Sidebar

Chúa Nhật

27.04.2025

Nada - Không gì cả

canireallyhavejesusinmyheartgracetheologicalseminaryscalede1648144589406
 Ảnh minh họa từ Grace Theological Seminary


Trong xã hội hiện nay, để đánh giá mức độ thành công của một người, chúng ta thường dùng những tiêu chuẩn cụ thể. Một người được xem là trí thức thì cần có bằng thạc sĩ này, hay tiến sĩ nọ. Một người được xem là giàu có thì phải có nhà lầu, xe hơi, hay thu nhập cao. Một người được xem là đẹp phải có vóc dáng cao ráo, da đẹp, mặt đẹp, v.v. Dường như đối với chúng ta cái gì cũng cần hội tụ đủ tiêu chuẩn thì mới gọi là đẹp là phù hợp. Trong khi đó, những ai không có được bất kỳ điều gì mà theo cái nhìn của số đông thì bị xem là thất bại. Điều này dẫn đến việc nhiều người phải dùng hết sức mức mình để chạy theo những đòi hỏi đó. Vô hình chung chúng ta cảm thấy áp lực và mệt mỏi mà chẳng tìm thấy được bất kỳ niềm an ủi nào. Phải chăng cuộc sống của chúng ta chỉ là chuỗi ngày chạy theo những đòi hỏi của vật chất?

Có nhiều người cũng giàu, cũng đẹp đó nhưng lại không tìm thấy niềm vui thực sự, trong khi số khác không đủ đầy vật chất nhưng lại tìm được an bình trong tâm hồn. Đó là vì họ tìm được một điểm tựa tinh thần cho mình. Hay đúng hơn là họ có một đời sống nội tâm vững chắc để rồi họ khám phá ra điều mầu nhiệm mà không có giá trị vật chất nào có thể mang lại được. Đối với họ, khó khăn về mặt vật chất không phải là tất cả. Họ tìm thấy trong những khó khăn đó một niềm vui khôn tả hơn mà họ chấp nhận không có gì cả để có được niềm bình an đó. Chắc hẳn nhiều người cũng biết được ngọn nguồn của niềm vui đó. Đó chính là Thiên Chúa.

Chúng ta đã chính thức bước vào Mùa Chay. Trong những ngày này, chúng ta được nghe nhiều về giáo huấn của Giáo Hội trong việc sống Mùa Chay sao cho có ý nghĩa và sinh được lợi ích cho tâm hồn. Thiết nghĩ, lời mời gọi sống cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm việc bác ái là vô cùng cần thiết để tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Điều này không chỉ quan trọng trong Mùa Chay, nhưng mà còn có ích cho hành trình sống đức tin của chúng ta. Người viết tìm được một gợi hứng từ tư tưởng của thánh Gioan Thánh Giá để có thể áp dụng cùng với những thực hành nêu trên. Qua đó, người viết mong muốn chuyển tải một chút suy tư đến với mọi người.

Trước hết, Mùa Chay là thời gian Giáo Hội mời gọi con cái mình từ bỏ những thói hư tật xấu để quay trở về với Thiên Chúa. Đứng trước thực trạng của xã hội hiện nay, chúng ta thấy lời mời gọi này có ý nghĩ bởi vì con người dường như trở nên ích kỷ hơn và chỉ muốn điều gì tốt cho mình mà thôi. Từ bỏ là một đòi hỏi vô cùng khó khăn. Đặc biệt, từ bỏ cái tôi của mình để có thể mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân thì lại càng thử thách hơn nữa. Nhiều người bị cuốn vào cạm bẫy của những tư tưởng như “tôi có giá trị khi tôi sở hữu; tôi có giá trị vì công việc tôi làm; người ta nghĩ về tôi như thế nào thì tôi thế ấy.” Nhiều người cố bám víu vào chúng như chiếc phao cứu sinh. Cho nên, thử hỏi làm sao chúng ta có thể sống tinh thần hy sinh nếu chúng ta không dám từ bỏ để làm cho mình trở nên trống rỗng. Nhiều người sợ tình trạng trống rỗng lắm vì lúc đó họ không còn gì để bám víu cả. Thế nhưng, chúng ta quên rằng một khi tâm hồn chúng ta còn đầy tội lỗi, thiếu sót và cả những đam mê thì làm sao Thiên Chúa có được chỗ trong đó nữa. Ngài sẽ không thể nào đến được nếu chúng ta không sẵn lòng dọn chỗ cho Ngài. Cho nên, thánh Gioan Thánh Giá gợi ý cho chúng ta một cách thế tuyệt vời. Đó là “nada” – (tiếng Tây Ban Nha) không gì cả.

Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta không cần phải mang đến cho Chúa bất kỳ thứ gì cả, kể cả thành công, sự nghiệp v.v. Chúa chỉ cần nơi chúng ta trọn vẹn con tim trung tín và tâm hồn luôn hướng về Ngài. Nếu ai cũng biết được điều này “Nếu con người tìm kiếm Thiên Chúa, thì Đấng Lang Quân còn háo hức tìm kiếm họ nhiều hơn” thì ắt hẳn chúng ta sẽ không chần chừ gì nữa mà không đến với Ngài. Thiên Chúa luôn đi bước trước trong mọi sự. Ngài đã luôn ở đó và chờ đợi chúng ta đến với Ngài. Do đó, chúng ta chỉ cần khao khát Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta biết rằng luôn luôn có một Đấng yêu thương và chờ đợi chúng ta dù bản thân chúng ta có yếu đuối đến đâu. Công việc của chúng ta là đón nhận. Chúng ta cần tạo khoảng trống để đón nhận Thiên Chúa. Càng tạo được nhiều khoảng trống thì Thiên Chúa càng dễ dàng đến và ở cùng chúng ta. Điều này nói lên việc Thiên Chúa tôn trọng tự do của từng người. Ngài chấp nhận ở đó và chờ đợi cho đến khi từng người sẵn sàng để mở cửa tâm hồn cho Ngài ngự vào.

Như vậy, “nada” – không gì cả (tức là khoảng trống) sẽ không phải là một từ ngữ buồn bã theo nghĩa thông thường nữa, những nó sẽ đầy phúc lành vì luôn loan báo sự hiện diện của một điều gì đó được cho đi để trao đổi theo cách nói của thánh Gioan Thánh Giá. Ở nơi của sự không-gì-cả đó, chúng ta đang được chìm sâu trong một Hiện Diện hoàn toàn. Một khi đã dám tạo khoảng trống cho Thiên Chúa, thì “đối với linh hồn, mọi sự đều chẳng là gì với nó. Trong mắt nó, chính nó cũng chẳng là chi. Đối với linh hồn, chỉ Thiên Chúa của nó mới là mọi sự.” Như vậy, lời mời gọi đầu tiên “hãy cầu nguyện” gợi nhắc mỗi người về hành trình từ bỏ chính mình để ở lại với Thiên Chúa. Quả thực, không có Thiên Chúa, chúng ta chẳng là gì và chẳng có gì cả. Hãy can đảm tạo khoảng không, để dù “nada” – không gì cả thì chúng ta lại có tất cả vì có được Thiên Chúa là Đấng sẽ đổ đầy mọi sự.

Làm sao để có thể tạo khoảng không cho Thiên Chúa? Hay điều gì đang ngăn cản không cho Thiên Chúa đi vào? Điểm mà Thiên Chúa nhấn mạnh nơi con người chính là thái độ của họ chứ không phải những gì mà họ có. Điều này hệ tại ở thái độ dính bén quá mức đến cái tôi của bản thân, cải vật chất và những tạo vật khác. Thụ tạo vốn đẹp đẽ, chúng sẽ là phương thế giúp chúng ta đến gần Chúa hơn. Nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chính chúng ta lại có thái độ dính bén hay lạm dụng chúng. Như vậy, lột bỏ thèm khát và mê thích mới là yếu tố giúp linh hồn được tự do. Chúng ta tìm thấy được cách thế cho việc này nơi lời mời gọi của Giáo Hội trong việc ăn chay hãm mình. Chúng ta ăn chay để dẹp bớt những ham mê ăn uống, để giúp cho thân xác chúng ta tập luyện hy sinh mà trở nên mạnh mẽ hơn trước những quyến rũ của ma quỷ. Việc thực hành này giúp chúng ta nhìn nhận bản thân mình cùng các tạo vật khác trong ánh nhìn của Thiên Chúa. Chúng được trả lại đúng bản chất đẹp đẽ vốn có và đáng trân quý.

