Nhà thờ ở Sudan bị phá hoại |
Một linh mục Sudan cho phóng viên Vatican News biết tại quốc gia châu Phi này, do cuộc chiến không kết thúc, hàng chục ngàn người bị thiệt mạng, 10 triệu người phải di dời, dân chúng tiếp tục chết trong sự dửng dưng của thế giới, nhưng Giáo hội vẫn tiếp tục giúp đỡ dân chúng.
Vì sự an toàn, vị linh mục không nêu tên cho biết, cuộc chiến giữa quân đội và dân quân chỉ mang lại sự tàn phá và chết chóc. Chứng kiến nhà cửa bị tàn phá, người thân bị tàn sát hoặc bắn chết, mọi người đang chạy trốn khỏi Sudan đến Nam Sudan, Chad và Ai Cập.
Người Công giáo cũng phải chạy trốn. Chỉ là thành phần thiểu số rất nhỏ, trước xung đột bùng nổ, Giáo hội có một triệu tín hữu, nhưng ngày nay chỉ còn một nửa.
Theo linh mục, những thảm kịch xảy ra ở Sudan không được thế giới chú ý, mặc dù hậu quả nặng nề. Như vào tháng 8 vừa qua, ở El Obeid, hàng chục trẻ em chết dưới đống đổ nát của một ngôi trường bị tên lửa phá huỷ, thủ đô Khartoum bị tàn phá liên tục bởi bom đạn, các ngôi làng ở Durfur, bị đốt cháy và cướp bóc hoàn toàn.
Trong cảnh đau thương và tuyệt vọng này, linh mục mô tả tình hình Giáo hội địa phương: Các tu sĩ nước ngoài, linh mục, giáo dân đều chạy trốn. Hầu như không còn ai. Tại Tổng Giáo Phận Khartoum và Giáo Phận El Obeid mỗi nơi chỉ còn lại ba linh mục cố gắng duy trì đời sống bí tích bao nhiêu có thể, ngay cả khi phải trả giá bằng việc phải đến những khu vực xa xôi và khó tiếp cận nhất. Giáo hội với sự cộng tác của các giáo lý viên nỗ lực trao ban lương thực thiêng liêng và cung cấp những nhu cầu vật chất tối thiểu cho dân chúng, không phân biệt tôn giáo.
Khi được hỏi liệu Giáo hội có thể trở thành một phần tích cực trong quá trình bình định các phe phái tham chiến hay không, linh mục không ngần ngại trả lời dựa trên một thực tế: “Chúng tôi không có sức mạnh. Chúng tôi không có các kênh ngoại giao trực tiếp, như Sứ thần để chúng tôi có thể tương tác về mặt chính trị và thể chế. Điều Giáo hội có thể làm là thu hút sự chú ý của giới truyền thông lưu tâm đến những gì chúng tôi đang trải qua. Nhưng dường như không có sự chú ý nào, Sudan đã bị lãng quên. Đó là sự thật. Nhưng Giáo hội vẫn tiếp tục lên tiếng, ngay cả khi chúng tôi cảm thấy hoàn toàn bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi. Tất nhiên, đang có chiến tranh ở Ucraina và Thánh địa nhưng ở đây có 10 triệu người phải di dời, hàng chục ngàn người chết trong khi một triệu người có nguy cơ chết đói”.
Và ngài than phiền: “Còn điều gì nữa phải xảy ra với đất nước bất hạnh này để tiếng kêu tuyệt vọng được lắng nghe?”
Theo Vatican News (19/9/2024)