Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (1/8)

 

Tiềm năng của tâm trạng cô đơn 

Cô đơn: Nguy hiểm và dịp may

Tiếng Trung Hoa, chữ khủng hoảng (crisis) có hai nét; một nét mang nghĩa nguy hiểm, một nét mang nghĩa cơ hội. Cách hiểu này có nhiều tương đồng để giải thích tác động tiềm tàng của tâm trạng cô đơn trên đời sống chúng ta. Cũng như tất cả các cơn khủng hoảng khác, tâm trạng cô đơn mang nhiều mối nguy lớn cũng như nhiều cơ hội lớn. Chúng ta đã nhận ra mối nguy hiểm tiềm tàng trong tâm trạng cô đơn, bây giờ chúng ta sẽ xem xét dịp may to lớn để phát triển con người, nếu chúng ta hiểu biết và hội tụ nó cách sáng tạo. 

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn

Cô đơn có thể giúp thúc đẩy chúng ta vươn đến hành động dấn thân cao cả và sáng tạo lớn lao.

Tâm trạng cô đơn có thể là một mãnh lực rất tích cực, nếu chúng ta biết lắng nghe cách đúng đắn, nó có thể liên tục giúp chúng ta đi sâu vào con đường dấn thân, quên mình vì người khác, vì chính nghĩa cao lớn hơn bản thân mình. Dag Hammarskjold đã từng nói: “Hãy cầu nguyện để tâm trạng cô đơn của bạn sẽ thúc đẩy bạn tìm kiếm một điều gì đó để sống, một điều mà bạn sẵn lòng chết vì nó.” Rất thường khi, trong nỗi cô đơn của mình, chúng ta tìm thấy được một điều gì đó cao cả hơn mình, một điều mà thế gian và những bận tâm thế tục của chúng ta không hoàn toàn có được, và từ đó chúng ta được kêu gọi để quên mình lo cho tha nhân.

Tại sao lại thế? Tại sao chúng ta không nhận ra những chuyện này và dấn thân cho điều cao cả mà không cần phải mang nỗi đau của tâm trạng cô đơn? Vì trong đời sống ngày qua ngày, khi tất cả mọi thứ đều đẹp, có sức khỏe, có bạn bè, có bình an nội tâm, tâm trạng phấn chấn, chúng ta có xu hướng đánh mất nhận thức đúng đắn về hiện thực. Chúng ta có khuynh hướng ích kỷ, tự cho mình là trung tâm, là cái rốn vũ trụ, và quên rằng mình đang sống trong một thế giới phụ thuộc qua lại với hàng triệu người và mình có một phần trách nhiệm với người khác cùng xây dựng cho một mục đích chung. Chúng ta có khunh hướng dễ dàng quên cuộc đời là không hoàn hảo, chưa hoàn tất, chúng ta còn nhiều việc phải làm, và cuộc đời cũng không dễ dàng thuận theo ý mình, dề dàng xây dựng cho riêng mình một cuộc sống tốt đẹp. Khi mọi sự tốt đẹp, khi chưa bị cô đơn, chúng ta ngu ngu chỉ lo cho chiếc du thuyền, chuyến du lịch Hawaii nhiều hơn là lo cho những đau thương và đổ máu đang bị bỏ mặc không được chăm sóc trên thế giới, một thế giới chưa thành toàn của chúng ta. Nhưng khi cô đơn, khi phải đối diện với tâm trạng trống rỗng và mất ý nghĩa sống, chúng ta có cơ hội lớn để hiểu đời sống và hiểu được chính mình. Như Karl Jaspers đã nói, chúng ta phải phản ứng lại trong nỗi hoang mang và tuyệt vọng, và rồi chúng ta tái sinh. Trong trường hợp này, đi ngược lại với ý chí của mình, chúng ta buộc phải nhận thức đời sống cách sâu sắc hơn.

Có lẽ hơn bất kỳ mãnh lực đơn lẻ nào, tâm trạng cô đơn có thể giúp chúng ta trưởng thành và bớt ích kỷ hơn. Nó cho chúng ta con đường để tái sinh, để sinh vào trong một thế giới vượt trên thế giới tự khép kín của mình, vì nó tạo cơ hội để chúng ta nối kết với chính mình, với trách vụ của mình với toàn thể nhân loại. Trong cô đơn, chúng ta có thể tìm thấy một điều gì đó đáng để sống và một điều cao cả đến mức chúng ta sẵn sàng chết vì nó! Khi suy tư về điều gì đã làm cho mình sống tận tâm đến như vậy, Hammarskjold nhấn mạnh: “Tôi không biết ai-hay điều gì- đặt ra cho tôi câu hỏi, tôi cũng không biết nó nảy sinh lúc nào. Thậm chí tôi không nhớ được lời giải đáp. Nhưng có những lúc tôi đã nói lời vâng thuận với một ai đó-hay một điều gì đó- và từ lúc đó, tôi chắc chắn sự hiện hữu có một ý nghĩa và từ đó khi tôi tự quy phục, đời sống của tôi đã có một mục đích.” Trong tâm trạng cô đơn, chúng ta nghe được vấn đề này.

