Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Năng động sống cộng đoàn các môn đệ

PHẦN TU ĐỨC

NĂNG ĐỘNG SỐNG CỘNG ĐOÀN MÔN ĐỆ:

Kể Lại Cho Nhau Nghe Kinh Nghiệm Gặp Gỡ Đấng Phục Sinh

 (Lc 24,13-35)

 

Đức Giêsu trực tiếp huấn luyện các môn đệ trong một tiến trình dài lâu, nhằm giúp các ông nhận hiểu tầm nhìn và sứ mạng cứu độ của Người; một số môn đệ thân tín còn được Người tách riêng ra và đưa lên núi cao, đi vào một tiến trình đào luyện riêng. Thế nhưng, khi sứ mạng đến trong thực tế, Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn thập giá, các môn đệ vẫn gặp khủng hoảng và thất vọng. Tảng đá che kín cửa mộ Đức Giêsu như thể khép lại viễn tượng tương lai của các môn đệ. Cộng đoàn bắt đầu tan vỡ. Người ở lại buồn chán trong không gian sống tù túng và bế tắc; người ra đi lặng lẽ buồn rầu, rời bỏ cộng đoàn về quê, như hai môn đệ trên đường Emmaus. Đức Giêsu phục sinh đồng hành với mỗi người môn đệ, đưa họ trở lại cộng đoàn. Cộng đoàn hồi sinh với ơn bình an và sức sống mới.

 

Hai người trong nhóm môn đệ rời bỏ cộng đoàn, về quê (Lc 24,13-35). Trời sáng nhưng lòng họ tối. Họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau, nhưng xem ra họ đang độc thoại hơn là đối thoại, hơn là trò chuyện, một cuộc độc thoại phối hợp của hai người trẻ thất vọng, vì mất phương hướng. Hành trình của các ông diễn ra trong buổi sáng, nhưng lòng thì u tối. Bước đi cô quạnh ồn ào. Đức Giêsu phục sinh hiện ra, tiến đến gần và cùng đi với họ (24,15). Người đến để lắng nghe, để thấu cảm và để mở lòng họ đi vào cuộc đối thoại, một cuộc trò chuyện đích thực, khởi đi từ kinh nghiệm và tình cảnh của chính hai môn đệ.

 

Hai môn đệ, hai người trẻ vỡ mộng và thất vọng: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân… Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc It-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.” (24,19.21). Ngày thứ ba rồi. Hết hy vọng rồi. Hai môn đệ không vượt qua giới hạn của kinh nghiệm, bế tắc trong những vấn đề của bản thân, mù tối và điếc lác trước những vấn đề đang xảy ra xung quanh, không lắng nghe được lời của những phụ nữ và các môn đệ khác (24,22-24).

 

Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (24,26).  Như các môn đệ, trước hết chúng ta cần chấp nhận sự thật này, chấp nhận trong Đức Giêsu Kitô. Thứ đến, môn đệ cần được thầy dạy dỗ; vẫn là những đoạn sách thánh thường đọc, nhưng chúng ta cần được chính Đức Giêsu giải thích: “…Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (24,25-27). Sau cùng, hãy ở lại hiệp thông với Người; hãy nài xin Người ở lại với nhóm, với cộng đoàn, với giáo xứ, với Giáo hội: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (24,29).

 

Khi hiệp thông nên một cộng đoàn qua cử hành Thánh Thể, hai môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh. Kinh nghiệm “lòng bừng cháy” trên đường và nhận ra Người khi Người bẻ bánh giúp hai môn đệ mở toang cánh cửa hy vọng, vượt qua kinh nghiệm bản thân để sống tầm nhìn và sứ mạng của thầy mình. Ngày đã tàn, trời đã tối, nhưng lòng họ bừng sáng: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem…” (24,33). Được đổi mới sức sống, hai môn đệ trở về hiệp thông và xây dựng cộng đoàn theo tầm nhìn và sứ mạng của Đấng Phục Sinh (24,35).

 

Hồi tâm.

