Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Những đợt truyền chức trong âm thầm tại phòng U8 thờ Đức hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

 

 
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng – nguyên Giám mục giáo phận Bắc Ninh. Ngài là đấng một thời đã dẫn dắt giáo phận trong giai đoạn đầy khó khăn: khó khăn về thời cuộc chiến tranh, khó khăn với những bất ổn của xã hội Việt Nam, đặc biệt là khó khăn của chủ nghĩa duy vật vô thần đối với tôn giáo, coi “tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc quần chúng; cần thiết phải đánh đổ nó như người ta chống ma túy và hơn thế nữa,”[1]vv…

Đây cũng là dịp đặc biệt để ta nhận ra bàn tay Thiên Chúa quan phòng, Đấng mà Đức cố Hồng y luôn xác tín: “tôi tin ở tình yêu Thiên Chúa” đã dẫn dắt giáo phận qua bàn tay của ngài như thế nào. Đồng thời còn là dịp để ta nhìn lại hi sinh của Đức cố Hồng y đối với giáo phận, để tri ân ngài. Dưới đây là những điều người viết lược trích nơi các nguồn sử liệu và lời kể của các chứng nhân trong cuộc, để tái hiện lại những CHỨNG TỪ ĐỨC TIN qua: Vị trí và những đặc điểm về “phòng U8”. Bối cảnh khó khăn từ phía chính quyền đối với đạo Công giáo giai đoạn sau 1954. Các cuộc “truyền chức chui” tại “phòng U8” vào thời Đức cố Hồng y Tụng còn là giám mục coi sóc giáo phận Bắc Ninh. Sau đó là góc suy tư và danh sách các đức cha, các cha và các thầy phó tế đã lãnh nhận chức thánh tại U8.

 

Khi trích dẫn từ tài liệu về các biến cố lịch sử dưới đây, người viết không nhằm khoét thêm hố sâu lịch sử, nhưng để nhận ra những điều quý báu đã đi ngang qua nó, giống như câu nói: “Thiên Chúa luôn viết thẳng trên những đường kẻ cong.” Vì các Thánh lễ truyền chức diễn ra tại “phòng U8” không chỉ là dịp “Lễ Tạ ơn” Thiên Chúa, mà còn là kho tàng phong phú ở nhiều phương diện mang tính lịch sử, đặc biệt còn là những chứng từ đức tin quý giá đáng để ta học hỏi, suy gẫm và định hướng cho tương lai.

 

1.         Vị trí và những đặc điểm của “Phòng U8”

 

 Tọa lạc ngay trong khuôn viên của Tòa giám mục Bắc Ninh là ngôi Tòa giám mục cũ do Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn khởi dựng khoảng năm 1950[2]. Ngôi Tòa giám mục cũ nay được dùng làm Nhà Truyền Thống của giáo phận, với tên gọi mới là Nhà Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh. Trong ngôi Tòa giám mục cũ này có căn phòng nhỏ gọi là “Phòng U8”, với diện tích chưa đầy 8 mét vuông (2,9m x 2,7m = 7,83 m²). Căn phòng nhỏ này xưa từng là nhà nguyện của Đức Cha Đa minh Hoàng Văn Đoàn, và cũng là nhà nguyện của Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng một thời[3]. Tại căn “phòng U8”, Đức cha Tụng “thường đọc kinh Phụng vụ, dâng lễ và chầu Mình Thánh một mình.”[4] Đặc biệt ngài đã âm thầm kín đáo tấn phong 2 giám mục, truyền chức 12 linh mục và 4 phó tế tại căn phòng chưa đầy 8m² này.

