Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Nguồn gốc của Kinh Mân Côi

iss432904526660x350
Kinh Mân Côi là một trong những lời
kinh được trân trọng nhất trong Giáo Hội Công Giáo chúng ta. Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen nói, “Kinh Mân Côi là cuốn sách của những ai loà, nơi đó linh hồn họ được nhìn thấy và ở đó diễn ra bi kịch tình yêu vĩ đại nhất mà thế giới từng được biết đến; đó là cuốn sách của sự đơn , mở đường cho người tín hữu bước vào các mầu nhiệmtri thức, những điều làm thoã lòng họ hơn bất kỳ nền giáo dục nào khác của con người; đó cũng là cuốn sách của người lớn tuổi, những người với đôi mắt nhắm nghiền lại trước bóng tối của thế giới này, và mở ra với thực tại đời sau. Sức mạnh của Kinh Mân Côi vốn không gì có thể diễn tả được.

Được bắt đầu với kinh Tin kính, kinh Lạy Cha, ba kinh Kính mừng và Vinh tụng ca (“kinh Sáng Danh”), và kết thúc bằng kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina), Kinh Mân Côi bao gồm việc đọc năm chục kinh với mỗi chục gồm có một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng và một Vinh tụng ca. Trong khi đọc các kinh như thế, từng cá nhân có dịp suy niệm về các mầu nhiệm cứu độ nơi cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng như về chứng tá trung thành của Đức Mẹ. Với cuộc hành trình qua các mầu nhiệm Vui, Sáng, ThươngMừng của kinh Mân Côi, mỗi cá nhân nhớ đến cuộc nhập thể của Chúa Giêsu, sứ vụ công khai, cuộc khổ nạn và cái chết, và sự phục sinh của Người. Khi thực hành như vậy, Kinh Mân Côi giúp chúng ta tăng thêm nhận thức về những mầu nhiệm này, đồng thời kết hợp cuộc sống của chúng ta cách mật thiết hơn với Chúa Giêsu, cũng như cầu xin sự trợ giúp đầy ân sủng của Người để sống đức tin. Chúng ta cũng nài xin những lời cầu nguyện của Đức Mẹ, gương mẫu của đức tin, Đấng dẫn dắt mọi tín hữu đến với Người Con của Mẹ.

Nguồn gốc của Kinh Mân Côi tốt nhất là dừng lại ở mức sơ lược”. Việc sử dụng “chuỗi tràng hạt” và việc đọc đi đọc lại những lời kinh để hỗ trợ cho việc suy niệm bắt nguồn từ rất sớm trong Giáo Hội và thậm chí có nguồn gốc từ thời tiền Kitô giáo. Bằng chứng từ thời Trung cổ cho thấy các chuỗi tràng hạt đã được sử dụng để giúp một người đếm số lần đọc kinh Lạy Cha hay kinh Kính mừng. Trên thực tế, những chuỗi hạt này được gọi là Paternosters, tiếng Latinh có nghĩa là “Lạy Cha chúng con”. Ví dụ, vào thế kỷ 12, để giúp những người ít học tham dự phụng vụ cách tốt hơn, việc đọc 150 kinh Lạy Cha đã được dùng để thay thế cho 150 Thánh vịnh, và đã được biết đến như là bộ kinh của người nghèo”.

Cấu trúc của Kinh Mân Côi đã dần dần phát triển vào khoảng giữa thế kỷ 12 và 15. Cuối cùng, 50 Kinh Kính Mừng (hay nhiều hơn) đã được đọc và được liên kết với các câu Thánh vịnh hay các cụm từ khác để gợi lên “những niềm vui của Đức Maria,” tức là những phân cảnh trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Năm 1409, Đaminh thành Prussia, một tu sĩ người Carthusia, đã phổ biến thói quen đặt 50 câu nói về cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria cùng với 50 kinh Kính Mừng. Trong thời gian này, hình thức cầu nguyện này được biết đến với tên gọi là rosarium (“khu vườn hoa hồng”), thực ra đây là một thuật ngữ thông dụng vốn được dùng để chỉ về một bộ sưu tập các tài liệu mang tính chất tương đồng, chẳng hạn như một hợp tuyển các câu chuyện về cùng một vấn đề hay chủ đề. Sau đó, “những nỗi buồn sầu của Đức Maria” và “những niềm vui trên trời” cũng được xếp vào, nâng số lượng kinh Kính Mừng lên 150. Cuối cùng, 150 kinh Kính Mừng được kết hợp với 150 kinh Lạy Cha, với một Kinh Kính Mừng theo sau mỗi kinh Lạy Cha.

