Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Não trạng cục bộ và nỗi sợ: Bất xứng với Kitô giáo

 

 

Trong quyển sách mới nhất, bao gồm một loạt bài tiểu luận của mình, với tựa đề “Khi tôi còn nhỏ, tôi đọc sách”, Marilynne Robinson có viết một bài tựa đề là “Tình yêu cao vời.” Bà khởi đầu bài đó với tự thuật nói lên niềm tin Kitô hữu thâm sâu và lâu bền, cùng với nỗi băn khoăn và kinh hãi ngày càng sâu sắc về mầu nhiệm Thiên Chúa. Một vài nỗi sợ mà bà nhắc tới có liên quan đến những hiện thực thời nay trong nhiều giáo hội và nơi nhiều người trong chúng ta, cụ thể là những hình thức mới của vấn đề cục bộ và nỗi sợ đang làm xuống cấp, biến Thiên Chúa cao vời của chúng ta thành một “Thần Linh riêng” hay một kiểu “thần Baal địa phương” của riêng chúng ta mà thôi.

Bà xác nhận một thực tế, chúng ta quá thường xuyên khẩn cầu Thiên Chúa của mọi nước, mọi nhà, và mọi người, như thể là một Thiên Chúa của riêng nước chúng ta, nhà chúng ta, và mỗi người chúng ta. Bà trích dẫn ra nhiều ví dụ về điều này, bao gồm việc bà thấy buồn lòng khi các Kitô hữu chân thành lại không chịu thừa nhận sự chân chính nơi người khác. Bà viết, “Tôi phải thừa nhận rằng những người không đồng tình với quan điểm Kitô giáo của, họ vẫn là những Kitô hữu, rằng chúng ta là những thành viên trong cùng một mái nhà chung. Tôi thú nhận, đã biết bao nhiêu lần tôi thấy thật khó khăn để làm được như vậy. Trở ngại này, một phần phát xuất từ một thực tế là tôi có đủ lý do để tin rằng họ sẽ không hành xử rộng lượng như thế đối với tôi.” Bà đã nói đúng, một quan điểm như thế không xứng đáng với Thiên Chúa, với tinh thần Kitô, và với những gì tốt nhất trong chúng ta. Thực sự, nhận thức của chúng ta không đến nỗi như thế, nhưng chúng ta thường không hành động theo đó, và rồi chúng ta đáng được chỉ mặt đặt tên theo cái mà Freud gọi là “chủ nghĩa vị kỷ từ những khác biệt nhỏ.”

Và gốc rễ của điều này chính là nỗi sợ, sợ nhiều chuyện. Một trong những nỗi sợ này là sợ thế giới thế tục hóa, và cảm nhận này đã đẩy chúng ta quá thiên về những gì thuộc di sản Giáo hội và các giá trị đạo đức của mình. Tôi trích ra đây lời của bà Robinson: “Những người này thấy chủ nghĩa thế tục như xồng xộc đến để đẩy tôn giáo ra ngoài rìa, hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn, và vì tinh thần Kitô, họ muốn các chính khách nói lên những lời tuyên xưng đức tin, muốn các thương gia, vào những ngày lễ, treo các biểu ngữ nói chính xác đó là lễ gì chứ không đơn giản viết loa qua “Mừng lễ.”

Tuy nhiên, bà Robinson không tin tưởng vào việc viện đến các chính khách để bảo vệ Kitô giáo. Tại sao ư? Bởi vì “trong thời sơ khai của mình, đất nước này (Hoa Kỳ) tràn ngập dân cư là những người trốn tránh sự bách hại về tôn giáo của các giáo hội quyền thế, cho dù đó là phái Tin Lành Pháp quốc, Giáo hội Trưởng lão của Scotland, phái Giáo đoàn ở Anh quốc, hay giáo hội Anh giáo.” Bà còn nói thêm, “Bởi các anh hùng trong đạo của tôi thường hay chết đau đớn dưới các chế độ đó. Tôi không luyến tiếc gì cái thế giới thời chưa thế tục hóa này, những người ủng hộ một ‘quốc gia Kitô giáo’, nếu như biết nhìn lại đôi chút về lịch sử truyền thống của chính họ, thì hẳn cũng sẽ làm như tôi vậy.”

