Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Nhà truyền giáo người Ý lên đường giúp đỡ người nghèo ở Bangladesh

checkitalianmissionarycontinuestotoilforpoorinbangladesh617647b4c0e6c600
 Cha Carlo Buzzi bên cạnh chiếc xe máy của mình ở Belkuchi thuộc quận Sirajganj,
miền bắc Bangladesh, nơi ngài đã phục vụ những người Công giáo nhập cư trong 24 năm
(Ảnh: Stephan Uttom / UCA News)


Vị Linh mục lái xe mô tô, Cha Carlo Buzzi, đã thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo ở đất nước đa số theo Hồi giáo kể từ năm 1975.

Vào mỗi Chúa nhật, người dân làng Belkuchi nghe thấy âm thanh của chiếc xe máy Suzuki cũ kỹ đang đến gần và biết rằng vị Linh mục người Ý đang quay trở lại để làm công việc mục vụ tại đây.

Cha Carlo Buzzi, một nhà truyền giáo 78 tuổi đến từ Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (PIME), đã đến với ngôi làng phía bắc Bangladesh này trong suốt 24 năm qua.

Mọi người quây quần xung quanh Cha Carlo Buzzi khi ngài bước xuống khỏi chiếc xe máy trước ngôi nhà tạm được lợp bằng những tấm thiếc được dùng làm nhà thờ cho khoảng 350 người Công giáo tại ngôi làng thuộc huyện Sirajganj.

Cha Buzzi dâng Thánh lễ Chúa nhật cho các tín hữu và thăm hỏi dân làng, chào hỏi họ, hỏi thăm tình trạng sức khỏe của họ và đưa ra giải pháp cho các vấn đề khác nhau, dù liên quan đến giáo dục, việc làm hay những tranh chấp gia đình. Ngay cả những người dân làng Hồi giáo cũng thường đến để xin lời khuyên của ngài.

Ngôi làng có chưa đến 20 người Công giáo khi Cha Buzzi bắt đầu truyền giáo cho người dân tại ngôi làng thuộc thị trấn Sirajganj, một cảng sông bên bờ sông Jamuna. Belkuchi là một vùng phụ thuộc Nhà thờ Ave Maria tại Gulta, nơi có khoảng 800 người Công giáo. Cả hai đều trực thuộc Giáo phận Rajshahi.

Cha Buzzi phải mất hai tiếng đồng hồ đi xe máy với quãng đường 50 km từ Giáo xứ chính của mình. Với việc tuổi tác đã cao, việc lái xe ngày càng trở nên mệt mỏi vì một phần con đường dẫn đến điểm truyền giáo này thường đầy ổ gà ổ voi đầy nước. Nhưng ở một quận nơi xe xích lô và xe ba bánh tự động vẫn là phương tiện giao thông chính, Cha Buzzi tiếp tục dựa vào chiếc xe máy của mình.

Cha Buzzi chẳng có đồ bảo hộ đặc biệt. Sau khi xén chiếc quần dài quá mắt cá chân để tránh bị ngấm nước mưa và nước văng lên từ ổ gà, Cha Buzzi trùm lên mình một chiếc áo mưa bằng nhựa khi chuẩn bị lên đường đến Belkuchi.

Cha Buzzi đến Giáo xứ Gulta vào năm 1997 và nhanh chóng nhận thức được sự hiện diện của các tín hữu Công giáo người Garo ở Belkuchi, những người đã di cư từ Giáo phận Mymensingh ở phía bắc trung tâm để thoát nghèo. Họ đã làm việc trong các nhà máy dệt và may mặc địa phương từ những năm 1980.

Cha Buzzi đã xây dựng một ngôi nhà tạm bợ được lợp bằng những tấm thiếc để giáo dân địa phương cùng nhau tụ và làm việc thờ phượng, và ngôi nhà được đặt tên là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cha Buzzi cũng tổ chức họ thành một ngôi làng cộng đồng được đặt theo tên của Sơ Sueva, một Nữ tu thuộc cộng đồng bản xứ Garo của Bangladesh bị quân nổi dậy sát hại ở Sierra Leone, Tây Phi, vào năm 1999.

