© João Lopes Cardoso | JMJ Lisboa 2023 |
Linh mục người Ý Fabiano Rebeggiani, thuộc Tổng giáo phận Seoul, chia sẻ ý kiến của mình với Aleteia về tác động của việc tổ chức Những Ngày Giới Trẻ Thế Giới (JMJ) năm 2027 trên Giáo Hội và Hàn quốc.
Trong lúc những người hành hương rời Lisbon để về nhà, nhiều người trong số đó đã nghĩ đến JMJ kế tiếp sẽ diễn ra ở Séoul, Hàn quốc, năm 2027.
Sống ở Hàn quốc 10 năm nay và được truyền chức cho Tổng giáo phận Séoul năm 2021, linh mục Fabiano Rebeggianni - người Ý gốc ở Rôma và là thành viên của cộng đoàn Tân Dự Tòng - đã đến Lisbon với một nhóm 180 người hành hương thuộc giáo phận của ngài (trong số khoảng 1200 người Hàn quốc tham dự JMJ). Cha Rebeggianni đã chia sẻ ý kiến của mình với Aleteia về tác động của JMJ trên người Hàn và người công giáo trên toàn thế giới.
Aleteia: Tại sao Séoul quyết định ứng cử đăng cai JMJ ?
Cha Fabiano Rebeggianni: Đức Tổng giám mục của chúng tôi đã đề nghị JMJ diễn ra ở Seoul vì ngài cảm thấy có nhu cầu phải đổi mới Giáo hội. Sau trận đại dịch toàn cầu, đã xảy ra khủng hoảng trên việc tham dự thánh lễ, đặc biệt là ở giới trẻ. Ngài cho rằng sự kiện này có thể đánh thức đức tin của Giáo hội ở Hàn Quốc và đặc biệt là ở giới trẻ. Rõ ràng những thanh niên khi đến Lisbon rất phấn khởi. Seoul là thành phố lớn hơn Lisbon rất nhiều, và có khả năng tiếp đón rất tốt. Đây là nơi thích hợp để tổ chức JMJ và sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho những người đến từ châu Âu và từ Mỹ vì họ sẽ có một cảm nhận đầu tiên về châu Á. Tôi cho rằng điều đó sẽ giúp ích cho các tín hữu từ phương Tây, vừa cho cả bản thân giáo hội Hàn quốc. Tôi tin chắc rằng việc tổ chức JMJ ở Seoul, sẽ có tác động như một ‘quả bom’ làm rung chuyển xã hội Hàn quốc - một xã hội ngăn nắp và chuẩn xác. Nhìn thấy sự bùng nổ niềm vui, sự phấn khởi, lòng tin, tôi nghĩ điều đó sẽ giúp rất nhiều cho việc hiểu biết Chúa Kitô.
JMJ phải chăng cũng có thể là hiện thân của một thông điệp về hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc ?
Chắc chắn là như thế. Ở Triều Tiên, hiện chỉ có lệnh ngừng chiến. Cuộc chiến đã chấm dứt năm 1953 mà không có hiệp định hòa bình. Đối với những người hành hương, được đi thăm vùng phi quân sự, vùng biên giới, những điểm kiểm soát, những tên lửa chĩa về phía Bắc, đắm mình một lần vào bầu không khí chiến tranh lạnh, là một trải nghiệm sẽ giúp hiểu được nỗi bất hạnh của người Triều Tiên. Nhất là sẽ giúp người ta cầu nguyện cho hòa bình. Khả năng duy nhất để ngày nào đó có thể loan báo Tin Mừng ở phía Bắc, không chỉ dựa vào những giải pháp chính trị, nhưng chủ yếu là nhờ cầu nguyện thường xuyên. Như Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 đã dâng hiến nước Nga cho Đức Bà Fatima, sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria sẽ rất cần ở Triều Tiên.
Giáo Hội có vai trò ra sao ở Hàn quốc?
Khoảng 10% người Hàn quốc theo Công giáo, 20% Tin lành, 20% Phật giáo và 50% không tôn giáo. Giáo hội Công giáo rất được tôn trọng ở Hàn quốc và Giáo hội đã đóng một vai trò trong công cuộc dân chủ hóa nước này, vì cũng đã từng có những nền độc tài quân sự trước đây. Cũng chính nhờ sự hòa giải của các giám mục Hàn quốc và hành động chính trị mà nền dân chủ mới được thiết lập ở nước này. Như vậy Giáo Hội được tôn trọng vì những lý do chính trị nhưng cũng phải kể đến những lý do xã hội. Xã hội Hàn quốc thì đầy sự cạnh tranh. Trẻ em đi học rồi gia nhập thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Các em bị khủng hoảng tinh thần dẫn đến nhiều vụ tự tử, suy sụp. Nhiều người đã hướng về Giáo hội Công giáo để tìm chút bình an.
Người Hàn quốc nghĩ gì về Đức Giáo hoàng Phanxicô?
Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Hàn quốc năm 2014, ngài được yêu mến một cách khó tin, chủ yếu là từ những người ngoài công giáo. Chẳng hạn như khi ngài đến Hàn quốc, ngài không muốn đi xe sang trọng, ngài đi khắp thành phố trên một chiếc KIA, hay ngài đã đối thoại với các tôn giáo khác và với những thành phần khác nhau trong xã hội. Ngài đơn giản là đã tỏ ra khiêm nhường, như một giáo hoàng ở giữa người dân chứ không phải trong hàng giáo phẩm. Tôi nghĩ điều đó đã đụng tới trái tim nhiều người ngoài công giáo và điều đó có tác động rất mạnh. Quả vậy, đã có nhiều cuộc trở lại sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng năm 2014.
Tác giả: Isabella H. de Carvalho - Nguồn: Aleteia (07/8/2023)
Chuyển ngữ: Lê Hưng - Nguồn: Tổng Giáo Phận Sài Gòn (14/8/2023)