Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho những kẻ khủng bố đã giết mẹ và chị gái của mình

Mười năm sau khi gia đình mình bị sát hại, người Kitô hữu [thuộc Giáo hội Chính thống] Copt trẻ tuổi này vẫn kiên định trong việc lựa chọn tha thứ.

a123456789101112131415161718192021222324
Anh Kiro Khalil, một Kitô hữu thuộc Giáo hội Chính thống Copt. Nguồn ảnh: Aid to the Church in Need


Đã 10 năm rồi, nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên. Vào đêm thứ sáu, ngày 31 tháng 1 năm 2011, một cuộc tấn công khủng bố đã giết chết 21 người và làm bị thương 79 người khác bên ngoài một nhà thờ Chính thống Copt ở Alexandria, Ai Cập.

Một trong những người có mặt lúc đó là Kiro Khalil, một Kitô hữu Copt 20 tuổi. Không lời nào có thể nắm bắt được nỗi kinh hoàng mà anh ta đã trải qua. Mặc dù anh ta sống sót sau cuộc tấn công khủng bố, nhưng ba thành viên trong gia đình anh ta đã chết.

Sau đó, Kiro Khalil phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và những lời đe dọa về cái chết. Anh phải rời quê hương và tìm đến tị nạn ở Đức. Nhưng trong khoảng thời gian đó, anh cũng tìm được hạnh phúc, và mới kết hôn.

Florian Ripka, giám đốc điều hành Văn phòng tại Đức của tổ chức bác ái mục vụ Aid to the Church in Need (ACN), đã nói chuyện với anh ấy về sức mạnh của sự hòa giải, về lòng yêu thương kẻ thù của một người và về đức tin chịu đựng sự ngược đãi.

Bạn đã sống sót sau một cuộc tấn công khủng bố vào một nhà thờ. Đó là khi nào và điều gì đã xảy ra?

Tôi đã mất những thành viên thân thiết nhất trong gia đình mình trong cuộc tấn công vào Nhà thờ Thánh Mark và Thánh Peter (Nhà thờ al-Qidissin) tại quê hương tôi ở Alexandria. Chuyện xảy ra vào đêm giao thừa năm 2011. Chúng tôi đã có mặt tại nhà thờ để tạ ơn Chúa vì một năm sắp kết thúc. Khi chúng tôi rời đi, không lâu sau nửa đêm, một quả bom xe phát nổ trước nhà thờ. 21 người chết và vài trăm người bị thương. Trong số những người chết có mẹ tôi, chị gái tôi và một người dì của tôi. Một người chị gái khác của tôi, Marina, cũng bị thương nặng. Chị ấy đã phải phẫu thuật 33 lần.

b123456
 Nguồn ảnh: Aid to the Church in Need


Bạn đã mất những người thân yêu của
mình. Làm thế nào để bạn kiềm chế nỗi đau và cơn thịnh nộ mà bạn vốn phải cảm thấy đối với những kẻ tấn công mình?

Kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã phải chịu sự thù hận và phân biệt đối xử vì tôi là một Kitô hữu. Tôi thường bị quấy rối bằng lời nói ở trường chỉ vì tên của tôi - Kiro - là một cái tên truyền thống của Kitô giáo. Từ thời thơ ấu, mẹ tôi đã dạy chúng tôi phải yêu thương đồng loại của mình bất kể họ đã làm gì với chúng tôi. “Hãy yêu người lân cận như chính mình”: mẹ tôi đã khắc ghi điều răn này của Chúa Giêsuu vào lòng chúng tôi. Sau cuộc tấn công, nó đã giúp tôi rất nhiều trong việc vượt qua nỗi đau của mình.

Cuối cùng, đức tin của bạn là lý do khiến bạn và gia đình bạn bị tấn công. Bạn có bao giờ nghi ngờ Thiên Chúa không?

Tuyệt đối không. Bốn nghìn người đã tập trung tại nhà thờ để tham dự lễ đón giao thừa. Trong số đó, có 3 người thân của tôi đã được chọn để trở thành những người tử đạo. Và mặc dù điều đó có vẻ kỳ lạ, nhưng thay vì đầu hàng trong tuyệt vọng hay tự hỏi bản thân, “Có phải Thiên Chúa không công bằng khi cho phép một điều như thế xảy ra chăng?”, Tôi lại xem đó là một ân sủng.

Không thể xác định được thủ phạm của vụ tấn công cũng như các kẻ tài trợ cho chúng. Bạn nghĩ gì về những kẻ giết người?

Tôi cảm thấy đáng tiếc cho những thủ phạm của vụ tấn công. Những kẻ cực đoan sống dưới nhiều áp lực. Họ tin rằng họ phải thực hiện các hành vi bạo lực đối với những người thuộc các tôn giáo khác để làm vui lòng Thiên Chúa. Những người này vấy máu trên đôi tay của mình. Làm sao một người có thể sống với cảm giác tội lỗi như vậy? Tôi tưởng tượng rằng họ cũng phải chịu đựng nhiều như tôi từ hậu quả của cuộc tấn công này.

Hiện bạn đang sống ở Đức. Bạn có cảm thấy tự do để sống đức tin của mình ở đây không? Và bạn nghĩ đâu là thách thức đối với các tín hữu ở đây?

Ở Đức, có rất nhiều tự do. Nó thường được coi là chuyện đương nhiên. Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng đức tin đang chết dần theo thời gian. Thông thường, Giáo Hội đặc biệt sống động ở những nơi đang bị bức hại. Ở Ai Cập, những người theo đạo Thiên Chúa đang chết vì quyền được sống theo đức tin của họ. Ở đây ở Đức, các nhà thờ bị đóng cửa hoặc biến thành viện bảo tàng. Điều này làm tôi thấy buồn.

Tác giả: Florian Ripka ACN - Nguồn: aleteia.org (06/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

332    07-09-2021