Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Những đòi hỏi dành cho người môn đệ trung tín

Ông bà ta thường nói: “tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Riêng tôi chưa trải qua đời sống lứa đôi, nên không dám mạnh miệng nói “tình có thật là dây oan không?”. Còn đối với tôi tu chính là cõi phúc, bởi đi tu tôi có nhiều cơ hội gặp Chúa và phục vụ mọi người. Thường ai cũng nghĩ đi tu sướng, bởi đi tu được khoác trên mình chiếc áo dòng, được nhiều người kính trọng gọi là “thầy”“cha”, có người còn cho rằng đi tu chính là con đường để tiến thân tiến chức, để được hưởng quyền lợi này quyền lợi kia mà đâu phải người thường nào cũng có được…Đời tu dẫu đẹp, nhưng ít ai nhận ra đằng sau vẻ đẹp đó là không ít những đòi hỏi và chông gai, giống như hoa hồng đẹp nào lại không có gai, người môn đệ theo Chúa nào mà không có những đòi hỏi. Vậy đâu là những đòi hỏi dành cho người môn đệ trung tín bước theo chân Chúa?

Đòi hỏi đầu tiên dành cho người môn đệ là cần biết hy sinh từ bỏ. Một người khi đã quyết định chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình, thì phải học cách bỏ. Không phải bỏ ít, bỏ trong chốc lát, bỏ những điều thừa thãi đã quá chán chê, mà là bỏ hoài bỏ mãi, bỏ đến tận cùng, bỏ cả những điều tha thiết đã gắn chặt với đời mình. Người môn đệ học cách bỏ mà không tiếc sót, bỏ mà luôn cảm thấy sung sướng khi được chịu khổ vì Chúa. Nguyên tắc ở đời, khi đã chọn điều này phải từ bỏ điều kia, lựa chọn nào mà lại không có mất mát, hạnh phúc nào mà không phải trả giá bằng đắng cay. Không thể vừa đi tu lại vừa có mối quan hệ yêu thương riêng tư được. Ngoài việc từ bỏ, người môn đệ cần phải biết hy sinh qua việc hy sinh đời sống hưởng thụ, hy sinh thời gian và sở thích để trung thành theo Chúa. Đời tu sẽ ý nghĩa hơn khi biết vắt ra chất đắng là sự hy sinh, đời tu sẽ bình an hạnh phúc khi biết hài lòng với chính mình. Thánh Đaminh nói: “Giá trị của đời tu không hệ tại ở chỗ bạn làm gì hay làm được gì, mà ở chỗ bạn sống đời tu thế nào”. Hay Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong Đường Hy Vọng đã viết: “Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh”.

Đòi hỏi thứ hai dành cho người môn đệ là phải biết chấp nhận thánh giá. Dẫu biết vác thập giá sẽ khó khăn và vất vả, đứng trước thập giá ai mà không sợ, nhưng người môn đệ không được để bóng tối của thập giá đè bẹp lấy lý tưởng của mình, đừng tuyệt vọng để rồi kéo lê thập giá đời mình theo Chúa. Thập giá sẽ trở thành khổ giá nếu không có tình yêu. Người môn đệ cần can đảm đón nhận nhận thánh giá Chúa gửi tới qua những trái ý và bổn phận hằng ngày, học cách đón nhận trong vui tươi, đồng thời không chỉ biết tôn thờ thánh giá mà còn phải tự mình vác thánh giá. Hành trình theo Chúa là hành trình leo núi, hành trình này đòi hỏi người môn đệ phải vượt những con dốc của bản năng tự nhiên, vượt những con dốc của tiền tài và quyền lực... Người môn đệ không chỉ biết theo Chúa lên núi Tabor, mà còn theo Chúa lên núi Canvê, sứ mạng của người môn đệ là biết ôm ghì lấy thánh giá, mang thương tích của thánh giá, chứ không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm vinh quang của Chúa trên núi Tabor.

Đòi hỏi cuối cùng dành cho người môn đệ là phải nhất mực trung thành và thẳng tiến phía trước. Hành trình của người môn đệ cần phải mau mắn dứt khoát, không dừng lại dù phía trước toàn là hoa thơm cỏ lạ, không chùn bước dù phía trước toàn là sỏi đá chông gai. Người môn đệ phải nỗ lực làm chứng cho Chúa qua việc sống chứng nhân, không sợ khổ, không sợ chết, dù có đối diện với bất cứ khó khăn gì. Người môn đệ phải luôn trung thành anh dũng, luôn bình an dù có phải đối diện với khó khăn thử thách, nhất là một lòng một dạ trung thành với Chúa tới cùng. Đối với người môn đệ ngày nay, không ai bắt phải tử đạo, cũng không ai bắt phải chối Chúa, nhưng đòi hỏi người môn đệ phải làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống yêu thương của mình. Chúa không đòi hỏi tôi phải làm những gì to tát, nhưng cần tôi trung thành với Chúa trong ơn gọi của mình.

Dù biết rằng con đường theo Chúa tôi sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, cũng chẳng biết tương lai thế nào? Tôi chỉ biết bám chặt đời mình vào Chúa, hết lòng hết trí theo Chúa đến cùng còn mọi chuyện khác có Chúa no. Ông bà ta thường dạy: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”. Việc tôi có trung thành theo Chúa đến cùng không, là do tôi chứ không do ai khác, đừng đổ lỗi nhưng hãy can đảm trung thành theo Chúa đến cùng.


Tác giả: Joseph Nguyễn

474    03-04-2022