Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Ngẫm sự đời

hhhh1

Vào một ngày mưa buồn của tháng mười, bầu không khí thật ảm đạm, mọi việc bị đình trệ, mọi người không ai muốn bước ra khỏi nhà của mình. Nhưng đó lại là một ngày thật ý nghĩa với tôi, bởi vì tôi có thời giờ để nhìn lại các công việc từ thiện bác ái của mình, đặc biệt là việc đến với những người nghèo.

Tự dưng tôi chợt nhớ câu nói của Chúa Giêsu trong Tin mừng Gioan: “người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12,8).

Chính câu nói này, đôi khi làm cho tôi có cái nhìn bi quan và thiển cận trong việc đến với và giúp đỡ những người nghèo. Với lại, có những con người và những sự kiện xảy ra trước mắt khiến tôi ngại tiếp xúc hoặc đến với họ, vì biết chắc rằng, khi gặp gỡ, họ sẽ xin hoặc nhờ vả tôi một điều gì đó. Và thật thất vọng hơn nữa, khi xong việc tôi mới nhận ra rằng, người ta đang lợi dụng lòng tốt của mình.

Chẳng hạn, có lần tôi đi thăm những người già trong họ đạo, khi ngang qua khu chợ, tôi chợt thấy một anh thanh niên đang bị co giật. Anh ta ngã vào vũng nước rất dơ, trông thấy thật tội nghiệp. Mọi người giúp đỡ anh ta đứng dậy và vệ sinh sạch sẽ. Để ý, tôi thấy trước ngực anh ta có đeo một tấm bảng ghi:  “hãy nhỏ chanh vào miệng và mắt tôi”. Làm theo chỉ dẫn. Và quả thật, chút xíu anh ta tỉnh lại. Kể từ đó, người ta bắt đầu cho anh ta rất nhiều tiền.

Tôi tiếp tục công việc, đến trưa khi trở về trên một đoạn đường khác, tôi thật sự không thể tin vào mắt mình; cái người hồi sáng té vào vũng nước dơ bẩn, giờ đứng bên vệ đường thay bộ đồ sạch đẹp, anh ta đi với một người khác vào một nơi sang trọng. Tôi tự hỏi : tại sao người ta lại dùng thủ đoạn hèn hạ như vậy để lợi dụng lòng tốt của mọi người? Thất vọng!

Hoặc giống trong lần kia, khi đã xong nhà tình thương cho một gia đình nọ; thay vì tôi vui với việc làm của mình và mừng với gia  đình họ; tôi lại bị suy nghĩ tiêu cực và buồn vì phản hồi của những người chung quanh : cha có biết đây là ngôi nhà tình thương thứ hai mà gia đình này có được không, họ đang lợi dụng cha đó.

Vậy đó, có những người nghèo, họ sẵn sàng chấp nhận sự hèn hạ để có được điều mình muốn. Họ đã làm tôi nản chí.

Tuy nhiên, bên cạnh cũng có những người nghèo thật đáng thương, đáng nể phục.

Tôi không thể tưởng tượng được một bà lão trên 70 tuổi lại sống trong một căn nhà tồi tàn giữa ruộng muối mặn, thiếu thốn tư bề, không ai chăm sóc. Khi đến thăm, tôi đề nghị làm cho bà một ngôi nhà tình thương để che nắng trú mưa. Thật ngạc nhiên, bà trả lời tôi rằng, cha lấy đó mà giúp đỡ cho những người khác, con sống nay chết mai, không cần nhà. Nghèo nhưng luôn biết nghĩ đển người khác. Thật nể phục.

Và đôi khi tôi phải nể phục hơn vì những “người nghèo mà còn mắc cái eo”, nhưng họ luôn biết chấp nhận thân phận của mình, không than van, oán trách, chẳng muốn nhờ vả ai, ngoài việc tự mình chống chọi với những nghịch cảnh.

Đây là một hoàn cảnh đáng thương mà tôi gặp phải, chính họ khiến tôi suy nghĩ hoài : không biết khi nào gia đình họ mới vượt qua được kiếp khổ này?

Cha ơi, cho con xin Rửa tội cho đứa con nhỏ, nó gần 3 tuổi rồi! Tôi nói : chiều Chúa nhật tuần sau anh chị dẫn đứa bé vô tôi rửa tội cho; mà sao lâu quá tôi ít gặp anh chị đi nhà thờ? Thưa cha, vì hoàn cảnh gia đình con khó khăn quá ạ. Chẳng giấu gì cha, con ở xa nhà thờ, đứa con trai lớn lớp 8 con cho nghỉ học rồi; nghỉ để phụ với chúng con đi mò cua bắt ốc, xuống rừng lượm củi, đi soi nhái vào ban đêm, ... ai mướn gì làm nấy, miễn sao có của ăn là được; đứa con gái này hơn 10 tuổi rồi nè, cháu vừa câm vừa điếc khổ lằm cha; còn thằng út này hôm nay con xin được rửa tội nè.

Tôi hỏi tiếp: thế có ai giúp gia đình anh chị và cháu gái nhỏ này không? Dạ, chúng con không dám và cũng không biết phải nhờ vả ai cả! Với lại, chúng con nghe người ta nói, đi trị bệnh và học trường câm điếc tốn nhiều tiền lắm, chúng con không có khả năng nên đành buông xuôi cho số phận vậy.

Như thế này nhe, anh chị cố gắng đi lễ cầu nguyện xin Chúa giúp, biết đâu theo thời gian, với ơn Chúa, sẽ có những ân nhân biết được và giúp gia đình anh chị và cháu bé này chăng!

Vậy đó, có những hoàn cảnh thật đáng thương, đã “nghèo mà còn mắc cái eo” nữa, không biết sự nghèo này sẽ kéo dài đến lúc nào và sẽ kết thúc ra sao nữa. Đúng là thật thấm thía với câu nói của Thầy chí thánh “người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có”.

Khi nghiền nhẫm những sự ấy tôi mới nhận ra rằng, sự bi quan, suy nghĩ thiển cận, ngại đến với người nghèo, đó là suy nghĩ rất chủ quan của tôi. Chính những suy nghĩ này có thể là rất sai với cái nhìn của Chúa, vì Chúa luôn đến với và chịu khổ vì những người nghèo. Cũng những suy nghĩ này có lẽ nó không đúng với sứ mệnh của người làm công việc bác ái tông đồ, vì bác ái là yêu thương hết mọi người mọi vật.

Nên thiết tưởng, tôi phải quyết tâm vượt qua sự chủ quan của mình để đến với những người nghèo thường xuyên hơn nữa nhằm, có thể giúp họ thắng được sự “nghèo hèn” của họ.

Caritas Vĩnh long

436    24-10-2023