Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Nên hoàn thiện

18/06/2019

Thứ Ba Tuần XI Mùa Thường Niên 

Mt 5, 43-48

NÊN HOÀN THIỆN

          “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.” (c.48) Thiên Chúa là Tình yêu. Càng có khả năng yêu bao nhiêu chúng ta càng giống Chúa bấy nhiêu. Có ai cao cả bằng Thiên Chúa? Có ai uy quyền mạnh mẽ bằng Thiên Chúa? Có ai tốt lành thánh thiện bằng Thiên Chúa? Có ai diễm lệ bằng Thiên Chúa?... Vì người là Chân-Thiện-Mỹ. Nhưng tất cả sự cao cả, sức mạnh, uy quyền, thánh thiện, vinh quang hoàn hảo của Người được thể hiện trong tình yêu của Người. Vì vậy mà giá trị một con người không được đo bằng tài cao đức trọng, nhưng là bằng mức độ tình yêu người ấy thể hiện trong cuộc sống. Do đó mà càng yêu thương bao nhiêu, người ta càng trở nên giống Chúa bấy nhiêu, và đó mới là điều đáng kể.

          Đức Giêsu đến trần gian làm con người là để giúp con người lại được làm con Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới, con người tốt đẹp, hoàn hảo. Người đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Người. ‘Con nhà tông thì không giống lông cũng giống cánh’; giống Thiên Chúa, con người có hồn thiêng bất tử, có trí tuệ, tự do, có khả năng sáng tạo, làm chủ và đặc biệt là khả năng yêu thương; nhưng bởi mưu ma, chước độc của tà thần đã làm con người đánh mất hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình khiến họ trở nên xấu xa độc ác, ích kỷ và phải gánh lấy khổ đau vì chính sự xấu xa đó.

          Tuy nhiên, nhờ Đức Giêsu Kitô và tình thương cứu độ của người, con người lại được phục hồi nhân phẩm và được làm con Thiên Chúa. Ta thấy giáo huấn yêu thương của Đức Giêsu có giá trị vượt trội và mời gọi con người hướng lòng lên cao vượt qua mọi xúc cảm bình thường để có thể yêu như Chúa yêu. Chúa cho con người được làm con Chúa nhưng không miễn cho con người phải nỗ lực, cố gắng cộng tác với ơn của Người để “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (c. 48) - Ðấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (c.15).

          Phần lớn chúng ta cho rằng giáo huấn “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (c.44) của Chúa sao khó quá; đòi hỏi của Người dường như bất khả thi. Yêu thương những người thân thuộc, những người dễ thương, những kẻ làm ơn cho mình, những người yêu mình, tán tụng mình… xem ra còn có thể thực hiện được. Nhưng yêu thương những kẻ không dễ thương, những kẻ tự dưng mình không có thiện cảm, những kẻ không có thiện cảm với mình… thấy đã khó, huống hồ là kẻ thù mình, kẻ ngược đãi bách hại mình thì làm sao mà yêu cho nổi.

          Có lẽ chúng ta đã từng có lần nảy sinh tình cảm báo thù, cầu cho kẻ hại mình gặp phải rủi ro hoặc xin cho ‘trời tru đất diệt nó đi’. Và rất thường, chúng ta hay thích chửi rủa những kẻ mình cho là xấu xa, gian ác mà không bao giờ nhớ đến là mình cần phải cầu nguyện cho họ. Thật chúng ta đã sống và hành xử quá xa tinh thần Kitô giáo, tinh thần của Đức Giêsu thầy chúng ta; Đức Giêsu đã dạy chúng ta và chính Ngài đã là tấm gương cho chúng ta; Ngài đã cầu xin, bào chữa cho những kẻ sỉ nhục Ngài, hành khổ Ngài, lên án Ngài và giết Ngài bằng cái chết thập giá; Ngài đã sống đúng tư cách là con Thiên Chúa – Người con vẹn toàn mà Chúa Cha yêu thích và truyền cho chúng ta phải “vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Nói khác đi, sống đúng tinh thần là con Thiên Chúa, chúng ta sẽ không có kẻ thù. Bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta là một; đặc biệt trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta là chi thể của nhau nên mọi người đều là con cha trên trời, được cha yêu thương và mời gọi thông dự hạnh phúc bất diệt với Người.       

          Có người lại biện luận rằng chỉ có Đức Giê-su mới thực hiện được tình yêu vô vị lợi kia bởi vì Ngài là Thiên Chúa; còn tôi, tôi là người chứ không phải là Thiên Chúa – tôi không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người – Đức Giêsu Kitô – để nơi Người, con người chúng ta được làm Chúa. Như vậy, tự sức con người, chúng ta không thể trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa được, nhưng trong Đức Giêsu Kitô, nhờ ân sủng của Người, chúng ta sẽ thực hiện được.

          Do đó, càng kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô bao nhiêu, chúng ta càng có khả năng giống Chúa bấy nhiêu. Như cành nho gắn liền với thân nho và đơm bông kết trái: Lời Chúa, Thánh Thể, việc cầu nguyện sẽ giúp cho sức sống của Đức Kitô – Thiên Chúa – luân chuyển trong ta và làm cho ta nên “hoàn thiện như Cha trên trời”. Chính đời sống của các thánh đã là những tấm gương cho chúng ta; Các ngài đã gắn bó cuộc đời với Đức Kitô nên đã trở thành những chứng nhân sống động về việc thực hiện giáo huấn của Người - đã làm được những điều mà chúng ta coi là không thể làm được: như Mắcximilianô Maria Kônbê chết thay cho người tù, Catarina siêna hút máu mủ cho kẻ vu khống mình, Gio-an Phaolô II nói lời tha thứ và cầu nguyện cho kẻ ám sát mình…. Vì vậy mà điều đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa đều có thể.

          Tâm tình của Chúa "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”. Một đòi hỏi vô lý, hay quá đáng chăng? Thiên Chúa có lý của Ngài mà ta không hiểu hết. Nhưng Ngài có đòi hỏi gì, cũng chỉ vì yêu chúng ta, yêu con người mà thôi. Xin Chúa giúp chúng con can đảm đón nhận, và cố gắng đáp trả.

          Thiên Chúa không thể xử "ăn miếng trả miếng” như con người, vì Ngài là Tình Yêu. Một bông hoa ta làm giập nát, vẫn tỏa hương thơm. Một trái cây ta đâm chém, vẫn chảy mật ngọt. Vì bản chất của hoa, của trái là cho đời hương thơm, mật ngọt. Chúa đòi chúng ta "hãy yêu kẻ thù”, một đòi hỏi quyết định, để thành dấu phân biệt giữa người "ngoại và người có đạo”.

          Thiên Chúa là Đấng nhân từ, yêu thương quảng đại, “Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt”. Là con cái của Chúa chúng ta hãy thực thi như vậy, để qua cuộc sống với những thể hiện yêu thương, chúng ta biến kẻ thù thành bạn và làm cho tình yêu của Thiên Chúa nên dấu chỉ rõ ràng bằng hành động sống. Hơn nữa, yêu kẻ thù vì kẻ thù cũng là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa.

          Như thế, Thiên Chúa yêu thương tội nhân, trong đó có mỗi người chúng ta. Yêu thương đến hy sinh Con Một để chết thay cho họ, thì tình yêu tha nhân của mỗi tín hữu phải vượt quá luật tự nhiên, đạt tới sự trọn hảo như Chúa muốn là nhìn thấy nơi mọi người hình anh người anh chị em mà Chúa yêu thương.

478    17-06-2019