 
TOA-GIAM-MUC-BN-U8.jpg
 

 

2. Đôi nét về bối cảnh khó khăn từ phía chính quyền đối với đạo Công giáo ở miền Bắc, giai đoạn sau 1954

 

Tại Miền Bắc, bối cảnh chính quyền loại bỏ tôn giáo giai đoạn sau 1954 thật khốc liệt: “vì họ không tin có thần thánh, nên đi phá tôn giáo là nhiệm vụ căn bản, là sách lược của Đảng. Theo họ, Đảng chỉ có thể tiến được khi nào loại trừ được tôn giáo.”[5] Họ dùng mọi cách thức phá đạo để đạt cho được sách lược phá tôn giáo mà họ đã đề ra.[6] Thí dụ sau đây chính là một cách trong muôn vàn cách thức phá đạo của họ: “người ta chủ trương phá tôn giáo. Người ta không muốn làm việc đó theo lối các vua chúa ngày xưa: bắt bớ, tù đày giết chóc. Bây giờ người ta nói “phá đạo một cách khoa học”: lấy chính người có đạo mà phá.”[7] Vv…Vì vậy đối với đạo Công giáo họ áp dụng những chính sách phá đạo cách tàn nhẫn, đến nỗi “địa phận Hà Nội xác xơ, các địa phận khác như: Hải Phòng, Bắc Ninh cũng xác xơ.”[8] Hàng giáo sĩ và tu sĩ nhiệt thành với đạo thì bị họ ngăn chặn đi lại, ngăn chăn hoạt động tôn giáo, hoặc có khi còn bị triệt hạ; còn hạng “giáo sĩ nửa mùa”[9] thì bị họ dùng làm tay sai… Một số giáo dân nhiệt thành với đạo thì bị họ lập kế vu oan, bắt bớ…; trong khi đó nhiều “giáo dân nửa vời” bị lạm dụng hay bị dụ dỗ làm điều gian xảo để quấy phá môi trường xứ đạo nơi họ sinh sống.[10]

 

Giáo phận Bắc Ninh cũng đồng cảnh ngộ với các giáo phận khác: sau 1954, giáo phận chỉ còn hơn 30 ngàn giáo dân với số linh mục là 14, nhưng có đến 12 vị cao tuổi[11]. Các nhà thờ thì bị phá hủy nhiều do chiến tranh và “tiêu thổ kháng chiến.” Nên “nhiều nhà thờ im tiếng chuông, vắng bóng con chiên ra vào thờ phượng. Các làng Công giáo vắng vẻ,”[12] “không còn dòng tu, không còn chủng viện. Tất cả trở nên tiêu điều, cộng với bầu khí tôn giáo ngột ngạt khó thở!”[13] Các vị chủ chăn của giáo phận bị ngăn cấm, bị cản trở mục vụ mọi mặt… Thí dụ: Đức cha Tạo giáo phận Hải Phòng thời đó đang giám quản giáo phận Bắc Ninh có lúc từng bị họ “tuyên bố không ban tờ ban phép làm các phép bất cứ ở đâu trong hai địa phận Hải Phòng và Bắc Ninh.”[14] Hoặc nhiều khi Đức cha bị chính quyền “gọi” ra cơ quan hoặc tòa án để hạch hỏi nhiều điều… Nhưng ngài đâu chịu ngồi yên, mặc cho chính quyền hạch hỏi và sách nhiễu[15], ngài vẫn đi mục vụ ở nhiều xứ họ. Hay như: khi Đức cha Tụng về nhận giáo phận năm 1963, chính sách tôn giáo lúc này rất khó khăn. “Ngài cũng chỉ tranh thủ đi (kinh lý) được hai nơi xa là Đồng Chương ở Tuyên Quang và Vĩnh Phú sau 31 năm làm chủ chăn.”[16] Giai đoạn này số giáo dân gia tăng nhiều, số các cha chỉ còn lại 6, trong đó có 4 cha già và 2 cha trẻ.[17] Nên dường như “giáo phận không có tổ chức hoạt động gì khác ngoài việc tu chui.”[18] Trong khi đó ai “tu chui mà để lộ tung tích thì bị bắt đi tù liền.”[19] Vì vậy “một số linh mục, chủng sinh và thầy giảng bị bắt giam, có khi bị giam đến 15 năm.”[20] “Các cộng đoàn cơ bản do giáo dân tự điều khiển.”[21] Các xứ họ thì gặp không ít khó khăn và sách nhiễu từ nhiều phía. “Có thể nói tình trạng căng thẳng giữa các xứ họ với chính quyền là phổ biến. Một số giáo dân bị đe dọa, bị thẩm vấn, thậm chí có người bị bắt giam mấy năm.”[22]Vv…

 