Vào đầu thế kỷ 15, Henry Kalkar (mất năm 1408), một người Carthusian khác, đã chia 150 kinh Kính Mừng thành từng nhóm mười kinh, với mỗi nhóm được đánh dấu bằng một kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ 16, cấu trúc của Kinh Mân Côi năm chục dựa trên ba bộ mầu nhiệm - mầu nhiệm Vui (Truyền tin, Thăm viếng, Giáng Sinh, Dâng và Tìm gặp trong Đền thờ), mầu nhiệm Thương (Cơn khắc khoải trong vườn cây dầu, Đánh đòn, Đội mão gai, Vác Thập giá và Cuộc tử nạn) và mầu nhiệm Mừng (Phục sinh, Thăng thiên, Hiện Xuống, Đức Mẹ lên trời và được vinh thưởng). Vào năm 2002, Đức Thánh Cha đáng kính của chúng ta, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã thiết lập các mầu nhiệm Sáng: Phép Rửa tại sông Giođan, Tiệc cưới Cana, Rao giảng Nước Thiên Chúa, Cuộc Biến hình và Thiết lập Bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, sau những lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917, lời kinh mà Đức Mẹ dạy cho các trẻ cũng thường được thêm vào cuối mỗi chục kinh: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần nhờ Chúa thương xót hơn.”

Truyền thống cho rằng Thánh Đaminh (mất năm 1221) đã soạn ra Kinh Mân Côi theo như chúng ta biết đến ngày nay. Được thúc đẩy bằng một thị kiến về Đức Mẹ, thánh nhân đã thuyết giảng về việc sử dụng kinh Mân Côi trong công cuộc truyền giáo của mình giữa những người Albigenses, một nhóm những người dị giáo cuồng tín. Những người Albigenses, được gọi theo tên thị trấn Albi ở miền nam nước Pháp nơi họ sinh sống, tin rằng mọi thứ vật chất đều xấu xa và chỉ có những gì thuộc về tinh thần mới là tốt đẹp. Vì lý do này, họ phủ nhận sự nhập thể của Chúa Giêsu; đối với họ, Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật trở nên người thật và đón nhận bản tính nhân loại của chúng ta là điều không thể tưởng tượng được. Theo lời dạy của họ, linh hồn của mỗi người bị giam cầm trong thể xác xấu xa. Vì vậy, họ kiêng kị tình yêu trong hôn nhân, vì bất kỳ ai cũng không được giam cầm linh hồn người khác trong một thể xác. Thực hành tôn giáo lớn nhất của họ được gọi là “endura”, một hành động tự sát để giải thoát linh hồn khỏi thể xác. Họ cũng đã chiến đấu chống lại bất kỳ quyền lực nào đại diện cho một vương quốc trên trần gian này, cũng như ám sát các quan chức thuộc hoàng gia và Giáo Hội. Giáo Hội đã lên án những người dị giáo này, và Thánh Đaminh đã cố gắng cải biến họ qua những bài thuyết giảng có cơ sở và bằng tình yêu Kitô giáo chân thành. Thật không may, giới cầm quyền hoàng gia lại tỏ ra ít lòng thương xót hơn. (Ngoài lề một chút, một chuyên mục truyền hình về du lịch đã cho lên sóng một chương trình nói về miền nam nước Pháp, và khi đến thăm thị trấn Albi, người thuật chuyện đã lưu ý rằng những người Albigenses đã bị "Giáo Hội bách hại", mà chẳng hề cho biết rằng những người Albigenses này là những người dị giáo có khuynh hướng tự sát, cũng như những lời dạy của họ vốn nguy hại cho linh hồn của các tín hữu.) Tuy nhiên, Thánh Đaminh đã sử dụng Kinh Mân Côi như một khí cụ hữu ích để hoán cải những người Albigenses.

Một số học giả phản đối về vai trò thực sự của Thánh Đaminh trong việc hình thành Kinh Mân Côi bởi vì các bản tường thuật sớm nhất về cuộc đời của ngài không đề cập đến nó, những bản hiến pháp của Dòng Ðaminh cũng không liên kết ngài với Kinh Mân Côi, và các bức tranh đương thời về Thánh Ðaminh cũng không đính kèm Kinh Mân Côi như một biểu tưởng để nhận diện thánh nhân. Năm 1922, Dom Louis Gougaud đã tuyên bố, “Các yếu tố khác nhau góp phần họp thành bộ kinh nguyện Công giáo thường được gọi là Kinh Mân Côi như trên là thành quả của một quá trình phát triển lâu dài và dần dần vốn khởi đầu trước thời của Thánh Đaminh, và đã tiếp tục mà không có sự tham gia của ngài trong đó nó, và chỉ đạt đến hình thức cuối cùng sau vài thế kỷ kể từ khi thánh nhân qua đời." Tuy nhiên, các học giả khác cũng tranh luận rằng nếu Thánh Đaminh không “phát minh” ra Kinh Mân Côi thì làm sao ngài có thể thuyết giảng về việc sử dụng lời kinh này để hoán cải những người tội lỗi và những người đã lạc mất đức tin. Hơn nữa, cũng có nhiều Giáo Hoàng đã đề cập đến mối liên hệ giữa Thánh Đaminh với Kinh Mân Côi trong các tuyên bố khác nhau của mình, ít nhất cũng thừa nhận vai trò của thánh nhân đối với Kinh Mân Côi là một vấn đề thuộc về “lòng đạo đức bình dân” (pious belief). Tuyên bố đầu tiên đề cập đến vấn đề này đã được Đức Giáo Hoàng Alexander VI đưa ra vào năm 1495.

Tác giả: Lm. William Saunders - Nguồn: Catholic Exchange (28/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

668    29-09-2021