Bà cho rằng, việc chúng ta sợ sự thế tục hóa, có điều gì đó thật mỉa mai vô cùng: Chúng ta sợ sự thế tục hóa bởi vì chúng ta, thực sự đã chủ quan hóa định kiến to lớn chống lại Kitô giáo, cụ thể, là chúng ta tin rằng đức tin và Kitô giáo không thể chống lại nổi sự dò xét của một nền văn hóa tri thức đã được tinh vi hóa. Và nỗi sợ đó là gốc rễ của chủ nghĩa bài tri thức, vốn đang nổi bật trong nhiều nhóm tôn giáo và giáo hội hiện nay. Bao nhiêu phần trong nỗi lo sợ cho Kitô giáo của chúng ta có thể là do thành kiến này? Tại sao chúng ta quá sợ hãi thế giới của mình và sợ cả tri thức thế tục hóa nữa?

Bà Robinson khẳng định rằng, nỗi sợ này sản sinh ra một tư tưởng đối kháng không xứng với Kitô giáo. Nỗi sợ và tâm thức đối kháng đang thành một xu thế lấn át trong các nhóm tôn giáo hiện nay, và lại còn được xem như là dấu chỉ của đức tin và trung tín. Như thế là lành mạnh ư? Không. Không sợ cũng không đối kháng, bà cho rằng “là Kitô hữu, một suy nghĩ nhỏ như thế này cũng không có, một hành động loại này cũng không có, như thế mới xứng đáng là người Kitô.” Hơn nữa, “nếu niềm tin vào Chúa Kitô là điều cần thiết để đạt đến sự sống đời đời, thì tất cả những ai gọi mình là Kitô hữu, hay bất kỳ tổ chức nào tự gọi mình là giáo hội, đều phải làm vẻ vang cho đức tin, hay ít nhất là đừng làm đức tin bị khó dễ hay bị người ta ghét bỏ. Biến Thiên Chúa thành một thần linh riêng, hay một kiểu thần Baal địa phương, là một hành động phá hoại và đáng hổ thẹn.”

Bà thêm rằng, sợ hãi và đối kháng chẳng làm được gì để người ta tôn trọng Kitô giáo và các giáo hội của chúng ta, và với chừng mực mà chúng ta gắn kết chúng với Kitô giáo, thì chúng ta có nguy cơ bôi xấu Kitô giáo dưới mắt người đời. Nhưng trong bầu khí thời nay, ai nói như vậy bị xem là người không yêu đạo. Chúng ta không phải quan tâm xem thế gian nghĩ gì. Nhưng đó là thế giới mà chúng ta cố gắng biến đổi nó. Và vì thế, chúng ta cần phải cẩn trọng để không trình bày Kitô giáo như một thứ vô phẩm cách, bài ngoại, một thứ không xứng đáng với Thiên Chúa cao vời toàn hữu của chúng ta.

Nếu như chúng ta tin rằng Kitô giáo là sự thật thâm sâu nhất và tin rằng Chúa Kitô sẽ ở với chúng ta đến ngày tận thế, thì tại làm sao chúng ta lại sợ hãi như thế? Câu cuối cùng trong bài của bà tóm gọn lại thách thức mà ngày nay chúng ta cần phải cấp thiết nắm lấy. “Kitô giáo là một trình thuật quá lớn lao không thể hạ giá mà đem phục vụ cho những ý muốn hạn hẹp hay bị hạn chế thành lệ thuộc trong những câu chuyện thấp kém hơn. Đặc biệt, lòng sùng kính không được bị hạ thấp thành não trạng cục bộ, bực bội hay sợ sệt.”

J.B. Thái Hòa dịch

815    04-01-2018