Nên việc Đức cha Tụng phải nghĩ đến “tương lai sống còn”: đào tạo nhân sự cho giáo phận là điều cấp thiết. Cha Giuse N.Đ.H kể: “khi đó Đức cha Tụng nghĩ phải có hàng ngũ linh mục đủ mạnh để phục vụ giáo phận thì ngài mới an tâm.”[23] Cha Giuse T.Q.V cũng kể: “Ngài chủ trương phải có đội ngũ linh mục đủ mạnh thì mới làm việc được.”[24] “Ngài đào tạo chủng sinh bằng phương pháp hàm thụ: gửi bài cho chủng sinh học ở  nhà, thỉnh thoảng thầy trò mới gặp nhau trực tiếp.”[25] Ngài thường nói: “Secretum Ecclesiae est” (Giáo hội cần sự bí mật.)[26] Trong bối cảnh đó, tại căn “phòng U8” nhỏ bé, Đức cha Tụng đã âm thầm kín đáo tấn phong hai giám mục, truyền chức rất nhiều linh mục và phó tế, bắt đầu từ cha Giuse Phạm Sĩ An vào đêm 29-6-1964.

 

3.  Các cuộc truyền chức phó tế, linh mục và giám mục tại “phòng U8”

 

a, Thánh lễ truyền chức linh mục đêm 29-6-1964:

 

Vào đêm 29-6-1964 tại “phòng U8”, Đức cha Tụng đã truyền chức linh mục cho thầy Giuse Phạm Sĩ An. Trong cuốn Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành cha An cho biết: “tôi chịu chức linh mục vào đêm 29-6-1964. Đêm khuya lễ mới bắt đầu, có tất cả 4 người, kể cả tôi. Lễ đang diễn ra thì có động, phải ngưng lại nghe ngóng, tôi cởi áo lễ trèo lên trần nhà,[27]chính Đức cha Tụng giữ cánh cửa, thay vì cái thang, tôi trèo rất nhanh. Báo yên, lại tiếp tục nghi thức, lần đầu tiên Đức cha cử hành lễ Truyền chức. Phần tôi, tôi cảm giác mình được nên giống Đức Giêsu sinh ra lúc nửa đêm, tôi cũng được sinh vào chức vụ tư tế ban đêm.”[28]

 

b, Thánh lễ truyền chức linh mục đêm 16–9-1974:

 

Cha Giuse N.Đ.H là một trong 7 cha được thụ phong linh mục vào rạng sáng ngày 16 tháng 9 năm 1974 tại “phòng U8” kể về khó khăn từ phía chính quyền đối với việc học hành và chịu chức linh mục của ngài và nhóm anh em cùng lớp như sau: “khi Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về nhận Giáo phận Bắc Ninh năm 1963, thì đến năm 1964 ngài bắt đầu truyền chức linh mục kín đáo để có thêm linh mục phục vụ dân Chúa trong giáo phận, vì tình hình xã hội đối với đạo Công giáo lúc đó rất khó khăn. Chính quyền kiểm soát và bắt bớ những người đi tu rất mạnh. Và việc dạy và hoc, hay truyền chức thời đó chính quyền đều bắt phải xin phép nhà nước, họ cho phép thì mới được dạy, họ cho phép thì mới được phong chức. Khi đó Đức cha Tụng đã làm thủ tục xin phép truyền chức linh mục cho mấy ứng viên linh mục, nhưng chính quyền không cho. Không những thế, mà họ còn bắt bớ những ứng viên đó, chẳng hạn như cha An... Nên Đức cha Tụng đã dự tính truyền chức linh mục cách kín đáo (hay còn gọi là truyền chức chui) cho các thầy, bắt đầu từ thầy Giuse Phạm Sĩ An vào đêm 29-6-1964.”[29] Cha Giuse T.Q.V cũng kể: “lúc ấy Đức cha Tụng và cha Đa minh Đinh Huy Quảng rất lo lắng cho tương lai giáo phận. Các ngài nói: ‘nếu cứ theo chiều hướng khó khăn như thế này thì không biết lấy đâu ra linh mục để phục vụ giáo phận! Không biết phải dẫn dắt giáo phận như thế nào, vv…’! Nhất là sau khi xin phép chính quyền để truyền chức cho một số thầy làm linh mục không được, các ngài nhận định tình hình cứ như thế thì giáo phận không có tiếng nói gì, không làm được việc gì, vì không có nhân sự.”[30]

