Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “thách thức của Lễ Giáng Sinh” hệ tại khám phá ra nơi sự giáng sinh của Chúa Kitô một “sự nhỏ bé” vốn tiếp nhận tất cả sự nghèo khổ, những tổn thương, bất lực của chúng ta và bao bọc chúng ta bằng một “sự dịu dàng mang tính cách mạng”, thúc đẩy phát triển một “đức ái có tính sáng tạo mới mẻ”.
Viếng thăm Chúa Giêsu nơi những máng cỏ nghèo nàn của thế giới chúng ta
Suy niệm về mầu nhiệm giáng sinh của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy để mình được “chất vấn bởi Chúa Hài Nhi” mà mẹ Ngài, Đức Maria, đã đặt trong một máng cỏ. Máng cỏ này, “dùng để đưa thức ăn vào miệng và tiêu thụ nhanh hơn”, đối với Đức Thánh Cha, là biểu tượng cho “sự tham lam tiêu thụ” của xã hội chúng ta. Ngài lưu ý: “Một nhân loại tham lam tiền bạc, tham lam quyền lực và tham lam lạc thú không có chỗ cho những người bé nhỏ, cho vô số trẻ em chưa chào đời, cho người nghèo, những người bị lãng quên”.
Trái lại, đối mặt với “sự háo hức tham lam” này, Thiên Chúa tự đặt mình vào “máng cỏ của sự loại trừ và thiếu tiện nghi”. Đức Thánh Cha nói: “Họ nằm trong những “máng cỏ phẩm giá” bẩn thỉu: trong hầm trú ẩn dưới lòng đất để trốn tránh bom đạn, trên vỉa hè của một thành phố lớn, dưới đáy con thuyền chở đầy người di cư…”.
Chúa Giêsu “sinh ra nghèo khó”, “sẽ sống nghèo khó” và “sẽ chết nghèo khó”. Người không “phát biểu nhiều về nghèo đói”, nhưng ngài “đã sống nó một cách trọn vẹn vì chúng ta”. Người trở nên “gần gũi và khiêm nhường”. Một lần nữa Đức Thánh Cha chất vấn : chúng ta có muốn “ở bên cạnh Người” không? Chúng ta có “đến gần Người hơn”, “chúng ta có yêu mến sự nghèo khó của Người” không? “Chúng ta có đến thăm Người nơi Người ở, tức là những máng cỏ nghèo nàn trên thế giới của chúng ta” không?
(Bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh, tháng 12 năm 2016 và 2022)
Chấp nhận sự nhỏ bé của chúng ta
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, sự ra đời của Chúa Giêsu cũng khơi dậy một “sự kinh ngạc tai tiếng”: “Đấng ôm lấy vũ trụ lại cần được ôm trong vòng tay. Đấng tạo ra mặt trời cần được sưởi ấm. Bản thân Người là sự dịu dàng lại cần được nuông chiều. Tình yêu vô hạn có một trái tim bé nhỏ, với nhịp đập yếu ớt. Lời vĩnh cửu lại là trẻ thơ”.
Do đó, đối với Đức Phanxicô, “thách thức của Lễ Giáng Sinh” hệ tại việc chấp nhận sự nhỏ bé này. Bao gồm cả sự nhỏ bé của chúng ta, “nơi những gì khiến chúng ta cảm thấy yếu đuối, mong manh, thiếu thốn, thậm chí có thể là thất bại”. Thiên Chúa tỏ mình ra trong sự nhỏ bé, nhưng “loài người không hiểu được Người. Người trở nên nhỏ bé trong mắt thế giới và chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại theo thế giới, thậm chí đôi khi có lẽ nhân danh Người”.
Nguy cơ là bỏ lỡ điều cốt yếu. “Thiên Chúa muốn đến nơi những điều nhỏ bé nhất của cuộc sống chúng ta, Người muốn sống những thực tế hàng ngày, những cử chỉ đơn giản mà chúng ta thực hiện ở nhà, trong gia đình, ở trường học, nơi làm việc. Chính trong cuộc sống bình thường của chúng ta mà Người muốn thực hiện những điều phi thường.” Thiên Chúa “không leo lên trong sự vĩ đại,” nhưng “đi xuống trong sự nhỏ bé”. Sự nhỏ bé là “con đường Người đã chọn để đến với chúng ta, chạm đến trái tim chúng ta, cứu rỗi chúng ta và đưa chúng ta trở lại với những gì quan trọng”.
(Bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh, tháng 12 năm 2021)
Đồng ý được yêu thương cách nhưng không
Ngôn sứ Isaia đã nói tiên tri: “Một người con đã được sinh ra cho chúng ta”; Thánh vịnh nói: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta”; Chúa Giêsu “đã hiến thân cho chúng ta”, Thánh Phaolô tuyên bố trong thư gửi Titô; và sứ thần trong Tin Mừng Luca loan báo: “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”. Từ “cho” không ngừng quay trở lại suốt đêm nay.
Điều đó có nghĩa là gì? Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời rằng Con Thiên Chúa đến để làm cho chúng ta trở thành những người con “được ân sủng chúc lành”. Đó là “điểm khởi đầu của mọi sự tái sinh”, là “trái tim không thể phá hủy của niềm hy vọng của chúng ta”, là “lõi sáng duy trì sự tồn tại”.
