Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Một góc nhìn về chuyện giúp xứ

MỘT GÓC NHÌN VỀ CHUYỆN “GIÚP XỨ”

Có lẽ nhờ hoàn cảnh xã hội nước Việt chúng ta “đổi mới” nên trong quá trình đào tạo các linh mục và tu sĩ thảy như dễ dàng hơn trong việc gửi quý chủng sinh, tu sĩ đi thực tập mục vụ mà quen được gọi là đi “giúp xứ”. Nhiều giáo phận và dòng tu đã gửi quý thầy đi giúp xứ với kỳ hạn là một năm hoặc một tháng theo chương trình đào tạo. Vậy thử hỏi mục đích nhắm của việc “đi giúp xứ” là gì ?

 Đã là trong chương trình huấn luyện thì câu trả lời chính xác nhất đó là để các thầy được đào tạo ở các môi trường thực tiễn để bổ túc cho phần được huấn luyện ở chủng viện hay tập viện. Xin tạm dùng một sự so sánh với các sinh viên thực tập ngành y khoa dù cho sự so sánh nào cũng có phần khập khiễng.

Trước hết cần phải phân biệt thời gian thực tập của các sinh viên y khoa khác với thời gian các anh chị ấy đi sống cống hiến qua các chương trình “mùa hè xanh”. Trong các kỳ “mùa hè xanh” thì các sinh viên chủ yếu là đi phục vụ bà con vùng miền xa xôi, hẻo lánh để phục vụ đồng bào và để ươm đắp chí cống hiến sau này. Còn trong kỳ thực tập thì chắc chắn các sinh viên cần được gửi đến các môi trường có tương đối đủ đầy phương tiện để trau dồi kỹ năng y khoa và nhất là cần phải có các bác sĩ giỏi phụ trách việc hướng dẫn và dạy bảo chuyên ngành.

Theo viễn kiến này thì việc quý thầy đi giúp xứ thời gian một tháng có thể xem như là kỳ “mùa hè xanh” để tập sống phục vụ và nuôi chí cống hiến trong tinh thần đức tin. Thiết nghĩ rằng với kỳ gọi là “mùa hè xanh” thì nên gửi quý thầy đi các vùng hẻo lánh xa xôi và nên gửi đi theo từng nhóm hay ít là hai người trở lên để quý thầy tập sống và làm việc chung.

Trái lại với quý thầy đi thực tập mục vụ thời gian một năm thì nên gửi quý thầy đến những nơi tương đối có điều kiện đào tạo và nhất là cần có các linh mục một cách nào đó xem ra có khả năng đào tạo hơn các vị khác. Trong đức tin chúng ta nhìn nhận rằng chính Chúa Thánh Thần mới là nhà đào tạo đích thực. Tuy nhiên một chân lý chúng ta xác tín đó là ân sủng không hề loại bỏ các điều kiện tự nhiên. Như thế nếu quý thầy có được các linh mục có khả năng giúp đỡ thì tốt hơn nhiều và việc đào tạo ắt sẽ có thành quả mỹ mãn hơn.

Giả như những người có trách nhiệm trực tiếp với quý thầy mà nghĩ rằng chuyện gửi quý thầy đi giúp xứ là chủ yếu để giúp “các cha” thì bản thân xin nhận mình đã lầm.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

3173    06-04-2018