Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Năm 2020, 14.000 linh mục tương lai được tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ hỗ trợ

Năm 2020, 14.000 linh mục tương lai được tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ hỗ trợ

Trong suốt đại dịch tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, AED, hỗ trợ sứ mệnh của các linh mục trên toàn thế giới.

aleteia.org, Ban biên tập Aleteia, 2021-06-18

Năm 2020, với sự gia tăng 15% số tiền quyên góp, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (AED) đã thu được gần 123 triệu âu kim để giúp các tín hữu kitô bị áp bức trên toàn thế giới, tổ chức các buổi cầu nguyện, xây nhà thờ, mua xe, đào tạo các tu sĩ… Các dự án hỗ trợ cho nhiều nhu cầu của Giáo hội ngày nay.

Sự đau khổ của các tín hữu kitô trên thế giới không để cuộc khủng hoảng sức khỏe che mờ. Năm 2020, quỹ AED quyên được 122,7 triệu âu kim để giúp các tín hữu kitô bị áp bức. Quỹ gồm 23 văn phòng quốc gia, đã nhận thêm được khoảng 16,4 triệu âu kim so với năm ngoái, tăng 15,4% số tiền quyên góp.

Một tiến trình đáng kể vì cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể có tác động ngược lại, thêm nữa giáo dân ở trong một tình huống phức tạp hơn bao giờ hết. Ngày thứ sáu 18 tháng 6, trong bản báo cáo hàng năm, ông Thomas Heine-Geldern, giám đốc điều hành Quỹ AED cho biết: “Đại dịch đã tác động nghiêm trọng theo nghĩa đen trên nhiều tín hữu, ở nhiều khu vực, đầu hôm sớm mai họ không có lương, không có thức ăn. Ngay cả các linh mục, nữ tu họ cũng không biết làm sao xoay sở.”

 4.758 dự án được hỗ trợ tại 138 quốc gia

79% số tiền tiêu trong năm 2020 dành cho các dự án, thông tin, hỗ trợ truyền thông và các chiến dịch cầu nguyện. 4.758 dự án riêng lẻ cũng được nâng đỡ. Kể từ đầu đại dịch, AED đã tài trợ cho 401 dự án hỗ trợ liên hệ đến khủng hoảng sức khỏe, với hơn 6,2 triệu âu kim để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp nhất. Đó là nhờ các tu sĩ, các linh mục đã có thể có các thiết bị bảo vệ để thực hiện sứ mệnh,  tiếp tục công việc mục vụ của họ và bù được cho những thiếu hụt tài chánh khẩn cấp do đại dịch.

Cũng như trong quá khứ, phần giúp đỡ cho việc xây dựng luôn là tỷ lệ giúp đỡ lớn nhất của AED trên toàn thế giới: 744 nhà thờ, nhà xứ, tu viện, chủng viện, trung tâm giáo xứ đã được xây dựng lại hoặc sửa lại nhờ AED. Nhà thờ chính tòa Maronite Thánh Êlia, Aleppo, Syria, là một ví dụ. Bị hư hại nặng vì tên lửa từ năm 2012 đến năm 2016, bây giờ nhà thờ đã được thánh hiến tháng 7 năm 2020.

AED giúp để xây dựng nhà huấn luyện cho các nữ tu Camillian của thành phố Antipolo (Phi Luật Tân). ACN.

Ông Thomas Heine-Geldern nhấn mạnh: “Trong cuộc khủng hoảng coronavirus này, xin lễ là dấu chỉ đặc biệt của sự kết hiệp trong cầu nguyện, với nhiều linh mục, đó là nguồn thu nhập duy nhất để tồn tại. Chúng tôi đã chuyển hơn 1,7 triệu âu kim tiền xin lễ.” Một trên chín linh mục trên thế giới nhận được hình thức hỗ trợ thiêng liêng và trực tiếp này. Còn các chủng sinh thì một trên tám chủng sinh trên thế giới nhận được trợ cấp của AED cho việc học hoặc tiền ăn ở trong chủng viện. Tổng cộng có 14.000 linh mục tương lai được AED hỗ trợ.

