Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Ngôi sao Bêlem: lịch sử hay mầu nhiệm?

rodionkutsaievoq0zp6as2diunsplash660x350
 Ảnh bởi Rodion Kutsaiev trên Unsplash


Triết gia người Đức, Immanuel Kant, nhận xét rằng có hai điều khiến ông hoàn toàn thích thú: quy luật luân lý bên trong [tôi] và bầu trời đầy sao phía trên [tôi]. Đạo đức học nghiên cứu quy luật luân lý và thiên văn học xem xét bầu trời. Tuy nhiên, kiến thức thu được từ hai hướng đi này vẫn còn nhiều điều cần hiểu biết. Chúng đã bắt đầu tạo được chỗ đứng vững chắc nhờ lý trí, nhưng chẳng lâu sau chúng sẽ lại bước vào lãnh vực của sự mầu nhiệm. Làm thế nào để sự hòa hợp có thể lan tỏa 
được vào hai lãnh vực rất khác biệt nhau đến như vậy? Đúng là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, chính Người vẫn là một mầu nhiệm.

Câu chuyện hấp dẫn nhất liên quan đến “bầu trời đầy sao” là câu chuyện chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu - chương 2 về các đạo sĩ đã đi theo một ngôi sao để dẫn họ đến Bêlem và đến với Hài Nhi mới sinh, “Vua dân Do Thái”. Câu chuyện được yêu thích và nổi tiếng trong gần 2.000 mùa Giáng Sinh trên khắp thế giới này có phải là một sự kiện lịch sử hay nó là một mầu nhiệm thuộc về thế giới thần thoại? Nó có được chứng thực bằng bất kỳ cách nào bởi các nhà thiên văn học qua việc đưa ra tuyên bố trên cơ sở khoa học thuần túy không? Và những nhà thiên văn học này sẽ là ai?

Friedrich Wieseler, (1811-1892), là nhà khảo cổ học cổ điển và nhà văn tự học tại Đại học Gottingen. Có vẻ như ông đã phát hiện ra một tài liệu tham khảo trong các bảng niên đại của Trung Quốc rằng vào năm 4 trước Công nguyên “một ngôi sao sáng xuất hiện và có thể nhìn thấy được trong một thời gian khá dài”. Nhà thiên văn học vĩ đại khác, Johannes Kepler (1571-1630) đã tính toán rằng vào khoảng năm 7-6 trước Công nguyên (có thể là thời điểm Chúa giáng sinh), đã có một sự giao hội của Sao Mộc, Sao Thổ và Sao Hỏa. Ông kết luận rằng sự hội tụ của các hành tinh vào thời điểm Chúa giáng sinh chắc chắn phải đi kèm với một vụ nổ siêu tân tinh. Đây là cách ông giải thích sự xuất hiện của một ngôi sao sáng trên bầu trời Bêlem theo thuật ngữ thiên văn học thuần túy.

Nhà thiên văn học xứ Vienna, Konradin Ferrary d’Occhieppo (1907-2017) đã chỉ ra rằng các nhà thiên văn học người Babylon có thể đã tính toán ra sự giao hội của Sao Mộc và Sao Thổ vào khoảng năm 7-6 trước Công Nguyên trong chòm sao Song Ngư. Bản thân D’Occhieppo khẳng định rằng ngôi sao Bêlem được tạo nên bởi sự giao hội của Sao Mộc và Sao Thổ. Theo lời của ông, trích từ cuốn Der Stern von Bethlehem, “Sao Mộc, ngôi sao của vị thần tối cao nhất của Babylon, bước vào giai đoạn sáng nhất khi nó mọc vào buổi tối cùng với Sao Thổ, đại diện vũ trụ của người Do Thái.”

Sự kết hợp tuyệt vời của Sao Mộc và Sao Thổ trong chòm sao Song Ngư vào khoảng ngày 7-9 trước Công nguyên hiện được coi là một sự thật khoa học. Đây là lịch sử chứ không phải chỉ là mầu nhiệm. Các đạo sĩ là những nhà thiên văn học và rất quen thuộc với Cựu Ước. Có lý do chính đáng để tin rằng khi quan sát cảnh tượng rực rỡ trên bầu trời, họ không chỉ hiểu được cách mơ hồ về ý nghĩa thần học của nó.

Khoa thiên văn học chỉ có thể đi xa đến thế. Câu chuyện về các đạo sĩ, để được trọn vẹn, phải bao gồm những điều gì đó được rút ra từ thần học, truyền thống, Kinh Thánh và tâm lý con người. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng biết đủ về tường thuật này để thấy những lời của Thánh Matthêu là hoàn toàn đáng tin cậy: “Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem, miền Giuđê, vào thời vua Hêrôđê, này, có mấy nhà thông thái từ phương Đông đến Giêrusalem và nói rằng ‘Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người ở phương đông và đến để thờ lạy Người.’” (Mt 2,2)

Ngôi sao Bêlem vừa thuộc về lịch sử, như các nhà thiên văn học đã chứng thực, vừa thuộc về mầu nhiệm, một điều gắn liền với nhiều biến cố mà cả khoa học lẫn lịch sử đều không thể giải thích được. Chúng ta có thể đặt ngôi sao của mình lên trên cây thông Giáng sinh và cùng các đạo sĩ vui mừng vì Giáng Sinh là ngày ra đời của một vị Vua, cũng như nhớ lại niềm vui mà ngôi sao đã mang đến cho ba nhà thông thái này: “Khi nhìn thấy ngôi sao, họ vô cùng mừng rỡ.” (Mt 2,10)


Tác giả: Tiến sĩ Donald DeMarco
* - Nguồn: Catholic Exchange (29/11/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

-----------------------------

* Tiến sĩ Donald DeMarco là Giáo sư danh dự của Đại học St. Jerome và Giáo sư trợ giảng tại Đại học Holy Apostles. Ông là tác giả của 42 cuốn sách và là cựu thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống.

237    01-12-2023