Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Một cái nhìn về cơn dịch bệnh

           Đã gần hai năm qua, cả thế giới đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về mọi mặt kinh tế, tài chính và cả mạng sống con người,…vì sao lại như vậy? Đó chính là sự xuất hiện của cơn đại kinh hoàng mang tên Covid-19. Các ca nghi nhiễm đầu tiên được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 (theo vi.wikipedia.org). Và ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) ra tuyên bố gọi Covid-19 là "Đại dịch toàn cầu" (theo vi.wikipedia.org).

          Hiện nay dịch bệnh này đang tiếp tục bùng phát dữ dội trên đất nước Việt Nam, là làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, và tốc độ lây lan cao. Đặc biệt, các tỉnh ở khu vực Phía Nam đang gánh chịu trận dịch dữ dội này. So với ba trận dịch trước thì đợt thứ tư này số người nhiễm và người chết mỗi ngày một tăng. Thật vậy, sự xuất hiện của cơn đại dịch này đã làm thiệt hại mọi thứ và thay đổi cả đời sống của biết bao con người, trong đó đan xen mặt tích cực lẫn tiêu cực.

          1. Tích cực.

          Trước hết chính là giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước. Nhà nước đã áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn đại dịch, nhiều nhà máy xí nghiệp ngưng hoạt động, các phương tiện giao thông bị hạn chế, do đó nguồn nước trở nên sạch hơn, không khí bớt ô nhiễm và trong lành hơn.

          Thứ đến là giảm lượng chất thải và hoạt động đi lại của con người. Hầu hết mọi người ở nhà, làm việc tại nhà. Thật vậy, Sài Gòn được xem như thành phố không bao giờ ngủ, nhưng hiện nay đã trở nên vắng lặng, có lẽ nó đã quá mệt mỏi nên cần thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức.

          Kế đó là nhiều người biết chia sẻ và cho đi. Chúa Giêsu nói: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Nhiều giáo xứ của các giáo phận đã gom góp mọi thứ lương thực để gửi vào Sài Gòn, nhiều người thân gửi lương thực cho con cái, hàng xóm cùng sẻ chia của ăn. Nhiều cây ATM gạo mọc lên, những phần cơm 0 đồng, oxy 0 đồng, rau củ quả miễn phí,… tất cả ai cần thì đến lấy. Thật vậy, như lời tiên tri Isaia đã nói: “dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng” (Is 55,1). Chính lúc này đây người ta thấy được cái tình của nhau mà gọi nhau là “đồng bào” hay “Miền Nam ruột thịt”.

          Tiếp đến là tình con người được nâng lên. Ở Sài Gòn, mật độ dân số đông, nhịp điệu sống tất bật, hối hả nên chả ai biết đến nhau cho dù nhà gần kề nhau. Theo kiểu mạnh ai nấy sống, không quan tâm tới nhau, nhà ai nấy ở đèn nhà ai nấy sáng. Thế nhưng trong lúc dịch bệnh, khi cả khu phố hay con hẻm cùng nhau cách ly thì cái được gọi là “tình con người” trổi dậy. Mỗi người biết chia sẻ, chia san, chia sớt và quan tâm lẫn nhau.

          Sau hết là gia đình trở nên gần nhau hơn, ở cùng nhau nhiều hơn. Nếu như trước đây nhiều người rời xa gia đình để lao động, học tập, kiếm sống,.. thì nay họ trở về nhà cùng nhau sum họp. Trước kia, một năm gặp nhau đôi ba lần, thì nay là dịp “sống chung, sống cùng, sống với và sống cho” nhau. Qua đó, mọi người có thể hiểu nhau nhiều hơn, cảm thông sâu sắc hơn và gắn kết bền chặt hơn.

          2. Tiêu cực.

          Trước hết dịch bệnh đã làm thiệt hại rất nhiều về mặt kinh tế. Thậm chí phải hy sinh nền kinh tế để tập trung vào việc ngăn chặn dịch bệnh. Các nhà máy, xí nghiệp, công ty, cửa hàng, quán ăn,… đều phải đóng cửa. Chỉ thị 16 của thủ tướng ban hành “ai ở đâu ở yên đó” để bảm bảo an toàn cho người dân.

          Kế đến dịch bệnh đã “ăn cắp” tuổi thơ của biết bao trẻ nhỏ. Các em đã không được tự do vui chơi. Thậm chí có những đứa bé nhiễm bệnh phải tự thân đi cách ly một mình, đáng lẽ đấy là cái tuổi ăn, tuổi chơi và tuổi nô đùa, vậy mà dịch bệnh đã cướp lấy mất.

          Không những thế, dịch bệnh đã “đánh cắp” bước chân đến trường của bao học sinh, sinh viên. Ôi thôi, học trực tiếp đã không xong mà giờ đây lại học trực tuyến. Những gia đình khó khăn thì lấy đâu ra máy tính, điện thoại rồi cả Wifi để học chứ? Giãn cách xã hội thế này thì làm sao mà chạy đến chổ này mua sách mua vở, đi đến chổ kia để mua viết mua tập? Lại cả một vấn đề.

          Cùng với đó, dịch bệnh cũng “đánh cắp” đi biết bao công ăn việc làm của mọi người. Vì ngăn chặn sự lây lan, tất cả các cơ sở làm việc, cửa hàng tạm đóng cửa. Nhiều người vì mất việc mà không có tiền để mua thức ăn và cái nghèo cái đói lại đeo bám. Tất cả cũng tại cái dịch bệnh này.

          Đồng thời, dịch bệnh cũng “đánh cắp” bước chân của người công giáo. Với chỉ thị 16 thì các nhà thờ phải tạm ngưng mọi sinh hoạt tôn giáo. Người giáo dân không được đến nhà thờ mà phải tham dự Thánh Lễ trực tuyến. Tất cả mọi sinh hoạt gián đoạn. Ôi nhớ nhớ lắm tiếng chuông nhà thờ.

          Sau cùng, dịch bệnh cũng trở thành “kẻ sát nhân” khi đánh cắp sự sống của biết bao con người từ già đến trẻ. Nó không loại trừ một ai nhưng đã gọi tên biết bao con người. Sự mất mát, chia ly của biết bao gia đình. Khi nhắm mắt từ giã cõi đời, người ra đi thì không gặp được người thân lần cuối, người ở lại chỉ nhận về nắm tro tàn. Ôi sao dịch bệnh nó tàn nhẫn thế!

          Vâng, đại dịch covid-19 vẫn đang còn tiếp diễn, và đây là thời gian giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại, tái khám phá lại đời sống đức tin và củng cố lại đức cậy nơi chính mình. Hãy ngẫm nghĩ để tìm ra thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolo đã nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Thật vậy, chúng ta đừng chỉ biết cậy dựa vào tài năng và sức lực của bản thân mà loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, nhưng hãy biết tin tưởng tuyệt đối và trông cậy vững vàng vào Thiên Chúa. Như lời thánh Phaolô nói: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).

 

 Pierre Trần

 

 

357    13-09-2021