Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Mục vụ hôn nhân: Mục đích và cách thức rao hôn phối

1. Mục đích của việc rao hôn phối

Việc rao hôn phối nhằm hai mục đích chính là:

Thứ nhất là để hiệp thông và cầu nguyện cho nhau: với người Công giáo, sự hiệp thông các thành phần dân Chúa trong Giáo hội là là một tín điều.  Bên cạnh đó, một từ ngữ để chỉ cộng đoàn Kitô hữu nhất định trong một Giáo hội địa phương là “họ đạo”, điều đó nói lên những người có liên hệ với nhau không chỉ là gia đình họ hàng huyết tộc, nhưng còn liên hệ với nhau trong một “họ” của đức tin, là gia đình “họ đạo”. Nếu là có “họ” với nhau thì mọi biến cố vui buồn đều thông báo cho nhau (khi chết có chuông báo tử; hôn phối có lời rao thông báo tin vui). Tất cả nhằm để thông báo cho nhau trong sự hiệp thông, chia sẻ và cầu nguyện cho đôi bạn trẻ, họ sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình, đồng thời gia đình họ đạo sẽ có thêm một “tế bào” mới.

Thứ hai là để giúp cho việc điều tra: với quy định của Giáo luật “Trước khi cử hành bí tích hôn phối, phải biết chắc chắn không có gì cản trở việc cử hành hữu hiệu và hợp pháp”(can. 1066). Nhưng làm sao biết chắc chắn không có gì ngăn trở? Giáo hội dạy thêm: “Hội Đồng Giám Mục phải ấn định những quy tắc về việc khảo hạch các đôi bạn, cũng như về việc rao hôn phối và về những phương thế thích hợp khác để thực hiện những cuộc điều tra…” (can.1067).

Hai điều luật 1066 và 1067 bắt buộc cha sở phải điều tra hôn phối như: khảo hạch, thẩm vấn đôi bạn và  rao hôn phối. Tuy nhiên, dù Giáo luật buộc như vậy, nhưng cách thức thực hiện như thế nào tùy vào mỗi văn hóa và tập tục mà HĐGM nước đó quy định riêng.

Điều 1066 nhấn mạnh đến sự “chắc chắn” nghĩa là phải dựa trên mọi lĩnh vực hiểu biết của lý trí: khảo hạch, thẩm vấn đôi bạn (hiểu biết cách chủ quan và suy đoán); rao hôn phối cho họ đạo biết để mọi người thông tri về việc kết hôn của đôi bạn, và nếu có ai biết về những ngăn trở hay hà tì về sự ưng thuận của đôi bạn thì cho những người hữu trách biết (hiểu biết cách khách quan). Sau khi đã thực hiện những việc này cách cẩn thận, vẫn không thấy những ngăn trở hay thiếu sự tự do trong việc kết hôn của đôi bạn, cha sở có thể tiến hành chứng hôn (x.can.1067).

2. Cách thức rao hôn phối  

Như đã tìm hiểu trên, việc rao hôn phối là điều bắt buộc theo Giáo luật quy định (x.đ.1067). Tuy nhiên, cách thức rao như thế nào thì tùy thuộc vào mỗi HĐGM quyết định chung cho nước đó. Ví dụ: ở Philippines hay một vài nước khác thì dán thông báo ở bảng sinh hoạt của họ đạo, còn ở Việt Nam chúng ta thì HĐGM quy định rao báo trong nhà thờ vào các ngày Chúa nhật. Cụ thể như sau:

- Sau khi đã lập lời rao hôn phối, tờ rao nầy sẽ được gởi đến các họ đạo mà đôi dự hôn có cư sở, bán cư sở hay những nơi mà cha lập lời rao thấy cần thiết. Điều nầy có nghĩa là nếu đàng trai ở một họ đạo và đàng gái ở một họ đạo khác thì rao cả hai nơi ấy; hai người dự hôn có những nơi tạm trú sáu tháng trở lên thì cũng cần phải rao; nếu có một bên dự hôn nào – sau 14 tuổi- đã ở một nơi nào khác quá sáu tháng, mà có lý để nghi ngờ có ngăn trở, thì xin ý kiến Bản Quyền coi có cần rao hôn phối nơi đó hay không.  

