Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Một nữ tu gặp được đức tin phi thường khi mang lại hy vọng ở Haiti

srhaiti
 Cécile Séveirac


Paësie, người sáng lập gia đình Kizito và là một nhà truyền giáo ở Haiti, nói rằng: Chúng tôi sống ngày qua ngày.

Nhiều người đã bỏ cuộc khi đối mặt với tính chất khó khăn của nhiệm vụ này. Ở Haiti, nơi Sơ Paësie cống hiến cả thể xác và linh hồn cho công việc tông đồ của mình, chính nghĩa dường như đã mất đi, còn tình cảnh thì lại trở nên tăm tối.

Tình hình chính trị, xã hội và an ninh ở quốc gia thuộc vùng Caribe này rất hỗn loạn, như nhà truyền giáo này giải thích với Aleteia:

Vấn nạn bạo lực của các băng nhóm vũ trang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Trước đây, nó chỉ giới hạn ở các khu ổ chuột, nhưng bây giờ nó thậm chí còn lan sang cả các khu dân cư giàu có.”

Hai lối vào Port au Prince đã bị các băng đảng chiếm giữ khiến việc di chuyển không thể thực hiện được. Có rất ít hoặc không có nguồn tiếp tế, nhiều vụ mùa bị mất mát do các cuộc tấn công vào ngành giao thông vận tải, và không có xăng dầu ngoại trừ trên thị trường chợ đen, nơi nó được bán lại với giá gấp mười lăm lần giá ban đầu.

Niềm hy vọng cho trẻ em

Trẻ em là những người đầu tiên phải chịu đựng tình trạng vô chính phủ này. Năm học không được bắt đầu vào tháng 9, khiến trẻ em trở nên chơi vơi giữa một đất nước bị tê liệt vì lạm phát và bạo lực băng đảng tàn bạo. Nhưng giữa sự suy tàn này, lại được Kizito, một hiệp hội do Sơ Paësie thành lập vào năm 2018 dành riêng cho Haiti, sau khi rời hội dòng Nữ tu Bác ái Truyền giáo.

Kể từ khi thành lập cách đây 4 năm, Kizito đã thành lập một số cơ sở để cho phép trẻ em ở khu ổ chuột Cité-Soleil, khu ổ chuột lớn nhất cả nước, được giáo dục và học giáo lý cũng như được tiếp cận với các hoạt động giải trí. Bốn ngôi nhà dành cho các nam sinh và một ngôi nhà dành cho các nữ sinh đã được xây dựng và tám trường học cũng đã được mở ra.

Paësie giải thích: “Chúng tôi đã dàn trải các cơ sở này khắp khu ổ chuột để tránh xung đột nội bộ, bởi vì các khu vực lân cận khác của Cité-Soleil thường xuyên xảy ra chiến tranh với nhau và chúng tôi thực sự muốn trường học trở thành nơi trú ẩn cho những đứa trẻ này để chúng cảm thấy được an toàn.”

Khi nói đến việc giảng dạy, “chúng tôi đào tạo những người trẻ tuổi từ khu ổ chuột đôi chút về việc làm, điều này cho phép chúngđược thu nhập song song với việc học.” Tất cả các trung tâm này cũng cho phép trẻ em xa tránh càng nhiều càng tốt những viên đạn chết người hàng ngày. Đôi khi những viên đạn này thậm chí còn xuyên qua được những tấm sắt thường được dùng trong những căn lều lụp xụp của khu ổ chuột.

Vào thứ Năm, ngày 20 tháng 10, một cậu bé 13 tuổi, Gethro, đã chết sau một cuộc đọ súng của các băng đảng. Cậu đã từng học trong ngôi trường của Kizito, nhưng cuối cùng đã bỏ học. Những em khác đấu tranh để được ở lại trường và trở thành những tấm gương sống động về lòng quảng đại, như Julio, 10 tuổi, đi nhặt sắt vụn từ thùng rác giữa các lớp để bán.

