Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Một cách có thể biết Thiên Chúa hiện hữu

maximabramov2zvygscqmunsplash660x3501
Làm sao chúng ta biết Thiên Chúa hiện hữu? Thậm chí nhiều người trong chúng ta chưa từng nghĩ sẽ đặt ra câu hỏi đó, tuy nhiên trong một thế giới ngày càng thế tục và ngay cả là bài Kitô giáo, chúng ta phải có khả năng trả lời. Trong thời đại mà đa số mọi người đã sống như thể không có Thiên Chúa, và kiến thức phổ biến dường như ngày càng tiến gần hơn đến chủ nghĩa vô thần đúng nghĩa, chúng ta không thể chỉ cho rằng Thiên Chúa hiện hữu và mong muốn người khác nghiêm túc với đức tin của chúng ta.


Không, nếu muốn mọi người thấy chân lý và vẻ đẹp của đạo Công giáo, muốn tái truyền giáo nền văn hóa của chúng ta và làm cho vương quốc Thiên Chúa trải rộng khắp mặt đất, chúng ta phải biết cách giải thích niềm tin của mình một cách hấp dẫn về mặt tri thức. Chúng ta cần biết cách cho mọi người thấy đức tin là điều hợp lý, và chủ yếu phải biết cách chứng minh Thiên Chúa thực sự tồn tại. Hiện tại, có rất nhiều cách có thể làm điều đó, nhưng rõ ràng là không thể xem xét từng cách trong một bài viết. Thay vào đó, hãy lướt qua một trong những cách yêu thích của tôi và chúng ta sẽ thấy niềm tin vào Thiên Chúa thật sự hợp lý.

Ý tưởng cơ bản
Lập luận mà chúng ta sẽ xem xét ở đây được gọi là luận cứ vũ trụ học Kalam, và nếu cái tên đó nghe có vẻ đáng sợ thì đừng lo lắng. Nó thực sự dựa trên một tam đoạn luận rất đơn giản, vì vậy tất cả những gì chúng ta cần làm là thảo luận về tính hợp lý các tiền đề của nó:

1) Mọi khởi đầu tồn tại đều có nguyên nhân
2) Vũ trụ có khởi đầu
3) Do đó, vũ trụ có nguyên nhân.

Tiền đề đầu tiên khá đơn giản. Nếu một đứa trẻ bước vào nhà với một bộ quần áo mới, đắt tiền nhưng đầy bùn đất, cha mẹ em sẽ không tin nếu em nói rằng bùn đất chỉ xuất hiện trên quần áo mà hoàn toàn không có lý do và nguyên nhân gây ra. Điều đó thật là khôi hài, và ở đây cũng vậy. Thật nực cười khi nói rằng một thứ gì đó có thể tồn tại mà hoàn toàn không có nguyên nhân, vì vậy phần đầu của lập luận này không phải là điều có thể gây ra tranh cãi.

Vấn đề Vô hạn
Tranh cãi thực sự bắt đầu khi chúng ta đi đến tiền đề thứ hai, rằng vũ trụ đã bắt đầu tồn tại. Điều đó có thực sự đúng không? Làm sao chúng ta biết vũ trụ đã không luôn tồn tại? Vâng, hãy xem xét điều này. Nếu vũ trụ luôn tồn tại, thì quá khứ phải là vô hạn, nhưng điều đó là không thể. Hãy xem, một số lượng có thực và vô hạn của bất kỳ thứ gì, bao gồm cả thời gian, sẽ dẫn đến một loạt các điều phi lý khiến sự tồn tại của nó là không thể.

Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng có một thư viện với vô số đầu sách, mỗi cuốn sách đều có một con số được viết trên gáy sách. Cũng hãy tưởng tượng rằng tất cả các sách có số lẻ được sơn màu đỏ và số chẵn được sơn màu đen. Khi đó, chúng ta đang xử lý ba tập hợp vô hạn (bộ sách có số lẻ, bộ sách có số chẵn và bộ tất cả các cuốn sách), và ngay lập tức chúng ta đã có một điều phi lý. Cả ba tập hợp đều bằng nhau (chúng đều vô hạn), nhưng tập hợp của tất cả các cuốn sách cũng phải lớn hơn một trong hai tập hợp con (các cuốn sách được đánh số lẻ và chẵn) vì nó bao gồm cả hai tập hợp đó. Nói cách khác, tập hợp tất cả các cuốn sách vừa bằng vừa lớn hơn một trong hai tập hợp con, điều này thật vô lý.