- Trái lại, những hôn phối chuẩn khác đạo thì không rao. Lý do: những hôn phối nầy vì chẳng đặng đừng chứ Giáo hội không khuyến khích (đa phần những cuộc hôn nhân khác đạo không có hạnh phúc). Bên cạnh đó, ngoại trừ ở những thành phố lớn, còn các họ đạo ở miền quê cha sở biết từng gia đình giáo dân của mình, nếu có ngăn trở hay hà tì sự ưng thuận cha cũng đã biết. Dầu vậy, trong cuộc họp thường niên của HĐGM Việt Nam lần II năm 2017, có đưa ra một dự thảo về “Mục Vụ Hôn Nhân” để áp dụng thử nghiệm tới năm 2021. Trong đó buộc phải rao hôn phối “kể cả họ đạo nơi bên người chưa chịu phép Rửa Tội đang cư ngụ” (MVDD, số 75, tr.34). Dù sao đây cũng chỉ là thử nghiệm chứ không bắt buộc, tùy mỗi giáo phận định liệu.

- Rao hôn phối trong nhà thờ vào ba Chúa nhật liên tiếp. Nếu có lý do chính đáng và không có sự hoài nghi nào về những ngăn trở của những người dự hôn thì có thể xin chuẩn lời rao như sau: cha sở có quyền chuẩn một lần lời rao; cha quản hạt có quyền chuẩn hai lần và Đấng Bản Quyền chuẩn cả ba lần lời rao.

- Các cha sở nào đã nhận được tờ lời rao xin rao hôn phối, phải cố gắng làm tốt và sớm. Sau khi rao xong phải hồi báo kết quả lời rao, lời ghi chú và tài liệu khác trong văn khố của họ đạo liên quan đến hôn phối này nếu có. Nếu có vấn đề nghiêm trọng hoặc hoài nghi cũng phải trình báo với cha sở lập lời rao (x.can.1069).

- Nếu đến ngày cử hành hôn phối mà cha sở nơi lập lời rao chưa nhận được hồi báo bằng giấy tờ, thì cha nên liên lạc bằng điện thoại (vì đây là cách nhanh nhất) với nơi đã nhận lời rao để xác nhận kết quả của lời rao.

- Nếu nơi nhận lời rao mà không rao, hoặc không hồi báo bằng mọi cách (thư hồi báo, điện thoại, email), thì cha sở nơi lập lời rao vẫn cử hành hôn phối như đã định (x.can.1068).

Giáo hội luôn nhắn nhủ các mục tử, dù là khác giáo phận hay khác họ đạo, đều có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau vì luật, vì trách nhiệm và vì tình huynh đệ cũng như để tạo nên hình ảnh vị mục tử nhân hiền, nhẫn nại giúp cho các đôi bạn sẵn sàng tiến tới hôn nhân trong luật Chúa và đạt được thiện ích trong hôn nhân của họ (HĐGM VN, MVDD, số 53, tr.24).

Lưu ý về việc trình báo của người tín hữu: cũng nên lưu ý rằng điều 1069 buộc các tín hữu phải trình báo lên cha sở hay Bản quyền sở tại mọi ngăn trở (12 ngăn trở và hà tì của sự ưng thuận) mà họ “biết” được - biết chứ không phải hồ nghi, nghe nói hay suy đoán. Đây là một nghĩa vụ luân lý thuộc đức công bằng và bác ái, xét vì không những để tránh cho hôn phối không bị vô hiệu hay bất hợp pháp, nhưng còn tránh cho hôn nhân khỏi nguy cơ tan vỡ. Tuy nhiên, theo các học giả, nếu ai biết được ngăn trở do bí mật nghề nghiệp thì không buộc báo cáo, chỉ nên thuyết phục chính đương sự đừng tiến tới hôn nhân.

Lm. Pr. Hồ Hoàng Vũ

 

 

13107    04-02-2018