Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Một dẫn giải ngắn gọn về Bí tích Xức dầu Bệnh nhân



Bí tích này là một trong những kho tàng đẹp đẽ nhất mà Giáo
Hội mang lại cho chúng ta.

Trong số bảy bí tích của Giáo Hội Công Giáo, thì có một bí tích được dành cho những người mắc bệnh hiểm nghèo hay sắp qua đời: đó là Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.

Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều phép lạ chữa bệnh. Không chỉ có vậy; Người cũng đã tha thứ tội lỗi: Ngài đến để chữa lành con người toàn vẹn, thể xác và linh hồn.

Sự chữa lành thể xác là dấu hiệu của một sự chữa lành triệt để hơn: chiến thắng tội lỗi và sự chết, nhờ thập giá và sự phục sinh của Người.

Kể từ đó, đau khổ và bệnh tật đã mang đến một ý nghĩa mới. Chúng đã trở thành công cụ hiệp nhất với Người và cộng tác trong công trình cứu chuộc của Người.

Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. (Cl 1,24)

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ về mối bận tâmsự chăm sóc Người dành cho những người bệnh tật và đau khổ,Người hằng muốn các môn đệ cũng trở thành những người tham gia vào sứ mạng chữa lành của Người.

Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. (Mt 10,8)

Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, qua việc mang đến sự chăm sóc, lời chuyển cầu hay Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

Một nghi thức

Ngay từ nguồn gốc của Bí tích này đã có những chứng thực về một nghi thức cụ thể dành cho người bệnh.

Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. (Gc 5,14)

Cho đến ngày nay, Giáo Hội cũng cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân theo một cách tương tự.

Chỉ có linh mục mới có thể cử hành bí tích này: Ngài đặt tay trên người bệnh đang trong tình nguy tử, cầu nguyện và xức dầu đã được thánh hiến (dầu O.I.) lên trán và tay người đó.

Trong cùng một kỳ bệnh, có thể lặp lại việc Xức dầu Bệnh nhân nếu bệnh tình trở nên nặng hơn. Nếu người bệnh đã khỏi, họ có thể lãnh nhận lại bí tích này trong trường hợp mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo khác.

Điều kiện cần thiết để lãnh nhận bí tích này là người bệnh phải trong tình trạng nguy tử; ví dụ như, điều này bao gồmviệc trước khi bước vào một ca phẫu thuật đầy rủi ro.

Việc này không nhất thiết phải chờ đến lúc cận kề cái chết: Giáo Hội khuyên nên lãnh nhận bí tích này ngay khi có thể, lúc mà người đó vẫn còn tỉnh táo và với hy vọng rằng người đó vẫn còn chủ động được để có thể tham dự đầy đủ hơn vào các diễn tiến của bí tích này.

Sức mạnh để chống lại ma quỷ

Nơi bí tích này, Chúa Thánh Thần ban xuống niềm an ủi, bình an và can đảm để đối mặt với chặng đường cuối cùng của cuộc đời. Bí tích Xức dầu Bệnh nhân làm mới lại đức tin và ban thêm sức mạnh để chúng ta chống lại những cám dỗ của ma quỷ, chẳng hạn như sự nản lòng và sầu khổ khi đối mặt với cái chết.

Người bệnh nhận được sức mạnh để hiệp nhất chính mình với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và dâng lên những đau khổ của mình vì lợi ích của dân Thiên Chúa: Giáo Hội chuyển cầu cho người bệnhvà người bệnh cũng góp phần vào việc thánh hóa Giáo Hội.

Còn tình trạng bất tỉnh thì sao?

Nếu người bệnh không hoàn toàn tỉnh táo, thì vẫn có thể thực hiện được Bí tích này nếu người đó “không cố ý từ chối” ân sủng. Điều này cũng giống như những gì xảy ra đối với việc rửa tội cho trẻ em.

Sau các Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, thì Bí tích Xức dầu Bệnh nhân là lần xức dầu cuối cùng trong cuộc đời Kitô hữu của chúng ta và nó chuẩn bị cho chúng ta đối mặt với trận chiến cuối cùng trước khi bước về Nhà Cha.

Vì lý do này, Giáo Hội cũng ban cho những người sắp lìa xa cuộc đời này Bí tích Thánh Thể, như là của ăn đàng trên đường hướng về sự sống đời đời.

Điều mà Giáo Hội hướng đến không phải là một nghi thức chữa lành mang tính ma thuật, mà là niềm an ủisự gần gũi thân tình của Chúa Kitô:

Trong những lúc đau khổ và bệnh tật, thật tốt đẹp khi biết rằng chúng ta không cô đơn: chính Chúa Giêsu tự mình hiện diện nơi Bí tích này, Người nắm lấy tay chúng ta, Người âu yếm chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta vốn thuộc về Người và không có gì - ngay cả cái chết - có thể tách được chúng ta ra khỏi Người. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô)


Tác giả: Marinella Bandini - Nguồn: aleteia.org (19/10/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

1679    20-10-2021