Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Một chút thời gian... Một chút quê hương...

Một.

Hiện nay, giới truyền thông người Việt vùng Sài gòn nhỏ (Little Saigon) ở Cali đang hướng tới 50 năm ly hương. 

Chỉ còn 16 tháng nữa, những người Việt đầu tiên rời quê hương năm 1975 sẽ kỷ niệm biến cố xót xa từ nửa thế kỷ trước. Giới truyền thông Việt nơi đây đang dựng lại bằng truyền thông những gì đã từng xảy ra từ 50 năm trước. 

Đó là những bước chân xa lạ đầu tiên nơi xứ người. Đó là những ngở ngàng gay gắt khi không còn đường nào để dung thân. Không lựa chọn. Không suy nghĩ. Chỉ có một mất một còn để sống sót.

Và nay, Little Saigon (Sài gòn nhỏ) ở Cali đang biểu hiện lại một Sài gòn xưa trước năm 1975. Ngôi chợ "Phước - Lộc - Thọ", nơi có con đường Bolsa chạy qua ngày mới khai sinh; nay đã là Đại lộ Trần Hưng Đạo của người Việt. Cảm giác của người lữ khách khi bước chân đến đây là đang rảo bước trên phố Sài gòn xưa...

Tại sao lại có biểu tượng Việt Nam nơi đất Mỹ này? Bây giờ, trong tâm tư người Mỹ bản địa, hai chữ Việt Nam là một thực tế hiển nhiên của Mỹ Quốc. Sự đóng góp của họ cho đất nước này đã được nhiều đời chính quyền thừa nhận rằng không thể chối cải sự có mặt của người Việt Nam đã làm phong phú thêm cho nước Mỹ đương đại.

Hai.

Sự kiện lớn lao này có gốc gác từ một biến cố lịch sử cũng đầy đau thương năm 1954. Ngày 20 tháng 7 năm 1954 là ngày chia đôi quê hương.

Còn nhớ loáng thoáng những buổi sáng, trên radio, người ta nghe: "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Sài gòn". Tiếp theo là tiếng hát: "Người ơi ! Nước Nam của người Việt Nam. Vì đâu chiến tranh để lòng nát tan? Đây Bến Hải là nơi ngăn cách đôi bờ..."

Năm 1954, tôi mới được hai tuổi. Khi biết nghe bài hát trên, phải bốn hay năm tuổi. Dù chưa biết chuyện gì đã xảy ra, hồi nào và ở đâu, nhưng cảm giác buồn buồn lại có mỗi khi nghe bài hát. Lớn lên, đi học mới hiểu tại sao là sông Bến Hải, tại sao là cầu Hiền Lương? 

Ba.

Trên bàn hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ, đại diện các viên chức quốc tế thông tin với báo giới rằng ngày 20/7/1954 là ngày cuối cùng phải giải quyết vấn đề đình chiến Việt Nam đã kéo dài từ ngày 8/5.

Tuy nhiên, một chi tiết lịch sử thú vị là tìm một vĩ tuyến mà cả hai phía chấp nhận. Phía Hà nội thì muốn vĩ tuyến 16 (Quảng trị). Phía Pháp thì muốn vĩ tuyến 18 (Quảng bình). Tranh cãi kéo dài đến gần 12 giờ đêm của ngày 20/7. Đại diện Ủy ban Quốc tế phải cho ngừng chiếc đồng hồ lại. Đến khi hai phía được khuyến nghị và chấp nhận vĩ tuyển 17 thì lúc đó là bình minh ngày 21/7/ 1954. Nhưng trong các văn kiện lịch sử đều ghi là 20/7/1954.

Sau đó là những hoạt động dân quân sự ráo riết trong vòng 300 ngày. Quân đội hai phía phải lui ra khỏi vùng phi quân sự mà sông Bến Hải là giới tuyến. Người dân hai miền được tự do chọn nơi sinh sống. Miền Bắc hay miền Nam tính từ cầu Hiền Lương là ranh giới. Hơn một triệu người miền Bắc đã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để vào Nam. Đây là cuộc di cư lớn nhất của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm trước đó !! 

Rồi 20 năm sau, lại một cuộc di cư kinh hoàng hơn kéo dài hàng chục năm trong suốt thập niên 1980. Hiện nay, đã có hơn 5 triệu người Việt rải rác trên toàn thế giới.

Bốn.

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã một thời đằng đẵng để lại nhiều xót xa cho đồng bào Việt Nam. 

Hôm nay (14/8/2023), 69 năm sau ngày lịch sử của dòng sông mà tôi từng ước mong đứng lại dù một chút thời gian. Ước mong bước đi trên chiếc cầu dù một chút quê hương. Cảm giác thật lạ bạn ơi!
viberimage20230912214715720Bến Hải dòng sông giới tuyến
viberimage202309122147417241Đường vạch trằng chia đôi cầu Hiền Lương. Phía Bắc sơn màu xanh. Phía nam sơn màu vàng.
Tác giả: Nguyễn Toàn Đông

636    14-09-2023