Sidebar

Thứ Tư
08.05.2024

Một từ ngữ tóm tắt về sứ mạng của Chúa Kitô

Với từ ‘Ephphatha: Chúa Kitô không chỉ mở tai người điếc và mở miệng người câm trong Kinh Thánh.

q
 Meister von Müstair (Public Domain) Wikimedia Commons


Trong số rất nhiều tường thuật về các phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện được ghi lại trong Tân Ước, việc chữa lành người điếc trong
Mc 7 là phép lạ đặc biệt đáng nhớ. Bằng cách ra lệnh “ephphatha” - nghĩa là “hãy mở ra” - Chúa Giêsu đã tóm tắt sứ mạng cứu rỗi của mình.

Phúc Âm thuật lại đoạn này, nói rằng: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói : ‘Ephphatha!’, nghĩa là: ‘Hãy mở ra!’ Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.”(Mc 7,33-35)

Hành động của Chúa chúng ta là rất có chủ ý. Trước tiên, hãy xem cách Chúa Giêsu kéo người anh ta sang một bên. Có một sự thân mật dành cho cuộc gặp gỡ của hai người. Sự chữa lành này là khoảnh khắc mà Chúa hiện diện chỉ với một mình anh ta.

Ngoài ra, đoạn tường thuật còn mang tính chất thể lý rất nhiều. Chúa Kitô đặt ngón tay mình vào tai người anh ta, nhổ nước miếng, và chạm vào lưỡi anh ta. Sự tiếp xúc (contactus), tức là sự tương tác thể lý của Chúa và người khác, gợi lại sự tiếp xúc nhẹ nhàng của một thầy thuốc. Chúa Kitô hành động trực tiếp trên những người được chữa lành.

Cuối cùng - và đây có lẽ là lý do tại sao đoạn tường thuật lại rất đáng nhớ - Chúa Kitô đưa ra một mệnh lệnh rõ ràng. “Ephphatha,” Người nói; “Hãy mở ra,” Chúa Giêsu ra lệnh. Từ ngữ tiếng Syriac dứt khoát này (hoặc, theo một số học giả, có lẽ là tiếng A-ram), ephphatha, tóm kết việc thi hành sứ vụ của Chúa Kitô. Người đến để mở ra.

Chúa Kitô khai mở các tầng trời

Trong các trình thuật Phúc Âm về việc Chúa chịu phép rửa, chúng ta đọc thấy: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra [cho Người]. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu [và] đến ngự trên Người.” (Mt 3,16) Nhờ ân sủng của phép rửa tội, Chúa tuôn đổ các ân huệ trên trời. Nhờ việc khai mở các Bí tích, Chúa Giêsu mở cửa thiên đàng cho chúng ta.

Chúa Giêsu lật mở cuộn giấy

Sau khi chịu phép rửa, Chúa bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Phúc Âm của thánh Luca cho biết, “Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia.”(Lc 4,16-17) Chúa Kitô đã mở cuốn sách và làm ứng nghiệm lời tiên tri mà Người đã đọc. Sau đó trong Phúc Âm của thánh Luca, khi đang cùng đi các môn đệ trên đường Emmau vào ngày phục sinh, Chúa Giêsu lại khai mở Sách Thánh. Cuộc đời và sứ vụ của Chúa Kitô làm ứng nghiệm tất cả những lời ngôn sứ và những điều kỳ diệu trong lịch sử của dân Do Thái.

Thiên Chúa lòng lành của chúng ta khai mở đôi mắt

Trong một phép lạ chữa lành được ghi lại trong Phúc Âm của thánh Gioan, một phép lạ không khác gì việc mở tai của người điếc trong Marcô, Chúa Giêsu mang lại ánh sáng cho một người mù loà.

“Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: ‘Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa’ (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.” (Ga 9,6-7)

Người mù bẩm sinh đã có thể nhìn thấy được. Qua việc thực hiện phép lạ này, Chúa chúng ta đã mở mắt cho những người chứng kiến ​​phép lạ được nhìn thấy Con Thiên Chúa. Việc mở mắt cho con người của Chúa Kitô rõ ràng là tương phản với những người vốn không thể nhận thấy Chúa Kitô là ai.

Chúa Giêsu khai mở huyệt mộ

Khi người bạn của Người là Lazarô chết, Chúa Giêsu đến và ra lệnh cho những người đang tụ họp mở cửa ngôi mộ. “Người kêu lớn tiếng: ‘Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!’ Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: ‘Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.’” (Ga 11,43-44) Phép lạ đáng kinh ngạc này báo trước sự phục sinh của chính Chúa Kitô; báo trước chiến thắng của Người trước sự chết. Chúa Giêsu Kitô đã mở huyệt mồ và làm ứng nghiệm lời ngôn sứ của Êdêkien, "Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta! Này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en." (Ed 37,12)

Sự mở mang trí óc và trái tim

Sự cô lập về thể chất, tức là sự chia cách chắc chắn là do tai của người điếc bị đóng kín, chính là biểu tượng của một sự đóng kín sâu xa hơn, của một sự đau khổ lớn hơn. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói rằng, “Có một sự đóng kín bên trong, một thứ bao phủ phần cốt lõi thâm sâu nhất của con người, cái mà Kinh thánh gọi là ‘tâm hồn’. Đó là điều mà Chúa Giêsu đến để ‘mở ra’, để giải phóng, để giúp chúng ta có thể sống trọn vẹn mối tương quan của mình với Thiên Chúa và với những người khác.” Sự can thiệp của Chúa Giêsu thay đổi chân trời số phận của chúng ta, mở ra cho chúng ta những đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô giải thích, “Từ ngữ nhỏ bé này, ‘Ephphatha - Hãy mở ra’, tóm tắt toàn bộ sứ mạng của Chúa Kitô. Người đã trở thành con người để con người, vốn bị câm điếc bên trong do tội lỗi, có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của tình yêu vang lên trong tâm hồn mình, và có thể học được cách nói năng bằng thứ ngôn ngữ tình yêu này, để giao tiếp với Thiên Chúa và với người khác.” Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi, từ nô lệ đến bóng tối, và làm cho chúng ta có tự do để lắng nghe và để nói về sự vinh quang của ân sủng Thiên Chúa.

Tác giả: Lm. Patrick Briscoe, OP - Nguồn: aleteia.org (05/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

659    06-09-2021