 

Cha Giuse N.Đ.H kể về việc thời đó các ngài đến Tòa giám mục Bắc Ninh học như sau: “sau khi chính quyền đóng cửa Chủng viện Hà Nội (1960), bên Bắc Ninh cũng bị chặn mất nơi đào tạo linh mục (năm 1961 đóng cửa một lớp nhỏ, đến năm 1962 đóng cửa tiếp lớp lớn-lớp cha Hạnh, ông Bản…). Nhóm bảy anh em chúng tôi khi bị chính quyền giải tán ở chủng viện Hà Nội, thì chúng tôi về sống ở quê. Nên mỗi khi học tập hay có việc gì chúng tôi phải đến Tòa giám mục cách kín đáo, lúc ở lúc về cũng kín đáo. Tôi làm việc và ở tại quê nhà (Ngô Khê), các vị khác cũng ở quê từ khi bị giải tán ở Hà Nội, duy có thầy Hạnh lúc ấy làm quản lý thì ở tại Tòa Giám Mục. Cứ hàng tháng Đức cha Tụng gặp để dạy học cho chúng tôi tại phòng của ngài. Và thế là anh em tôi cứ “đến hẹn lại lên” để ngài dạy học và trả bài cho ngài.

 

Sau dịp lễ kỷ niệm 25 năm linh mục (06-6-1974) của Đức cha Tụng, do làm việc quá sức nên đến đầu tháng 9 thì ngài bị đột quỵ đột ngột vì bệnh suy tim. Vậy là chúng tôi tập trung chữa trị cho ngài. Trong thời gian này, Đức cha quyết định truyền chức linh mục cho 7 anh em tôi: thầy Hải, thầy Hạnh, thầy Kinh, thầy Tảo, thầy Tuyến, thầy Vinh và tôi. Mặc dù lúc đó sức khỏe Đức cha còn yếu vì chưa hồi phục, nhưng ngài vẫn cố gắng chuẩn bị lễ truyền chức cho chúng tôi.

 

Để chúng tôi chuẩn bị lãnh chức thánh, tôi không biết Đức cha Tụng đã gọi các anh em khác khi nào và gọi như thế nào? Còn với tôi, năm đó tôi đang ở Ngô Khê, (cách hơn 4km) ngài cho gọi tôi sang Tòa giám mục vào tối 15 tháng 9. Ngài nói với anh em tôi: ‘để chuẩn bị lĩnh chức linh mục anh em hãy tĩnh tâm, suy nghĩ, cầu nguyện, làm đơn…’ và chúng tôi làm như thế. Tiếp đến vào ngay đêm hôm 15 rạng ngày 16, Đức cha chủ sự lễ truyền chức linh mục cho chúng tôi tại phòng nguyện nhỏ của ngài, tức phòng U8 ngày nay. Lễ truyền chức diễn ra trong căn phòng chưa đầy 8 mét vuông (7, 83 m²) mà có Đức cha Tụng và cha Quảng và 7 anh em tôi nữa nên khá chật.

 