Khủng hoảng sức khỏe đã ảnh hưởng lớn trên lợi tức của các nữ tu trên nhiều vùng trên thế giới. Năm 2020, AED đã hỗ trợ hơn 18.000 nữ tu với phần giúp đỡ vật chất, đào tạo và các công việc tông đồ. Một công việc quan trọng khác của AED  là giúp phương tiện di chuyển cho các thừa tác viên mục vụ, các giáo lý viên để họ có phtie đến với giáo dân, dù đường đi nhiều khi rất khó khăn và dễ gặp tai nạn. Tổ chức đã cung cấp 783 xe đạp, 280 xe hơi, 166 xe gắn máy, 11 chiếc thuyền, hai xe buýt và một xe tải.  ACN.

Ông Thomas Heine-Geldern nhấn mạnh: “Đại dịch và hậu quả của nó vẫn là mối quan tâm của chúng tôi trong tương lai. Tình huống khủng khiếp đã tàn phá châu Phi, nơi khủng bố và bạo lực ngày càng lan rộng, đó cũng là mối quan tâm lớn cho công việc chúng tôi. Ngoài sự giúp đỡ về vật chất, việc đem tiếng nói và hình ảnh của các tín hữu kitô bị áp bức cũng quan trọng không kém. Đó là những gì chúng tôi làm ở AED thông qua thông tin, cầu nguyện và từ thiện. Để làm được điều này, chúng tôi vui mừng và biết ơn về sự hỗ trợ quảng đại của bằng hữu và ân nhân của chúng tôi trên toàn thế giới.”

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các quốc gia ở khu vực Sahel, nơi các vụ khủng bố bùng nổ ngày càng mạnh.

Ông Thomas Heine-Geldern giải thích: “Năm 2020, khoảng một phần ba (32,6%) tổng viện trợ AED đã được dành cho Châu Phi. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các quốc gia vùng Sahel, nơi các vụ khủng bố ngày càng lan mạnh. Đại dịch đã làm nặng thêm tình trạng của người tị nạn và di dân. Thường Giáo hội là thể chế duy nhất vẫn còn có mặt để hỗ trợ người dân.”

Vùng Trung Đông, đặc biệt là Syria và Iraq, trong nhiều năm vẫn là vùng đứng đầu trong danh sách đối tượng được Quỹ AED giúp đỡ, nhưng bây giờ khu vực này  nhận được ít trợ giúp hơn, với 14,2% quỹ, ông giám đốc Quỹ cho biết: “Điều này phần lớn là do đại dịch – nhiều dự án tái thiết bị ngừng, đơn giản chỉ vì không chở vật liệu xây dựng đến được. Tuy nhiên, vùng này vẫn là vùng rất quan trọng với chúng tôi.”

Sau vụ nổ ngày 4 tháng 8 năm 2020 tại cảng Beirut, thủ đô  Lebanon, tổ chức AED đã đưa ra một chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho đất nước có cộng đồng kitô giáo lớn nhất vùng Cận Đông. Các gói thực phẩm đã được phân phối ngay sau vụ nổ. Các dự án viện trợ tiếp theo tập trung vào việc tái thiết khu vực của các tín hữu kitô ở Beirut, bị ảnh hưởng nặng vì vụ nổ. AED đặc biệt giúp sửa lại các nhà thờ và tu viện.

Năm 2020, viện trợ cho Lebanon là gần 4 triệu âu kim. Các gói thực phẩm được Quỹ AED phân phối.

Á châu là một trục ưu tiên khác với 18% tổng viện trợ được cấp cho các dự án năm 2020. Hầu hết sự trợ giúp này – khoảng 5,4 triệu âu kim – đã đến Ấn Độ. Toàn bộ lục địa bị ảnh hưởng nặng của đại dịch. Trong nhiều trường hợp, thiểu số tín hữu kitô không được sự trợ giúp của Quốc gia. Tại Pakistan, AED đã góp phần cung cấp nhu yếu phẩm cho tín hữu kitô đã mất sinh kế vì khủng hoảng sức khỏe.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

315    20-06-2021