Paësie giải thích: “Buổi sáng nọ, một giáo viên nói với tôi rằng cậu bé ấy đã mang đến những cuốn sách mới tinh mà mình đã mua được bằng số tiền đó. Ngày hôm sau, vị giáo viên lại nhìn thấy cậu với một cuốn sách khác trên tay để dành tặng cho một học sinh khác. Ngày tiếp theo, điều tương tự cũng xảy ra. Trên thực tế, cậu bé đã nhận ra rằng tất cả những học sinh trong lớp đều không có sách và tặng họ một cuốn sách mới bằng số tiền mà cậu đã quyên góp được. Cậu bé này là một đứa trẻ phải chịu cảnh đói khổ vì không có đủ thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cậu lại sẵn sàng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình.”

Mang đến giáo lý và bí tích

Chỉ có một giáo xứ trong toàn bộ khu ổ chuột, nơi mà chỉ có người dân của một khu phố tham dự vì các băng nhóm ngăn cản người Haiti đi lại. Các trung tâm dạy giáo lý miễn phí của Kizito cũng cố gắng làm cho càng nhiều trẻ em và gia đình của chúng có thể tiếp cận được với các bí tích càng tốt. Những lời xin rửa tội diễn ra thường xuyên và điều này gợi lên một lòng nhiệt thành đích thực. “Những đứa trẻ đã lãnh nhận các bí tích dường như lúc nào cũng tỏ ra rất có lòng đạo; nhiều người trong số chúng tự trở thành những giáo lý viên, thành lập các nhóm cầu nguyện...

Nạn đói, bệnh tật (AIDS, bệnh lao và dịch tả đang tàn phá đất nước, trong khi COVID đã tấn công đất nước ít nghiêm trọng hơn một cách kỳ lạ), những vụ bắt cóc, giết người, hãm hiếp và động đất hàng ngày,... Tất cả những tình cảnh này thoạt nhìn có thể gây ra sự tuyệt vọng sâu sắc, tuy nhiên, chúng đã không lấy đi niềm tin của người dân Haiti, những người vốn được ban cho một sự kiên cường thật bền bỉ. Sự kiên cường này cũng đi đôi với lòng phó thác trong tâm tình khiêm nhường cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. “Ở đây và bây giờ” dường như là phương châm thực sự của gia đình Kizito và người Haiti.

Chúng tôi sống ngày qua ngày. Bạn thậm chí có thể cảm thấy điều này theo cách nơi những đứa trẻ đã được chúng ta dạy cho cầu nguyện. Chúng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho mình có thêm một ngày nữa và trở về nhà an toàn.”

Bất chấp bạo lực và chết chóc có mặt khắp nơi, các Kitô hữu Haiti vẫn giữ vững đức tin của họ, ngay cả trong những tình cảnh bi thương nhất. Khi được hỏi liệu nỗi đau đôi khi không tạo ra cảm giác nổi loạn, nhưng lại dẫn đến việc từ bỏ đức tin, Sơ Paësie mỉm cười và trả lời ngay:

Điều xảy ra ở đây (ở Châu Âu và các nước phát triển)nhưng ở đó thì không. Người Haiti tiếp tục tin tưởng vào sự hiện diện và lòng nhân từ của Thiên Chúa, và đó là điều giúp họ tiến bước. Tôi đã thấy điều này đặc biệt sau trận động đất năm 2010: mọi người có thể nói chuyện với một sự bình an lớn lao cho dù họ đang ở bên cạnh thi hài của con cái họ. Họ không bao giờ nổi loạn chống lại Thiên Chúa, họ cũng không kết tội Người. Ở Creole, họ nói Bon Dieu connaît, nghĩa là Có Thiên Chúa biết.

 

Tác giả: Cécile Séveirac - Nguồn: Aleteia (23/11/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

376    25-11-2022