Cô đơn có thể thúc đẩy chúng ta hướng đến một tầm sáng tạo cao hơn. Rõ ràng nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, thi ca, âm nhạc, và triết học lớn nhất được khởi sinh từ nỗi cô đơn thâm sâu của tác giả. Theo nhiều cách, sức sáng tạo của con người có thể so sánh với khí tượng: Không có ngôi sao nào sinh ra mà không có hiện tượng nổ bùng trước. Và một điều rất đỗi bình thường để nói lên là cầu vồng chỉ xuất hiện sau cơn mưa.

Tôi muốn làm rõ điều này qua ví dụ của một người đầy tính sáng tạo ở thế kỷ mười chín, Soren Kierkegaard, cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh hiện đại. Một tác giả thiên tài và rất phong phú, Kierkegaard luôn nhìn nhận tâm trạng cô đơn của chính mình là nỗi đau mang tính sáng tạo, một điều gì đó gần như được nuôi dưỡng và được cân nhắc trau dồi. Với ông, sống trong cô đơn là một phần của ơn gọi từ Thiên Chúa. Vì lý do này, ngoài những lý do khác, ông từ chối hôn nhân, cho dù ông đã từng yêu một người rất sâu đậm. Ông hy sinh tình yêu hôn nhân để có thể tiếp tục đi theo tiếng gọi của tâm trạng cô đơn ở trong lòng ông. Nhiều tác phẩm khởi sinh từ tâm trạng cô đơn của chính ông, và chính vì lý do đó, chúng nói lên những lời mang giá trị chữa lành sâu sắc cho độc giả. Những lời của ông là lời giải phóng cho nhiều người, không phải chỉ vì chúng mang những chân lý cao cả mà cho đến lúc đó chúng ta chưa biết, nhưng vì chúng toát ra từ nội tâm thâm sâu của một tâm hồn cô đơn nên chúng có thể nói với, nói về sự thâm sâu trong tâm hồn người khác.

Kierkegaard đã từng viết: “Thi sĩ là ai? Là người bất hạnh, người chôn giấu những dằn vặt sâu sắc trong tâm hồn, nhưng môi miệng thì được tạo nên để nói những lời than van gào thét nghe như nhã nhạc du dương.”  Đây là cách ông nhìn nhận chính mình, một con người giới hạn trong nỗi cô đơn, nhưng môi miệng và lời lẽ cố để làm cho nỗi cô đơn đó có thanh âm êm dịu – một thứ âm nhạc có thể chữa lành cho những ai lắng nghe nó. Hàng ngàn nghệ sĩ và thi sĩ có thể minh chứng điều này. Từ thâm sâu của nỗi đau cô đơn tuôn tràn vô vàn sáng tạo.

Trong tác phẩm ăn khách kỳ lạ của mình, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen McCullough đã sử dụng một ẩn dụ rất phong phú và sắc sảo. Bà mở đầu truyện với truyền thuyết về chú chim chỉ hót một lần duy nhất trong suốt đời mình. Con chim này, được gọi là con chim trong bụi gai kể từ lúc nó bỏ tổ để đi tìm một cây gai. Khi tìm được rồi, nó tự đâm mình vào chiếc gai dài nhất. Rồi, trong nỗi đau bị xuyên thủng và chết dần, nó hót bài ca tuyệt mỹ mà cả dương trần dừng lại để lắng nghe và Thiên Chúa trên cõi trời mĩm cười. Chỉ một ẩn dụ này là đã đủ để giải thích sự phổ biến kỳ lạ của tác phẩm. Như đã thấy, có lẽ khi nỗi đau của cô đơn xuyên phá phần sâu thẳm nhất và dịu ngọt nhất của tâm hồn chúng ta, thì trong quằn quại đau đớn, có lẽ một lần trong đời, chúng ta sẽ hát lên bài ca tuyệt mỹ náo động trời đất đó. Từ sự hỗn loạn thiêu đốt đó trong mình, chúng ta có thể đưa một vì sao ra đời.

J.B. Thái Hòa dịch

548    17-10-2019