Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

"Nghề" Linh mục

Người ta vẫn thường nói linh mục là một “nghề” thiêng liêng và cao quý. “Nghề” linh mục không phải ai thi cũng được và ai làm cũng xong nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa tuyển chọn và đóng ấn bằng dấu thiêng liêng không thể phai nhoà mới được “làm” nghề này. Tuy nhiên, nói như vậy không phải các ngài là những con người đã trở nên hoàn thiện.

“Nghề” linh mục không được tính theo công năng sản xuất cũng không phải tính bằng số lượng sản phẩm lại càng không theo kiểu buôn lời bán lãi. Các ngài là những người đại diện Thiên Chúa trao ban các bí tích để cho con người được ơn cứu rỗi. Các ngài là mối giao hoà và là trung gian chuyển trao ơn Chúa đến cho tha nhân đồng thời đại diện cho dân dâng của lễ lên Thiên Chúa. Các ngài là khí cụ đặc biệt đảm nhận vai trò quan trọng trong bản giao hưởng của Thiên Chúa. Các ngài được đào luyện để “chơi những nhạc cụ đặc biệt” nhằm thu hút các linh hồn, nhất là những linh hồn khô khan, nguội lạnh hay còn đang vất vưởng nơi chốn tối tăm của tội lỗi.

Linh mục là người môn đệ của Đức Kitô được mời gọi “sao y bản chính” cùng với những vui buồn mà Thầy Chí Thánh đã phải trải qua trong suốt 3 năm rao giảng Nước Trời cho nhân thế. Vậy nên, khi gặp những đau thương tột cùng của sứ vụ mục tử hay những hiểm nguy trên đường truyền giáo các ngài cũng không chùn bước. Không phải lúc nào các ngài cũng sống trong hương vị của ngày đầu thụ phong với những lời chúc khen hay tán thưởng nhưng các ngài cũng phải đón nhận cả những lời trách móc và những hiểu lầm nữa. Và không phải lúc nào các ngài cũng được ôm những bó hoa đẹp ngát hương thơm hay những tặng phẩm như ngày thụ phong nhưng các ngài còn phải ôm lấy những gai góc của phận người với bao nỗi u buồn và cô đơn. Sống giữa thế gian mà không được thuộc về thế gian là đặc nét riêng nhưng cũng là một thách đố không nhỏ của người thánh hiến nói chung và của các linh mục nói riêng.

Cuộc đời người linh mục tựa như cây đèn cầy sẵn sàng chịu sức nóng của ngọn lửa, chịu tan chảy, chịu hao mòn chỉ với một mục đích duy nhất là thắp sáng đức tin cho anh chị em tín hữu, cho đàn chiên bé nhỏ mà các ngài được trao trọng trách coi sóc và bảo vệ. Và ngay trong những biến cố thường ngày của đời sống cơm áo gạo tiền các ngài cũng không ngần ngại đưa đôi vai của mình ra đỡ lấy gánh nặng của mọi người. Thân thiện và gẫn gũi như những người cha với các con cái mình. Hình bóng của người mục tử nhân lành ẩn sâu trong con người của mỗi linh mục. Tuy rằng sẽ có những buổi chiều se lạnh với nỗi đơn côi và cả những mệt mỏi nhưng các ngài vẫn không quản ngại đến với những hối nhân đang cần lòng thương xót của Chúa. Tuy rằng có những đêm đông buốt giá, thân xác rã rời nhưng hễ ai cần xức dầu là các ngài cũng sẵn sàng bung chăn chạy đến ban bí tích sau cùng cho họ. Tất cả những việc làm đó và nhiều công việc khác nữa được các ngài làm không chỉ vì trách nhiệm nhưng còn là tình yêu và ước nguyện dựng xây Nước Chúa.

Lý tưởng dựng xây Nước Chúa của người linh mục không chỉ được thực hiện khi sức khoẻ còn nhiều, đôi chân còn nhanh, đôi mắt vẫn tinh anh nhưng ngay cả khi tuổi đã xế, sức khoẻ yếu dần, các ngài vẫn muốn “làm nốt” mong ước của mình qua những khả năng và ơn riêng Chúa ban. Nhìn khuôn mặt đầy nhiệt huyết nhưng có mấy ai hiểu được “tuổi xuân của đời linh mục” các ngài đã phải trải qua biết bao gian khó. Nào là những gian nan của ngày thụ phong “chui”, làm lễ “chui” và cả những ngày sống trong lao tù. Nào là đồ ăn không có, nước uống cũng không, bệnh tật thì nhiều mà thuốc men lại thiếu. Biết bao di chứng của bệnh tật năm xưa vẫn còn lại trong thân xác già yếu của những vị linh mục cao niên này. Tuy nhiên, với ơn Chúa và trong ơn Chúa các ngài vẫn thực thi sứ vụ của người mục tử bằng cả trái tim và tấm lòng thương mến.

Cho dù người linh mục được gọi với bất kể danh xưng nào đi nữa “cha”, “ông cố”, “ông ngoại”, “người của công chúng” hay “những người ưu tú nhất” bằng cả lòng quý trọng, tin tưởng, kỳ vọng của mọi người. Thế nhưng, các ngài cũng chỉ là những con người yếu hèn, khiếm khuyết như “đồ quý để trong bình sành dễ vỡ”. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần cầu nguyện thật nhiều cho các ngài và cộng tác với các ngài để Giáo hội ngày một vững mạnh và hiệp nhất.

Tác giả bài viết: TRẦN TRẦN, FMSR.
1176    18-10-2021