  1. Khi dấn thân phục vụ trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, có khi nào tôi cũng rời bỏ cộng đoàn như hai môn đệ trên đường Emmaus, tự cô lập bản thân hoặc thu hẹp mình nơi một nhóm vài người cùng quan điểm?
  2. Tôi thường cảm nghĩ thế nào về Giáo hội phẩm trật, thường có tâm tình và thái độ tích cực hay tiêu cực về các Đấng bản quyền hoặc về cha xứ? Tôi đang cảm nghĩ như người thuộc về cộng đoàn hay như một người ngoài cộng đoàn?
  3. Tôi thường tương tác, cư xử thế nào với các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ? Tôi có thấy mình là người xây dựng cộng đoàn?

 

Lm. Toma Vũ Ngọc Tín, SJ.

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

MỘT NGƯỜI BÊN HỮU, MỘT NGƯỜI BÊN TẢ...

 

“Người hỏi bà: ‘Bà muốn gì?’ Bà thưa: ‘Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy’” (Mt 20,21)

 

Dẫn vào

Trong một trận chiến cam go, nếu có bên nào hoặc tấn công “xông bên trái đánh bên phải một cách hăng hái”, hoặc “tích cực phòng vệ hết bên phải rồi đến bên trái” đều có thể gọi đó là cuộc chiến “tả xung hữu đột” (左衝右突); nghĩa là, liên tục tấn công hoặc chống đỡ đủ mọi phía. Còn quy tắc “nam tả, nữ hữu” thì khác (dựa vào lý thuyết âm dương trong triết học cổ đại).[1] Phải, mọi sự vật trong đời đều có “âm dương”; thật vậy, trong dương có âm, trong âm có dương.[2] Cùng hiện hữu trong một thực tại, âm dương cân bằng thì sự vật tồn tại cách ổn định.[3]

 

Tuy nhiên, “ngồi bên tả bên hữu một ai...” thì lại là “câu chuyện rất khác”, bởi đó: (1) không phải là trận chiến cam go mà là chiến trận “cực kỳ cam go” và hết sức dai dẳng; (2) không phải chỉ cần có sự thăng bằng để tồn tại mà còn “cần phải tồn tại để tạo sự quân bình”. Thật vậy, ngồi bên tả bên hữu Đức Ki-tô có vẻ là một khát vọng trần thế “rất tự nhiên” của người mẹ Gia đình Dê-bê-đê dành cho hai người con yêu quý của mình. Khuynh hướng này phải chăng vẫn mãi còn, hoặc thậm chí, còn mãi một cách tinh vi hơn xưa, tồn tại ở nhiều nơi trong Giáo hội hiện nay: nơi các đoàn hội giáo xứ, đặc biệt nơi quý chức ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ? Vì thế, khát vọng được ngồi bên tả bên hữu Đức Ki-tô là có thật; điều quan yếu phải thực hiện: nâng khát vọng tự nhiên ấy lên thành “‘siêu khát vọng’: được ở bên Chúa trên thiên đàng”.

 

Ngồi bên tả bên hữu Đức Ki-tô...

Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Thầy Giê-su báo trước cuộc tử nạn, các tông đồ lại chỉ nghĩ đến vinh quang trần thế; lúc “bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su” thì chỉ mải tìm danh vọng, chỉ muốn xin địa vị cho hai người con của bà, khi Thầy Giê-su được “vinh quang...”: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy...”.[4]

 

Ta tự vấn xem có khi nào quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ quên đi nhiệm vụ của mình: “Nắm bắt tình hình chung của giáo xứ, nhất là hiện trạng đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ cùng với linh mục chính xứ (và dưới sự hướng dẫn của ngài): (1) góp phần tích cực trong việc hoạch định chương trình mục vụ, đề ra phương thức và phân công thực hiện; (2) phối hợp hài hòa các công tác của các đơn vị mục vụ trong sự tôn trọng tính tự lập của từng đơn vị; (3) theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, và báo cáo kết quả; (4) góp phần giải quyết những vấn đề (hài hòa những khác biệt, xóa dần những xung khắc, giải tỏa những bất đồng) trong tinh thần liên đới, tương trợ và hiệp thông; (5) góp phần chia sẻ trách nhiệm trong việc quản trị tài sản giáo xứ;[5] (5) tích cực bồi dưỡng tri thức, nâng cao tinh thần, tạo thêm năng lực làm việc tập thể và dấn thân phục vụ trong yêu thương”.[6]

