Kính gửi: Quý Cha
Quý Tu sĩ nam nữ
Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long
V/v CHÚA GIÊSU DẠY CHÚNG TA ĐỒNG HÀNH
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ có mười hai đề tài chia sẻ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Đồng Hành với các Gia Đình gặp khó khăn. Giáo Phận Vĩnh Long, trong gợi ý mục vụ lần I, sẽ nói về Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành.
Đồng hành là gì? Đồng hành là đi với ai, theo ai, củng cố, nâng đỡ hay bảo vệ ai. Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành. Trong việc đồng hành, Chúa Giêsu là người khởi xướng trước để con người ý thức đi theo:
- Chúa Giêsu đồng hành để an ủi và dạy sống bác ái với nhau như trường hợp của anh mù ở Giêrikô (Lc 18, 35-42). Ngày hôm đó, Chúa Giêsu là con người của đám đông, người anh hùng của đám đông. Và bất chấp sự ồn ào của cuộc trò chuyện, Ngài nghe tiếng kêu la bị cô lập của anh mù. Ngài dừng lại, và chữa bệnh cho anh ta, cho anh ta được sáng mắt. Qua cử chỉ đó, Chúa Giêsu giáo dục đám đông biết sống bác ái cách tích cực; Không trách móc bất cứ ai, Chúa Giêsu chỉ đơn giản nói, “Gọi anh ta lại đây!”. Một lời nói hết sức hiền hòa đầy tình nghĩa và có giá trị cứu thoát.
- Chúa Giêsu đồng hành để để truyền giáo như trường hợp Người phụ nữ Samari (Ga 4, 4-26). Qua câu chuyện chúng ta có thể nhận thấy kết quả của cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari: Nhiều người Samari đặt niềm tin nơi Chúa nhờ nghe lời chứng của người phụ nữ nầy: “Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4, 39). Do đó, khi ra gặp Chúa Giêsu bên giếng nước, họ mời ngài ở lại và giảng thêm cho họ. Chúa Giê-su nhận lời và ở lại đó hai ngày.
- Chúa Giêsu đồng hành để nâng đỡ, thức tỉnh người tội lỗi sám hối ăn năn, trở về đàng ngay nẻo chính như trường hợp Người phụ nữ ngoại tình. “Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 2-11). Một lời an ủi đầy tình người và đầy cảm động, bởi vì lên án không thể chữa lành tận căn gốc rễ của tội lỗi. Nhưng chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể làm được việc đó mà thôi.
- Chúa Giêsu đồng hành để giáo huấn, để mạc khải sự phục sinh của mình như trường hợp của hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35). Chúa Kitô Phục Sinh đến gần và cùng đi với với hai môn đệ nầy về làng Emmau, cách lặng lẽ, lắng nghe và quan tâm đến vấn đề của hai ông. Chúa Kitô sẽ đồng hành với hai ông đến nơi đến chốn và làm cho hai ông nhận ra Người đã phục sinh qua dấu chỉ của việc cát nghĩa Kinh Thánh và Bẻ Bánh.
Tại sao phải đồng hành? Theo lời Chúa Giêsu đã dạy và Ngài đã thực hành, “Hội thánh cũng phải đồng hành bằng sự ân cần chăm sóc những đứa con yếu đuối nhất của mình, vốn ghi dấu bởi tình yêu bị tổn thương và lạc lối, bằng cách khôi phục lại cho họ niềm tin và hy vọng, như ánh sáng của một ngọn hải đăng hoặc một ngọn đuốc được đặt giữa mọi người hầu soi sáng cho những người đã lầm đường lạc lối hoặc đang ở giữa bão tố cuộc đời” (NVTM 291; RS 2014, 28)
Chúa Giêsu đã đồng hành để nhắc nhớ từng người chúng ta ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, trong Họ đạo, ngoài xã hội, không nên loại bỏ ai vì những thiếu sót hay lỗi lầm của họ trong đời sống đạo đức và trong đời sống hôn nhân, nhưng phải cố gắng đồng hành với họ. Bởi vì chúng ta là ai mà dám phán đoán người khác: “Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận” (Gia. 4, 12), nhưng hãy nâng đỡ và cùng đi với họ, hướng dẫn họ. Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (Ga 12, 47) và một chỗ khác: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Ga 19, 10) vv…
Xin Chúa dạy chúng ta biết thương yêu nhau luôn đồng hành với tất cả anh chị em chúng ta ở bất cứ cảnh ngộ vui buồn nào. Và trong dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, xin Chúa ban phúc lành cho chúng ta và đặc biệt là cho những Gia đình gặp khó khăn.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Gp. Vĩnh Long
887 20-01-2019