Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Nghĩ về chuyện đánh và... phạt tiền

 

Ngày trước đi học, tôi không thích những thầy cô giáo chỉ đánh mà không dạy. Thí dụ làm toán sai, bà giáo không đưa hai bàn tay ra dạy đếm mà cứ tát túi bụi vào mặt học trò, vừa tát vừa mắng. Sau này trở thành giáo viên, tôi càng phản đối cách này, tuy nhiên kinh nghiệm trong nghề đã cho tôi nhận ra rằng với học sinh thì phải có hình phạt mới dạy được, nhất là các em cấp II. Bởi ở lứa tuổi này, nhiều em bắt đầu mơ mộng và lười học. Có khi chỉ vài cái khẻ tay, các em sợ mà về nhà học bài, làm bài nghiêm túc.

Sau này, chỉ vì những cái khẻ tay từ cây thước nhựa mà phụ huynh vào trường “quậy” lên, riết giáo viên không dám “đụng” đến học sinh nữa và hậu quả “em nào học thì học, không thì thôi”. Bất cứ ai lưu tâm đến giáo dục nước nhà và chú tâm đến tư cách, thái độ của thế hệ trẻ sẽ thấy hệ quả của phương pháp giáo dục “thầy không được đánh mắng học trò” như hiện nay.

Không được đánh mắng thì phải làm sao để học sinh học hành nghiêm túc? Tôi cũng từng dùng cách “phạt tiền” những em học sinh nói chuyện trong giờ học và bị ghi tên trên bảng, những học sinh không làm bài tập, không thuộc bài…Tiền phạt được đưa vào quỹ lớp để cuối năm liên hoan hoặc mua quà tặng những cụ già trong các mái ấm. Thế nhưng, tôi thật ngỡ ngàng khi nhiều học sinh thoải mái nói chuyện trong lớp, cứ ù lì không học bài, không làm bài và thật hào phóng “móc túi” đóng phạt một cách vui vẻ. Chỉ một tháng, tôi bỏ ngay cách phạt đó. Nhất là với học sinh cấp III, cách đóng phạt như để “phô trương” sức mạnh kinh tế trước mắt bạn bè, đặc biệt là bạn khác phái…

Ở các nước phương Tây, cách giáo dục từ gia đình dạy trẻ biết chủ động trong sinh hoạt, ý thức làm việc và học tập. Vào trường cứ nền nếp ấy mà phát huy và không cần dùng đến roi vọt. Trong khi nhiều gia đình Việt Nam, con cái là những “ông bà trời con”, không ai dám động đến. Vào lớp thầy cô cũng không dám nói nặng chứ đừng nói đến đánh đòn, la mắng… Vì vậy, dễ hiểu thế hệ trẻ hiện nay, một va quẹt ngoài đường cũng gây nên án mạng! Tại sao? Do cái “tôi” của họ quá lớn, không chấp nhận kẻ khác “xúc phạm” đến mình.

Chuyện giáo dục bằng lời hay bằng roi là một đề tài dài. Đã là giáo viên về hưu, tôi không còn trách nhiệm với các thế hệ học sinh nữa, song cứ không khỏi suy nghĩ về câu nói của người xưa: “Sai lầm trong giáo dục là hư cả một thế hệ”.

NGUYỄN NGỌC HÀ

1419    06-09-2017