 

Thế nhưng, như các môn đệ trên đường đi Giê-ru-sa-lem với Thầy Giê-su, không hoàn toàn đồng cảm được với Thầy Giê-su, mà chỉ toan tính chuyện chức tước, quyền hành ai trên ai, “những xôi thịt chợ đời” vẫn hằn đậm vết “thường xuyên hoặc thỉnh thoảng”, thì những thành viên quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ, khi thi hành bổn phận của mình, có khi nào chỉ lo trục lợi “cách tinh vi” cho danh dự “hão” của gia đình hay bản thân! Ta xem lại.

 

Được ở bên Chúa trên Thiên Đàng

Khẳng định về sự tồn tại của thiên đàng, Thánh kinh cho biết thiên đàng là một nơi có thật.[7] Vượt ra ngoài giới hạn của trái đất, ngoài phạm vi các tinh vân vũ trụ, thiên đàng là nơi Chúa ngự trị. Vậy nói khác đi, Chúa ở đâu thiên đàng ở đấy. Vì thế, với trách nhiệm của mình, quý chức HĐMVGX một mặt hãy siêng năng cầu nguyện để được ở bên Chúa “hôm nay và ngày mai”, mặt khác tìm cách giới thiệu Chúa, đưa lời của Người vào “... đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ”.[8] Nghĩa là, dưới sự hướng dẫn của cha xứ, quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ hãy: (1) “góp phần tích cực trong việc hoạch định chương trình...”; (2) “phối hợp hài hòa các công tác...”; (3) “theo dõi, đôn đốc, kiểm tra...”; (4) “góp phần giải quyết những vấn đề...”; (5) “góp phần chia sẻ trách nhiệm...”; (5) “tích cực bồi dưỡng tri thức...”.[9] Tính khái quát của vấn đề này có thể tìm thấy trong độ sâu hiểu biết về vai trò diện rộng của những thừa tác viên quản trị mục vụ: 

... nếu Mục vụ tổng quát trong nhãn quan quản trị mục vụ ý thức về sự liên ngành của các môn học trong mục vụ, thì các từ ngữ trong chương này là dịp để trình bày đôi điều về sự liên ngành đó trong lãnh đạo mục vụ, quản trị mục vụ, cung cách phục vụ, và vai trò của người phục vụ.[10]

 

Chuyện minh họa

 

Dựng nhà xong, một người nọ chặt tre làm máng nước, chặt cây làm thùng đựng tiền. Máng tre dẫn nước từ suối vào trong nhà để sử dụng. Thùng đựng tiền thì ngày ngày nhận tiền bỏ vào cũng như được lấy ra để tiêu xài. Công dụng và ý nghĩa của hai vật dụng là thế. Triết lý sống của gia đình này là vậy. Vâng, cuộc đời quả là vậy, là thế. Quan niệm thế nào sẽ nhìn cuộc đời như vậy; suy nghĩ thế nào sẽ sống như thế. Hiểu biết trách nhiệm và bổn phận mà chu toàn thì sẽ sống tốt; định hướng đời mình đúng sẽ trực chỉ thiên đàng. Yêu mến thiên đàng không tùy thuộc vào việc ngồi bên tả bên hữu theo quan niệm trần thế cho bằng làm sao chắc chắn được ở bên Chúa trên thiên đàng.

