Sidebar

Chúa Nhật

10.11.2024

Nghe và lờ

Chúa nhật tuần XXVI

Mt 21,28-32

NGHE VÀ LỜ !

          Chúng ta biết: từ tư tưởng đến lời nói và tới việc làm là cả một đường dài xa xăm. Thực vậy, một khuôn vàng thước ngọc, dù có hay mấy mà không đem ra thực hành thì cũng là không hay và vô ích. Cũng thế, có tư tưởng hay mà không đem thực hành thì cũng như một bông hoa không bao giờ kết trái. Chúng ta vẫn nói: "Ăn vóc học hay": ăn để mà học, học để mà biết, biết để mà làm. Không biết thì không thể làm gì được, chỉ còn biết đứng dựa cột mà nghe. Nhưng biết mà không làm thì lấy gì minh chứng cho sự hiểu biết ấy? Biết mà không làm thì giống như người đầy tớ đem chôn nén bạc và bị xét xử.

          Và hơn thế nữa, ta thấy rằng biết mà lại cứ làm sai thì càng bị xét xử nặng hơn. Cho nên, đã biết thì làm, cả hai đi song song nhau, hỗ trợ nhau, thì mới hữu dụng, hữu ích. Nhưng thực tế, trong xã hội, chúng ta thấy có những người biết mà không làm, hoặc nói thì rất hay nhưng lại không chịu làm.

          Ý tưởng của Chúa Giêsu trong trích đoạn Tin Mừng Mt 21,28-32 mà chúng ta vừa nghe tiếp nối hình ảnh vườn nho, nghĩa là nước trời, Chúa Giêsu muốn giới thiệu cho nhân loại. Câu chuyện thánh Matthêô tường thuật có tính cách dí dỏm, thú vị, giúp mọi người hiểu được ý Chúa muốn nói. Người Cha trong trích đoạn Mt 21, 28-32 là Thiên Chúa nhân từ, giàu lòng thương xót, luôn chạnh lòng xót thương đối với con người, nhất là những con người tội lỗi, yếu đuối. Người cha một hôm nói với đứa con cả: "Con ơi, nay ra làm vườn nho giúp cha nhé". Đây không phải là một lệnh truyền,một lời bắt buộc, nhưng chỉ là một lời mời gọi.

          Thái độ của hai người con cũng trái ngược nhau một cách đặc biệt. Hình ảnh hai người con có lẽ đã diễn tả được tính chất mâu thuẫn của hai quan niệm biết Chúa và sống đạo.

          Trong hai người con, người được coi là đã thực thi ý định của cha không phải là người đã mau mắn trả lời vâng trước lệnh truyền của cha, nhưng trong hành động thì lại không làm. Mà chính là người tuy đã trả lời không, nhưng trong thực tế lại đi làm điều người cha truyền dạy.

          Người con thứ nhất khẳng định tự do của mình bằng tiếng không với cha anh. Nhưng sau đó, anh đã suy nghĩ lại và đã quy thuận, đặt tự do của mình phục vụ lợi ích chung của gia đình qua việc thi hành ý muốn của cha. Có một sự giằng co trong chọn lựa của anh. Để thực thi ý muốn của cha, anh đã phải can đảm từ bỏ cách sử dụng tự do theo tính tự phát của cái tôi ích kỷ, của những sở thích, những dục vọng đi ngược lại với hạnh phúc chung của gia đình xã hội.

          Trái lại người con thứ hai từ đầu đến cuối đã tỏ ra bất nhất, vô trách nhiệm đối với ích lợi chung và chỉ biết có mình. Câu trả lời của anh ta: Thưa cha vâng, thật ra chỉ là một câu nói hình thức, dửng dưng, máy móc nhằm mục đích đánh lừa người cha. Anh ta không yêu mến cha mình và do đó cũng tỏ rõ mình là người ích kỷ, không thể yêu thương bất cứ một ai khác. Vì tình yêu không ở trong những điệu bộ khách sáo, đầu môi chót lưỡi mà phải đi vào hành động đi vào việc làm.

          Trong thực tế, phần đông chúng ta đều cảm thấy khó mà thực thi ý Chúa bởi vì nó ngược với sở thích vị kỷ cá nhân của mình. Thái độ tránh né vốn là thái độ thường tình, nhất là khi gặp phải khổ đau và thử tháchy. Phải chấp nhận sự trăn trở, giằng co, chiến đấu với bản thân rồi mới nhìn ra thánh ý Chúa và can đảm thực hành. Giá trị cuộc đời chúng ta chủ yếu là nhờ sự phản tỉnh và quay trở lại cùng Chúa.

          Rất có thể khi nghe biết được lời mời gọi ấy, chúng ta đã mau mắn xin vâng, nhưng rồi sau đó lại chẳng hề làm điều Chúa truyền dạy. Chúng ta chỉ nói mà không làm, chỉ ước muôn mà không dám chấp nhận mạo hiểm và dấn thân. Đó là trường hợp của người con thứ trong dụ ngôn, tượng trưng cho các thượng tế và kỳ mục.

          Cũng có thể là khi nghe biết được lời mời gọi của Chúa, chúng ta đã từ chối, nhưng rồi sau đó chúng ta hối hận, nên đã đi làm. Đó là trường hợp của người con trưởng, tượng trưng cho những kẻ thu thuế và gái điếm.

          Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy còn đầy dẫy những chuyện bê bối, tiêu cực, chẳng hạn, vấn đề tham nhũng, trộm cắp và những tội phạm hình sự. Có lúc ở rất gần chúng ta, ngay bên trong giáo xứ và biết đâu, ngay bên trong bản thân chúng ta. Thử hỏi chúng ta phải làm gì? khoanh tay lên án theo kiểu Pharisêu hay kiên trì hành động, làm cho tình trạng nói không với Chúa, trở thành tình trạng nói có với Chúa, bằng một lòng xác tín vào tình thương tha thứ của Ngài. Bởi vì Ngài luôn luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta biết sám hối quay trở về với Ngài.

          Con người chúng ta có thể thay đổi từ "vâng" sang "không" và từ "không" sang "vâng". Vì thế, cả hai người con trong dụ ngôn này đều có thể là bài học cho chúng ta: nếu chúng ta giống người con thứ nhất đã lỡ nói "không" với Chúa bấy lâu nay thì bây giờ chúng ta có thể nói lại "xin vâng"; còn nếu chúng ta giống người con thứ hai đã thưa "xin vâng" thì đừng để cho mình bị thay đổi mà sửa lại thành "không".

          Cạnh đó, ta thấy con người có thể thay đổi. Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.

          Dụ ngôn cho chúng ta thấy trở ngại lớn nhất trên đường vào Nước Trời không phải là tội lỗi mà là sự ngủ mê giữa những tiêu chuẩn đạo đức được chúng ta dựng nên, sự sợ hãi phải đặt lại vấn đề những cái đã là chúng ta đã xác tín. Tuy nhiên, có đặt lại vấn đề như thế, chúng ta mới nhận biết được thánh ý Chúa và mới đi đúng con đường Chúa muốn chúng ta đi.

          Ta có thể như người con nghe mau lắm nhưng đến khi thực hành lại lơ. Lơ vì phú quý của thế gian, của vinh quang và tiền bạc quyến rũ. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để mỗi người chúng ta luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc đời.

691    26-09-2020