Bất kể “những phẩm chất và lỗi lầm của chúng ta”, “những vết thương và thất bại trong quá khứ”, “những nỗi sợ hãi và lo lắng cho tương lai”, “những khó khăn thử thách”, Thiên Chúa nói với chúng ta vào lễ Giáng Sinh: “Con là một điều kỳ diệu”, “ Thưa anh chị em, đừng mất can đảm”, “Ta ở cùng con”, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta một lần nữa… Và tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta “không phụ thuộc và sẽ không bao giờ phụ thuộc vào chúng ta”: đó là một “tình yêu nhưng không”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng đó là “bí quyết của Người để đi vào trái tim chúng ta”. Thiên Chúa biết rằng cách duy nhất để cứu chúng ta, để “chữa lành chúng ta từ bên trong”, đó là “yêu thương chúng ta”. “Không có cách nào khác.” Ngài biết rằng chúng ta chỉ tiến bộ bằng cách “đón nhận tình yêu không mệt mỏi của Ngài”, tình yêu này “không thay đổi nhưng thay đổi chúng ta”.
(Bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh, tháng 12 năm 2020)
Nhận biết Chúa Giêsu Kitô là ai
“Đoàn dân đang bước đi trong bóng tối đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1). Đêm Giáng Sinh cho thấy “thực tế sâu xa về con người chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm: chúng ta là “một đoàn dân đang lữ hành”, và có bóng tối và ánh sáng “xung quanh chúng ta” và cả “trong chúng ta”. Lộ trình này thể hiện “mầu nhiệm của việc bước đi và nhìn thấy”.
Trong cuộc hành trình “hướng về Đất Hứa” này, đoàn dân có lúc là “những người hành hương” và có lúc là “những người lang thang”, tùy thuộc vào sự luân phiên giữa “những khoảnh khắc ánh sáng và bóng tối, trung thành và bất trung, vâng phục và nổi loạn”. Chúng ta tìm thấy sự luân phiên tương tự này trong lịch sử cá nhân của mình. Đức Thánh Cha giải thích : “Chúng ta bước đi trong ánh sáng, nhưng nếu trái tim chúng ta khép lại, nếu tính kiêu ngạo, dối trá, thì việc tìm kiếm lợi ích riêng chiếm ưu thế trong chúng ta, thì bóng tối sẽ bao trùm chúng ta và xung quanh chúng ta.”
Chính ở trung tâm của thực tại này mà Thiên Chúa đã nhập thể nơi Chúa Giêsu, “Tình yêu đã trở nên xác thịt”. Đức Thánh Cha nhắc nhớ : “Người đã đi vào lịch sử của chúng ta, Người đã chia sẻ con đường của chúng ta. Người đến để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối và ban cho chúng ta ánh sáng.” Do đó, thật quan trọng để nhận ra Người là ai. “Người không chỉ là bậc thầy khôn ngoan, Người không phải là một lý tưởng mà chúng ta hướng tới và chúng ta biết rằng chúng ta thật xa cách Người, Người là ý nghĩa của cuộc sống và của lịch sử, đã dựng lều ở giữa chúng ta”.
(Bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh, tháng 12 năm 2013)
Biến đổi sức mạnh sợ hãi thành sức mạnh bác ái
Trong Tin Mừng, việc Chúa Giêsu giáng sinh mang hình thức “một câu chuyện đơn giản để dìm chúng ta vào biến cố làm thay đổi lịch sử của chúng ta mãi mãi. Mọi thứ, trong đêm đó, đã trở thành nguồn hy vọng”.
Tại Bêlem, Đức Maria và Thánh Giuse đến “một vùng đất mà họ không hề mong đợi, một vùng đất không có chỗ cho các ngài”. Trong “bóng tối” của thành phố này, “tia lửa cách mạng của lòng dịu dàng của Thiên Chúa đã bùng lên”. Trong bước chân của Thánh Giuse và Mẹ Maria “có nhiều bước chân ẩn giấu”. Bước chân của những người, bằng cả gia đình hay bị tách rời người thân, buộc phải rời bỏ nhà cửa, bị trục xuất khỏi quê hương hoặc phải chạy trốn để sinh tồn…
Đức Thánh Cha suy niệm: “Đức tin của đêm nay khiến chúng ta nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta nghĩ Người vắng mặt. Người được nhận thấy nơi vị khách lộ liễu, nhiều khi khó nhận ra, vốn đi qua các thành phố của chúng ta, qua những khu dân cư của chúng ta, đi trên xe buýt của chúng ta, gõ cửa nhà chúng ta”.
Ngoài ra, đối với Đức Phanxicô, Lễ Giáng Sinh là thời gian để “biến sức mạnh sợ hãi thành sức mạnh bác ái”, thành sức mạnh cho một “đức ái có tính sáng tạo mới mẻ”. Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng, trong ngày lễ này, “sự dịu dàng mang tính cách mạng” của Thiên Chúa khiến chúng ta cảm thấy “được mời gọi đảm trách về niềm hy vọng và sự dịu dàng của người dân chúng ta”.
(Bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh, tháng 12 năm 2017)
Tác giả: Gilles Donada - Theo: Nhật báo La Croix (24/12/2023)
Chuyển ngữ: Tý Linh - Nguồn: Xuân Bích Việt Nam (25/12/2023)