 

Vì thế, nếu có ba loại người trong đời, thì hãy chắc chắn cả ba đều có thể là “bạn hữu” của ta: (1) “người yêu ta” làm ta được ấm áp, được nâng đỡ; (2) “người ghét ta” khiến ta cẩn trọng, khiêm tốn hơn; và (3) “người lạnh lùng với ta” dạy ta cách tự lập. Nếu như có người chỉ vì một điểm tốt của ta mà tha thứ cho ta tất cả những điểm không tốt, thì ta hãy trân trọng sự tốt lành của người ấy. Nếu như có người chỉ vì một một điểm xấu của ta mà muốn hại ta, thì ta hãy luôn cẩn trọng, khiêm tốn. Nếu như có người chẳng quan tâm điểm tốt, điểm xấu của ta, thì ta hãy xem đó là dịp tốt để học cách tự lập. Không nên tranh giành việc được ngồi bên tả bên hữu..., nhưng hãy quan trọng việc được ở bên Chúa cả đời này lẫn đời sau.

 

Để kết: Câu hỏi giúp thảo luận

  1. Bạn có ước nguyện gì cụ thể khi dấn thân phục vụ trong giáo xứ, giáo hạt, giáo phận...?
  2. Khi thi hành nhiệm vụ trong giáo xứ, bị cám dỗ tranh giành những “lợi lộc trần thế...”, quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ cần phải làm gì để “được ở bên Chúa” cả đời này lẫn đời sau?

20-4-2019, GTHHPHẦN MỤC VỤ

ĂN ĐỂ HOÀ NHẬP VÀO SỰ SỐNG

VÀ TÌNH YÊU

 

Lời mở

Ăn là hành động ta làm hằng ngày trong đời sống. Cha ông chúng ta thường dạy: “Ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng hầu như người ta ít khi tìm hiểu xem “sống là gì, và sống như thế nào mới đáng ăn”, nên cũng không biết “ăn là gì và ăn như thế nào mới đáng sống”.

 

1. Ăn là gì?

Xét về mặt sinh học, ăn là hành động đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để thu nhận, biến đổi, phân giải các thức ăn về mặt vật lý, hoá học, chiết xuất các chất dinh dưỡng có ích từ đồ ăn và bài tiết ra ngoài những thứ không cần thiết cho cơ thể[11].

 

Đây là một tiến trình phức tạp với nhiều công đoạn, từ việc nhai đồ ăn trong miệng để nước bọt chuyển hoá tinh bột thành đường nhờ các men tiêu hoá. Trong dạ dày, thức ăn được đảo trộn với dịch vị có chứa các men tiêu hoá protein. Ruột non là phần dài nhất và quan trọng nhất của hệ tiêu hoá. Nhờ các men tiêu hoá của tuyến tuỵ và túi mật hỗ trợ, thức ăn được phân giải thành các chất dinh dưỡng đơn và được hấp thu vào dòng máu nhờ các nhung mao ở ruột non. Cuối đường tiêu hoá là ruột già, có nhiệm vụ xử lý các chất thải không tiêu hoá được, tạo thành phân để tống ra ngoài, qua hậu môn[12].

 

Khi hiểu được tiến trình tiêu hoá, ta sẽ thấy việc tiêu tốn quá nhiều thời giờ, tiền bạc để tìm ăn những món ngon, vật lạ, đặc sản đều không xứng hợp với nền văn hoá sự sống. Đưa vào dạ dày rồi, tất cả thức ăn sẽ được tự động phân giải thành chất đơn như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Calci, Kali, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… mà 4 chất đầu đã chiếm tới 96% trọng lượng cơ thể. Dù ăn thật nhiều chất dinh dưỡng nhưng cơ thể chỉ thu nhận và dự trữ những chất cần thiết cho sự sống và loại bỏ những chất dư thừa. Nếu  cơ thể không thải được chúng ra ngoài, sự sống sẽ bị tổn thương.

 

Điều hiểu biết này cũng nhắc nhở chúng ta phải ăn uống theo khoa học và đừng vội tin những lời đồn thổi, những “kinh nghiệm dân gian”: ăn con này, cây nọ để chữa  một số bệnh tật nan y hiện đăng tải đầy trên mạng internet. Nhiều người đã chết hay bệnh trở nên nặng hơn vì những kiểu ăn uống liều lĩnh này.