1519207173
 Sơ Sueva, một Nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái
thuộc cộng đồng người Garo bản địa của Bangladesh,
người đã bị phiến quân giết hại ở Sierra Leone
vào ngày 22 tháng 1 năm 1999

 

Cha Buzzi sau đó đã khai hoang và phục hồi một nghĩa trang Kitô giáo thời thuộc địa Anh ở Sirajganj vốn đã bị người Hồi giáo chiếm đóng bất hợp pháp trong nhiều thập kỷ.

Cha Buzzi hiện đang bận rộn với công việc điều hành bốn trường mầm non và một chương trình tài trợ giáo dục cho trẻ em và người lớn ở thị trấn Sirajganj.

Các địa điểm truyền giáo của Giáo hội Công giáo ở Gulta và Belkuchi bao phủ toàn bộ quận Sirajganj. Có bảy nhà thờ Công giáo ở các quận Pabna và Natore lân cận, vốn là nơi sinh sống của khoảng 15.500 người Công giáo.

Sinh ngày 6 tháng 4 năm 1943, tại quận Varese của Ý, Cha Carlo Buzzi được thụ phong Linh mục vào ngày 21 tháng 12 năm 1968.

Sau khi thôi công việc giảng dạy với tư cách là một giáo viên trung học, Cha Buzzi đến Bangladesh vào ngày 10 tháng 1 năm 1975, bốn năm sau khi quốc gia Nam Á nghèo khó giành được độc lập từ Pakistan.

Sau chín tháng học tiếng Bengali, Cha Buzzi làm việc cho tổ chức từ thiện Công giáo Caritas. Ngài điều hành 20 trường học dành cho trẻ em và những người lớn mù chữ, điều hành 48 ngân hàng gạo cho nông dân nghèo, khoảng 20 trung tâm nuôi tằm và dệt vải cho phụ nữ và đã thắng hơn 200 phiên tòa liên quan đến các vụ tranh chấp đất đai.

 

Sau đó, Cha Buzzi phục vụ tại Nhà thờ Chúa Kitô Vua ở quận Naogaon và các nhà thờ ở quận Pabna, Natore và Bogra. Tại mỗi Giáo xứ, ngài điều hành các trường học và ký túc xá dành cho các học sinh nghèo.

0315
 Cha Carlo Buzzi với các em thiếu nhi Công giáo ở Belkuchi
(Ảnh: Stephan Uttom / UCA News)

 

Cha Buzzi tiếp tục công việc mục vụ trong lĩnh vực giáo dục của mình ở Gulta và Belkuchi như một công cụ chính để đưa các gia đình thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói.

Liton Deo, một người Công giáo 60 tuổi thuộc cộng đồng Garo, đến Belkuchi cách khoảng 40 năm trước và bắt đầu làm công việc bảo vệ trong một nhà máy sản xuất hàng dệt thủ công.

 Hiện ông Deo kiếm được mức lương hàng tháng là 9.000 taka (106 đô la Mỹ). “Nhưng con gái tôi hiện đang học đại học nhờ sự giúp đỡ quảng đại của Cha Buzzi”, ông Deo chia sẻ với UCA News.

Ông Deo nhìn thấy trước một tương lai tốt đẹp hơn cho cô con gái của mình sau khi em tốt nghiệp đại học, một thành tích mà cả gia đình chẳng ai nghĩ tới. Đó sẽ là một bước ngoặt đối với họ hàng nhà ông Deo cũng như bao gia đình Công giáo khác trong khu vực.

Cha Buzzi chia sẻ rằng ngài luôn muốn làm việc ở một vùng quê nghèo. Tại Bangladesh, ngài đã tìm ra cách thức nghèo đói làm tê liệt các cộng đồng người dân.

