Sidebar

Thứ Hai
16.09.2024

Những người đàn bà đặc biệt, những câu chuyện đặc biệt

 

Trong quyển sách mới Thức tỉnh hôm nay (Waking Up to This Day) bà Paula D’Arcy đã chia sẻ câu chuyện sau: Bà quen một người đàn bà, bà này mất người con trai trong một tai nạn. Vài năm sau, có người nói chuyện với bà, chia sẻ nỗi buồn khi bà không được nhìn đứa con khôn lớn, lập gia đình, không có cháu để ẵm. Bà trả lời: “Tôi không nghĩ giới hạn ngang đó. Câu trả lời là tôi không biết. Tôi không biết cuộc sống con tôi sẽ như thế nào. Giờ đây, tôi nhận ra rằng linh hồn của con tôi có hành trình riêng và mức giới hạn riêng trong cuộc đời của nó. Tôi chẳng làm được gì trong việc này. Nhưng tôi đã dự phần trong một thời điểm của hành trình tâm hồn nó. Vì vậy, tôi biết ơn đến không nói nên lời.”

Câu chuyện này nhắc tôi nhớ một câu chuyện khác của một bà đã chia sẻ gần đây trong một cuộc tĩnh tâm. Mẹ của bà là một phụ nữ thăng bằng vững vàng và có lòng tin ngoại hạng. Câu tâm niệm bà sống cho chính bà trước, rồi sau này bà lặp đi lặp lại mãi cho các con là: chúng ta chỉ hạnh phúc khi chúng ta biết ơn về những gì chúng ta có, vì, và duy nhất chỉ vì vậy, đó là những gì đủ cho chúng ta. Lời dạy mãi mãi của bà là: Như vậy là đủ!

Và bà sống điều này trọn vẹn cho đến giờ cuối đời: Bà nhập viện vì một căn bệnh chưa có thuốc trị, nhiễm trùng máu và rất ít hy vọng cứu chữa. Khi sức khỏe bà ngày càng sa sút, gia đình túc trực bên giường bệnh của bà trong vòng mấy tuần. Cuối cùng, bà đưa ra quyết định: Bà gọi cả nhà lại và bảo rằng, tất cả đã ở đây với bà và bỏ bê gia đình lâu quá rồi, bà cho biết đã liên hệ với khoa chăm sóc chờ chết trong bệnh viện và yêu cầu được chuyển đến đó, bà sẽ có thể chết trong ngày hôm đó.

Bà được chuyển đến khoa chăm sóc này, y tá báo cho cả nhà biết sẽ tiêm cho bà một liều thuốc mạnh để bà chìm sâu vào giấc ngủ và có thể bà sẽ không bao giờ tỉnh lại. Lúc chuan bị chích, con gái bà, người kể câu chuyện này, ngồi cạnh giường bà, cầm tay bà, ôm chặt bà như đứa trẻvà nói: “Mẹ ơi, một lúc nữa thôi! Chỉ một lúc nữa thôi! Đừng ngay bây giờ! Ở lại với chúng con một chút nữa thôi!” Nhưng bà, với nghị lực lâu nay của bà, bà nói: “Đủ rồi, vậy là đủ rồi.” Đó là những lời cuối cùng của bà với cô con gái và với cả gia đình.

Đó là các câu chuyện kiên quyết về những người đàn bà nghị lực, với đủ khôn ngoan và lòng tin để loại bớt các tình cảm ủy mị sai lầm dễ làm cho chúng ta tê liệt khi đứng trước mất mát. Cả hai đều biết sẽ có lúc ra đi và cách thức ra đi đã không làm giảm đi, nhưng lại tăng thêm tình yêu. Cả hai đều biết sự thật sâu xa của phục sinh: rằng đức tin không đòi hỏi chúng ta ướp xác chết, nhưng phó thác nó cho trần gian và cho Thiên Chúa, đấng ban sự sống và sự sống lại. Cả hai đều biết bí mật sâu xa nhất của cuộc sống không bị tê liệt vì cái chết, nhưng để nó ra đi, chuyển tiến và thấm sâu hơn. Và cả hai đều tôn trọng thích đáng các nhịp điệu sâu lắng của cuộc sống.

Tôi nhận ra rằng linh hồn của con tôi có hành trình riêng và mức giới hạn riêng trong cuộc đời của nó. Điều này không thuộc về tôi … Tôi biết ơn đến không nói nên lời vì được dự phần vào bí nhiệm đó. Như những phụ nữ này, chúng ta sẽ tôn trọng người khác vô cùng nếu chúng ta biết chấp nhận hiện thực đó. Tình cảm sai lầm thường kéo chúng ta theo các hướng khác. Chúng ta khóc rất nhiều, vì chúng ta muốn cuộc đời người khác hướng về chúng ta. Tôi có thể là cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, anh chị em, thầy dạy, bảo hộ hay người bảo vệ của ai đó, nhưng xét đến cùng, linh hồn người đó có sự tư riêng, tự do, ác tính và số mệnh cho riêng họ mà thôi. Những người khác không vì tôi mà sống. Hầu hết các giọt nước mắt chúng ta khóc là khóc cho mình, không phải cho người khác.

Đủ rồi! Đây là những từ quan trọng mình phải có cho hành trang của mình. Với Thomas Merton, nhận thức (“Đủ rồi!”) tạo nên phần bí mật khó lường của hạnh phúc. Sau đây là những gì ông mô tả về cách thức tìm kiếm bình an trong cuộc đời của ông. Trong nhật ký hàng ngày, có một hôm ông chia sẻ ngày hôm đó, ông đã tìm thấy bình an. Tại sao? Vì hôm nay đã đủ, sống như một người bình thường, với đói khát và ngủ nghỉ, lạnh lẽo và ấm áp, thức dậy và đi ngủ. Đắp chăn rồi tung chăn, pha cà-phê rồi uống. Xả đá tủ lạnh, đọc sách, suy ngẫm, làm việc, cầu nguyện. Tôi sống như những tổ tiên của tôi đã sống trên trái đất này cho đến giờ cuối của tôi. Amen. Không cần phải làm một khẳng định về cuộc sống của tôi, đặc biệt về những cái gì của tôi, dù chắc chắn nó không phải của ai khác. Tôi phải tập quên dần dần các lập trình và tính toán. Vào một ngày đó trong cuộc đời, ông có thể nói: “Đủ rồi!” Và nó là vậy.

Và chỉ duy nhất sự thừa nhận này mới có thể cắt bớt khối u bất mãn của chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch

1334    23-10-2017