 

2. Con người ăn gì và ăn như thế nào?

Những người thời sơ khai cách đây 2-3 triệu năm chỉ biết ăn tươi nuốt sống những thú vật mình bắt được. Thức ăn lúc đó là những lá cây, quả rừng và thịt thú vật. Khi con người đứng thẳng (homo erectus) khám phá ra lửa cách đây khoảng 800.000 năm, họ thấy thịt nướng ăn ngon hơn, lành hơn và giữ được lâu hơn. Con người sống theo bản năng nên chỉ ăn để sống và dành hầu hết thời gian sống để tìm thức ăn.

 

Con người hiện đại biết suy tư (homo sapiens), xuất hiện cách nay 40.000 năm, đã tự tạo ra lửa để chế biến đồ ăn và tìm ra ý nghĩa của việc ăn uống. Đời sống an lành và nhàn rỗi hơn khi con người thuần hoá được các thú vật thành gia súc (như heo, bò, trâu, gà…) để ổn định nguồn thịt và thuần dưỡng được các loại lúa để ổn định nguồn tinh bột cho cơ thể (lúa gạo vào khoảng 3500 năm TCN, lúa mì khoảng 3000 năm TCN). Con người có thêm thời gian để học hành, nghỉ ngơi, phát triển nghệ thuật và suy tư về những giá trị của tinh thần.

 

Nền văn minh Hy Lạp, La Mã ở Tây Phương và Trung Hoa ở Đông Phương đã đưa việc ăn uống tiến một bước dài. Xã hội lúc này đã phân hoá thành các dân tộc với nhiều giai cấp như vua chúa, quan quyền, tăng lữ, nhà buôn và dân chúng, nên đồ ăn cũng được phân loại cao thấp và ý nghĩa bữa ăn cũng khác nhau. Tần Thuỷ Hoàng (259 TCN – 210 TCN), người đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành, thống nhất Trung Quốc (221 TCN) còn mơ ước tìm được “của ăn trường sinh bất tử” chứ không phải chỉ ăn được những củ nhân sâm hay hà thủ ô ngàn năm[13].

 

Các tôn giáo còn đem lại ý nghĩa cho việc ăn uống và thể hiện niềm mơ ước của con người: ăn để sống mãi mãi. Con người không còn chỉ ăn uống cho mình, nhưng qua các tôn giáo thờ kính tổ tiên, họ còn làm các bữa cúng giỗ để tưởng nhớ người đã khuất. Con người cũng dành những lễ vật cao quý cho thần linh để cầu xin ơn thoát khỏi những tai họa thiên nhiên, đền bù tội lỗi và các ân huệ khác. Việc ăn uống từ đó mang lại sự nối kết giữa những con người sống với nhau và với thế giới của tinh thần để dẫn con người đến sự sống kỳ diệu, phi thường của thần linh.

 

Mỗi tôn giáo dạy cho tín hữu của mình nên ăn gì, kiêng gì và tại sao phải làm như vậy. Các triết gia cũng bắt đầu suy tư về đồ ăn cho thể xác và thức ăn cho tinh thần. Họ cho thể xác đối nghịch với tinh thần, nên chủ trương sống nghiêm khắc với chính bản thân (phái khắc kỷ), ăn uống đạm bạc, không chiều theo thú vui và dục vọng để thể xác càng nhẹ nhàng thì tinh thần càng thanh thoát. Người theo đạo Phật “cấm sát sinh” vì tin rằng mỗi sinh vật có thể là ông bà, cha mẹ, bạn hữu của mình đầu thai ở kiếp này nên khuyên chỉ ăn thực vật. Người theo đạo Thiên Chúa lại được quyền ăn mọi thứ sinh vật và thực vật trên trái đất theo lời Chúa dạy (x. St 1,28-29).

590    03-05-2019