Hơn thế nữa, nhờ vào việc ăn chay hãm mình, chúng ta được trở lại với sự hài hòa vốn có trong cuộc sống trước khi những ham mê quá mức làm mất đi trật tự đó. Chúng ta không còn mệt mỏi, lo âu, bối rối hay một cảm giác tội lỗi nữa vì chúng ta trở nên trống rỗng hơn và Chúa ở gần chúng ta hơn. Chúng ta đã có kinh nghiệm về điều này trong cuộc sống khi mà nhiều người chạy theo tiền bạc hay nhu cầu vật chất quá nhiều. Càng sở hữu nhiều chúng ta càng lo âu sợ người ta lấy mất, hoặc nhiều người rơi vào bệnh tật vì ăn uống vô độ. Nhiều người rơi vào vòng lẩn quẩn mà không biết cách nào để thoát ra. Cho nên, thực hành ăn chay hãm mình sẽ giúp chúng ta có nhiều không gian hơn cho Thiên Chúa đổ đầy bình an của Ngài.

Kế đến, chúng ta sẽ thấy được mối liên hệ của việc tạo khoảng trống cho Thiên Chúa để từ đó chúng ta có thể mở ra cho tương quan với tha nhân. Điều này dễ hiểu vì nếu cả Thiên Chúa còn không có chỗ trong tâm hồn chúng ta thì liệu tha nhân có thể có chỗ không? Tất nhiên là không rồi. Vì vậy, lời mời gọi thứ ba “hãy làm bác ái” chính là điều tất yếu trong những thực hành của Mùa Chay. Chúng ta luôn được mời gọi mở ra với người khác trong tinh thần liên đới. Một khi không còn dính bén với những cám dỗ và tội lỗi, chúng ta sẽ thấy tha nhân đẹp đến thế nào. Con người không thể sống mà không có người khác. Tha nhân không chỉ là cầu nối cho chúng ta đến với Thiên Chúa, mà còn là nguồn an ủi và động viên giúp chúng ta vững tin hơn trong cuộc chiến đấu thiêng liêng. Khi đó chúng ta sẽ nhận ra giá trị thật của con người không phải nơi những vật chất phù hoa nhưng là ở tình yêu.

Bên cạnh đó, khi làm việc bác ái, chúng ta sẽ càng làm cho mình trở nên “nada” – không gì cả hơn. Càng cho đi nhiều hơn, chúng ta càng trở nên trống rỗng hơn. Khi đó, nội tâm của chúng ta sẽ có nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa, và tất nhiên tha nhân cũng trở nên quan trọng đối với chúng ta. Điều này cũng là một thử thách vì nó đòi hỏi chúng ta không còn tìm cách lấp đầy những khoảng trống bằng những vật chất chóng qua nữa nhưng mà bằng sự hiện diện của điều mới mẻ, đôi lúc chưa được biết rõ cho đến khi chính chúng ta khám phá ra nó. Khi càng thực hành việc cho đi chính mình chúng ta sẽ dần khám phá ra nét đẹp của sự gặp gỡ giữa người với người trong sự hiệp thông, yêu thương và rộng mở.

Chính vì lẽ đó, thời gian của Mùa Chay này là lúc thuận tiện để chúng ta sắp xếp lại đời sống của mình. Chúng ta cần ý thức và trả lại cho Thiên Chúa vị thế ưu tiên của mình. Chúng ta đã để cho những lôi cuốn của thế gian, ma quỷ và xác thịt chiếm hết khoảng không trong tâm hồn đến nỗi chúng ta không còn cảm nhận được sự hiện diện của Đấng-là-Hiện-Diện-hoàn-toàn nữa. Qua đó, chúng ta cần thiết lập lại sự tự do của mình bằng cách nói “không,” “không, con không cần nó, con cần Chúa” như lời khuyên của thánh Gioan Thánh Giá. Một khi đã dám từ bỏ những lôi cuốn bề ngoài, chúng ta mới có thể tạo nên khoảng trống để Thiên Chúa lấp đầy. Đừng sợ hãy khi mình không có gì cả. “Nada” – không gì cả chính là tất cả vì nơi khoảng không đó chúng ta được lấp đầy bởi một Tình Yêu tinh ròng. Cho nên, lời mời gọi cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm việc bác ái chính là cách thế hữu hiệu cho đời sống thiêng liêng của từng người. Ước mong mỗi người trong chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa và giá trị thực sự của Mùa Chay Thánh này. Để rồi cuối cùng chúng ta sẽ chỉ còn phó thác nơi một mình Thiên Chúa vì

Lạy Chúa, làm sao một người,
được sinh ra và được nuôi dưỡng trong một thế giới của những chân trời chật hẹp,
sẽ nâng được mình lên với Chúa,
nếu chính Chúa không nâng nó lên bằng bàn tay đã làm ra nó?

(Thánh Gioan Thánh Giá)

Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)

1429    14-03-2025