Trước thềm biến cố 30-4-1975, Mỹ đang dần thất thủ ở Miền Nam. Lúc ấy Đức cha Tụng lo thời gian kế đó sẽ có nhiều khó khăn cho giáo phận hơn. Cũng chính lúc ấy người ta xôn xao đồn rằng Cộng sản lên nắm quyền thì họ sẽ kìm kẹp và gây khó khăn cho đạo Công Giáo hơn, nên Đức cha Tụng “tranh tối tranh sáng” truyền chức linh mục cho 7 anh em chúng tôi để có thêm nhân sự cho giáo phận.[31] Nhưng cha Giuse T.Q.V còn cho biết thêm: “vì Đức cha Tụng lo chúng tôi bị bắt, rồi bị bại lộ việc truyền chức không phép của nhà nước sẽ liên lụy đến ngài, ảnh hưởng đến việc coi sóc giáo phận thì hỏng chuyện. Vì bấy giờ việc truyền chức không có phép của nhà nước là có tội với chính quyền, bị quy kết là phản động, phản chính sách của nhà nước. Vì thế, nếu bị lộ ra thì cả người phong chức cùng người chịu chức bị bắt và bị đi tù là chắc. Nên Đức cha gặp riêng từng người một, và ngài đặt giả thiết cho anh em tôi rằng: nếu như sau khi truyền chức mà anh em bị bắt, bị đi tù thì sao? Tôi nói ‘chúng con Xin Vâng’. Và cha cũng kể thêm về lễ truyền chức trong đêm 16-9 đó như sau: “thế rồi, lễ truyền chức cho 7 anh em tôi trong căn phòng nhỏ đó diễn ra rất gấp. Cha Giuse Can canh gác ở tầng dưới. Cha Đa Minh Quảng là người giới thiệu các tiến chức là chúng tôi. Trong Thánh lễ truyền chức chui đêm đó Đức cha vừa làm vừa lo bị lộ, nên thời gian lễ chưa đến hai giờ đồng hồ thì ngài đã làm xong tất cả.”[32]Cha Giuse N.Đ.H kể tiếp: “Lễ xong, sáng hôm sau ngài cho chúng tôi giải tán về quê. Còn việc dâng lễ của nhóm tân linh mục chúng tôi thì Đức cha khuyên không dâng ở gia đình, mà cứ thỉnh thoảng lên Tòa giám mục dâng lễ kín đáo trong Tòa giám mục, hoặc dâng ở gian phòng kín nằm bên phải Phòng thánh tại trong Nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh ngày nay.”[33]

 

 c, Hai thánh lễ tấn phong Giám mục tại phòng U8:

 

– Thánh lễ tấn phong Giám mục cho Đức cha Đa minh Đinh Huy Quảng đêm 04–5–1975:

 

“Khi biến cố 30-4-1975 vừa xảy ra, mọi người sợ cộng sản nắm quyền thì đạo Công Giáo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nên các giáo phận đâu đâu cũng đều phải củng cố nhân sự... Đối với giáo phận Bắc Ninh, khi Đức cha Tụng có dự định truyền chức giám mục cho cha Đa Minh Đinh Huy Quảng thì ngài đã cho tôi sang Hà Nội hỏi ý kiến Đức Tổng giám mục Trịnh Như Khuê[34] về việc ngài xin truyền chức giám mục cho cha Đa Minh Quảng.”[35] Và cha Giuse T.Q.V cũng kể: “Trước đó Đức cha Tụng có hỏi ý kiến tôi về việc ngài dự định truyền chức giám mục cho cha Đa Minh Quảng. Tôi thấy cha Quảng là người thực sự xứng đáng, có khả năng dẫn dắt giáo phận.”[36]

 

Mặt khác, thời gian đó do sức khỏe của Đức cha Tụng không được tốt, nên ngài phải lo nhân sự để dẫn dắt giáo phận: “lúc đó Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng lâm bệnh nặng và ngài tưởng rằng mình không qua khỏi. Đức cha lo lắng cho tương lai giáo phận không có chủ chăn, nếu như Chúa cất ngài về.”[37] Trong tình trạng đầy cấp bách về nhân sự như thế, Đức cha Tụng quyết định tấn phong Giám mục cho cha Đaminh Quảng: “Thánh lễ diễn ra tại phòng nguyện (gọi là “U8” chưa đầy 8 mét vuông) chỉ có 3 người: là Đức cha Phao lô Phạm Đình Tụng chủ phong, người nhậm chức Giám mục là cha Đa Minh Đinh Huy Quảng, và cha Giuse Trần Đăng Can (là người chứng kiến đồng thời lúc ấy cha Can cũng bị buộc phải giữ kín).[38] “Sau lễ truyền chức cho đức cha Quảng thời gian rất ngắn, trước ngày chính quyền mừng chiến thắng 15-5, thì Đức cha Quảng bị chính quyền cưỡng chế đưa đi quản chế tại Đại Lãm.”[39]Cha Giuse Trần Đăng Can còn kể “Đức cha Quảng được truyền chức hôm mồng 4 thì mồng 5 bị chính quyền cưỡng chế đi…”

980    08-09-2019