“Ở đất nước chúng tôi, chúng tôi tự hỏi hôm nay nên ăn gì – thịt lợn, thịt cừu hay thịt gà? Nhưng người dân ở nhiều nước như Bangladesh tự hỏi liệu hôm nay họ có thức ăn để ăn hay không”, Cha Buzzi chia sẻ với UCA News.

Khi Cha Buzzi đến Bangladesh, đất nước này lúc đó vẫn đang quay cuồng dưới tác động của cuộc Chiến tranh giành độc lập năm 1971 và những biến động chính trị tiếp theo cùng với những thiên tai thường xuyên như lũ lụt và lốc xoáy.

“Ngay từ đầu, tôi đã nhấn mạnh đến lĩnh vực giáo dục bởi vì không có giáo dục thì chẳng có điều gì tốt đẹp có thể bền vững và sự hội nhập xã hội là không thể”, Cha Buzzi nói.

Cha Buzzi cũng muốn làm việc giữa những người ngoài Kitô giáo và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo thông qua công việc của mình. “Điều này quả thực hết sức cần thiết đối với các Kitô hữu ở một quốc gia đa số là người Hồi giáo”, Cha Buzzi lưu ý.

Ông Deo kể lại rằng trước khi Cha Buzzi đến, các Kitô hữu trong khu vực này đã che giấu bản sắc tôn giáo của mình vì sợ bị những người hàng xóm Hồi giáo của họ trả thù. “Mọi thứ đã thay đổi một cách hết sức tốt đẹp kể từ khi Cha Buzzi đến. Hiện nay, chúng tôi sống với niềm vui”, ông Deo nói.

Ban đầu, những người Hồi giáo nghi ngờ vị Linh mục này đang cố gắng cải đạo họ. Nhưng Cha Buzzi đã giành được trái tim của họ bằng cách đối thoại liên tục và giúp họ cải tạo một trường học địa phương.

 “Chúng tôi bị cuốn hút bởi hành vi của Cha Buzzi”, Mohammad Ali, 52 tuổi, một giáo sĩ Hồi giáo địa phương, phát biểu với UCA News. “Sau khi bị thuyết phục rằng ông ấy không đến để cải đạo các tín đồ Hồi giáo, chúng tôi đã để cho ngài xây dựng nhà thờ và tự do làm mọi thứ”.

Ông Ali cho biết các tín đồ Hồi giáo và các Kitô hữu trong làng hiện đang chung sống hài hòa như những người bằng hữu.

Giống như những người tiền nhiệm của mình, Cha Buzzi đã ưu tiên lĩnh vực giáo dục và sự phát triển xã hội tại năm địa điểm truyền giáo mà ngài đã làm việc trong suốt 45 năm qua.

Cha Buzzi chia sẻ rằng quãng thời gian phục vụ của ngài tại Bangladesh quả thực đã mang lại nhiều hoa trái. “Tôi đã không lãng phí cuộc đời mình. Nó có thể không tốt đẹp như vậy nếu tôi đã đến những nơi khác. Tôi hiện vẫn đnag hết sức bận rộn với công việc ở đây để phục vụ người dân”.

Trở lại Nhà thờ Ave Maria, Cha Carlo Buzzi không lo lắng về tương lai của Giáo hội địa phương cũng như không quan tâm đến việc mình sẽ qua đời hay được chôn cất ở đâu.

“Khi tôi già đi và không thể di chuyển được nữa, tôi sẽ chuyển đến một nhà thuộc cộng đoàn. Tôi không muốn làm phiền bất cứ ai”, Cha Buzzi nói.

“Tôi muốn ở lại Bangladesh và sống với mọi người chừng nào tôi còn sống. Tôi muốn được chôn cất tại nơi tôi nằm xuống để thi hài của tôi không phải vận chuyển tốn kém”.

 


Theo Stephan Uttom - Nguồn: UCANews (25/10/2021)
Chuyển ngữ: Minh Tuệ - Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (28/10/2021)

434    29-10-2021