thể chia sẻ điều quý giá nhất đối với chúng ta: đó là đức tin vào Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô.”

 

Nguồn: fides.org (07/8/2021)

479    02-10-2021