Các vấn đề khó khăn hơn
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Nếu chúng ta lấy đi tất cả các sách số chẵn, chúng ta vẫn còn lại một số lượng vô hạn (các sách số lẻ), vì vậy vô hạn trừ đi vô hạn cho chúng ta vô hạn. Điều đó đã đủ vô lý, nhưng nó chỉ mới là bắt đầu. Nếu chúng ta lấy đi tất cả các cuốn sách ngoại trừ một cuốn, chúng ta vẫn đang lấy đi vô hạn từ chính nó, nhưng lần này chúng ta chỉ còn lại một cuốn sách. Hoặc nếu chúng ta lấy đi tất cả các cuốn sách ngoại trừ hai cuốn, chúng ta còn lại hai cuốn.

Và chúng ta có thể thực hành như thế với bất cứ số sách chúng ta muốn. Chúng ta có thể lấy đi tất cả các cuốn sách ngoại trừ ba, bốn, hoặc năm cuốn, v.v., và chúng ta có thể để lại bất kỳ số sách mong muốn nào. Đây là tất cả các trường hợp của vô hạn trừ đi vô hạn, vì vậy khi chúng ta lấy vô hạn trừ đi chính nó, chúng ta có thể nhận được bất kỳ kết quả nào (trên thực tế là một số vô hạn) mặc dù chúng ta đang xử lý cùng một số lượng. Và điều đó thật vô lý.

Điều mà chúng ta gọi là “Thượng đế”
Vì vậy, trong khi ý tưởng về vô hạn hoạt động trong toán học thuần túy, thì nó lại không hoạt động trong thế giới thực. Một tập hợp vô hạn của bất cứ thứ gì (bao gồm cả thời gian quá khứ) đơn giản là không thể tồn tại, vì vậy quá khứ không thể là vô hạn. Như thế, vũ trụ phải bắt đầu tồn tại vào một thời điểm nào đó, và nếu nó đã bắt đầu tồn tại, nó cũng phải có nguyên nhân.

Và chúng ta gọi nguyên nhân đó là “Thượng đế”. Bây giờ, ở điểm này, chúng ta có thể sẽ muốn tự khen mình và trầm trồ về sự nhạy bén triết học tuyệt vời của bản thân, nhưng công việc vẫn chưa xong. Luôn luôn có những phản biện cần bác bỏ và những câu hỏi cần trả lời, vì vậy chúng ta vẫn còn một vài việc phải làm. Đúng thế, chúng ta không có đủ chỗ để xem xét mọi phản đối mà một người vô thần hoặc người theo thuyết bất khả tri có thể đưa ra để chống lại lập luận này, vì vậy hãy chỉ xem xét một trong những điều rõ ràng nhất.

Lập luận này có bác bỏ Thiên Chúa không?
Thoạt nhìn, có vẻ như chúng ta đã chứng minh quá nhiều. Hãy xem, Thiên Chúa được cho là vô hạn, vì vậy theo logic của lập luận này, Ngài không thể tồn tại. Kết quả là chúng ta trở lại điểm xuất phát ban đầu, và tất cả những gì chúng ta vừa làm là chạy quanh trong một vòng tròn lập luận thật lớn.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể đáp lại sự phản đối đầy thách đố này? Điều quan trọng, mà tôi muốn gợi ra, là luận cứ vũ trụ học Kalam chỉ chứng minh tính bất khả thi của một tập hợp vô hạn mang tính định lượng. Không thể tồn tại một số lượng vô hạn của bất cứ thứ gì, nhưng Thiên Chúa không phải vô hạn theo cách đó. Ngài không phải lớn vô hạn, cũng không bao gồm một số lượng vô hạn các thành phần.

Đúng hơn, chúng ta gọi Ngài là vô hạn về phẩm chất. Những phẩm chất của Ngài (như sự tốt lành và quyền năng) là vô hạn theo nghĩa không có giới hạn, nhưng chúng không bao gồm vô số “đơn vị quyền năng” hoặc “đơn vị lòng tốt”.

Thiên Chúa hiện hữu
Phải thừa nhận rằng, chúng ta mới chỉ sơ lược bề nổi của luận cứ vũ trụ học Kalam trong bài viết. Nhưng đó là vấn đề cơ bản dù còn nhiều câu hỏi nữa mà chúng ta có thể trả lời, và nhiều sắc thái ý nghĩa hơn có thể làm rõ. Lập luận cho thấy khá chắc chắn rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ một khoảng thời gian hữu hạn trước đó, vì vậy chúng ta có thể tin tưởng rằng nền tảng cuối cùng của đức tin Công giáo của chúng ta vẫn vững chắc như trước giờ.
 

Tác giả: JP Nunez - Nguồn: Catholic Exchange (29/11/2021)
Chuyển ngữ: Nhóm Sao Biển - Nguồn: Giáo Phận Qui Nhơn (23/01/2022)
499    24-01-2022