Người đời vẫn cho rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” thế nhưng đời sống thánh hiến đâu phải ai muốn cũng được nhưng là một ơn gọi đặc biệt mà Chúa ban tặng cho những người mà Ngài muốn gọi và chọn. Tuy nhiên để đạt tới sự viênmãn trong đời sống thánh hiến, một đời tu đúng nghĩa của nó, người sống đời thánh hiến phải nỗ lực về nhiều phương diện khác nhau để trở nên một con người tu sĩ thực sự. Đời sống đặc biệt ấy đòi hỏi người tu sĩ phải trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, vui cũng nhiều mà đau khổ cũng không ít. Bên cạnh đó trong đời tu, người thánh hiến cũng có thể gặp phải những “bóng đêm”. Vậy những “bóng đêm”ấy là gì? Thiết nghĩ “Bóng đêm” lớn nhất trong đời tu, có lẽ đó là bóng dáng của dục vọng, vẫn là một thứ luôn luẩn quẩn trong đời người tu sĩ. Là một con người, ai ai cũng không tránh khỏi cám dỗ. Giữa muôn tình huống cuộc sống phải đối diện, giữa tình Chúa và tình người phải sống, người tu sĩ vẫn luôn thao thức làm sao cho tình yêu đúng hướng, có ý nghĩa và góp phần cứu rỗi anh chị em.

       Mỗi người chúng ta là một hữu thể có tương quan, được uốn nắn và thành hình trong tương quan và nhờ tương quan với tha nhân. Yêu thương chân thành là một công trình dài hạn, mà chúng ta phải đầu tư mọi khả năng và trọn vẹn con người của mình. Vì thế, tình yêu cũng là lời mời gọi chịu đau khổ và trưởng thành, chết và sống lại, khi yêu những con người cụ thể, mà không tỏ thái độ tự vệ hay chiếm hữu.

Đồng thời qua những công trình nghiên cứu về tình yêu và tính dục con người, chúng ta có thể hiểu được những ý nghĩa mới của tình yêu. Tình yêu và Sự Sống là quà tặng Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta. Đời sống tu trì phục vụ tình yêu và sự sống ở một bề rộng và ở tầm mức cao hơn, trên bình diện tinh thần chứ không theo bình diện tâm lý, các tu sĩ là hiện thân của tình yêu giữa con người với con người và tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, đồng thời tiếp tục sinh ra những con người mới trong ân sủng. Sự nối kết sâu thẳm giữa người tu sĩ với Đức Ki-tô “Người tình trăm năm”, “đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta tôn thờ”. Khi ấy, tình yêu trở thành biểu tượng của một giao ước giữa một người với Thiên Chúa.

        Tình yêu trong đời tu không phải hai người thuộc về nhau mà là nâng nhau lên. Trong trật tự tốt đẹp của đời sống loài người có nam có nữ, đời tu vẫn cần người nam và người nữ nâng đỡ nhau và bổ sung cho nhau như những mẫu gương trong lịch sử Giáo Hội: Thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Cả, Thánh Phanxicô và Thánh Clara…

        Trong một cuộc phỏng vấn đã có phóng viên hỏi một Đức Hồng Y rằng: Các linh mục và tu sĩ Công Giáo giữ đức khiết tịnh có khó không? Đức Hồng y trả lời rất dí dỏm và dễ hiểu “Những người đàn ông đứng đắn có gia đình giữ lòng trong sạch trước những cơn cám dỗ thế nào, thì những bậc tu trì khó khăn như thế đó. Có khác chăng, với người tu thì tất cả phụ nữ trên đời là những trái cấm, chỉ được ngắm mà không được động vào. Còn với người đàn ông đã kết hôn thì tất cả phụ nữ trên đời này cũng đều là những trái cấm – trừ vợ của anh ta[1].

Vậy người tu có được yêu không?

Cứ ngỡ người tu không biết yêu

Sống không tình cảm sống cô liêu

Tháng ngày chỉ biết dâng kinh lễ

Chôn đời trong nếp sống quạnh hiu

Vỡ lẽ người tu cũng biết yêu

Mà không yêu một lại yêu nhiều

Sang hèn xấu đẹp đều yêu cả

Tim này không biết rộng bao nhiêu.

Thật vậy, cái đẹp gần gũi với mọi người hơn cả chính là phái đẹp, nó thường mê hoặc lòng người. Biết bao anh hùng đã không thể vượt qua ải mỹ nhân. Cái đẹp luôn quyến rũ dao động, làm xao xuyến lòng người và muốn chiếm hữu. Minh Quân Đavít cũng không cưỡng được lòng mình, khi chiêm ngưỡng tấm thân kiều diễm của bà Batsabê. Thật vậy, người ta ngoại tình ngay từ cái nhìn ham muốn nhục dục. Bởi lẽ, lửa tình trong mình ai cũng có và nó sẵn sàng thiêu đốt bất cứ ai.

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta bắt gặp một nụ cười, một ánh mắt hay một hàng mi nào đó làm cho chúng ta bị thu hút và trái tim ta rung động. Điều đó cũng bình thường thôi vì chúng ta là những con người dù tu hay chưa tu, nam hay nữ, chúng ta đều dễ dàng bị hấp dẫn và rung động bởi người khác phái, chúng ta dễ rung động khi đứng trước một cô gái đẹp hay một chàng trai ga lăng…. Đó là chuyện bình thường của con người, bởi chúng ta vẫn là con người với một trái tim bằng thịt với những thôi thúc trong con tim. Đồng thời, Con tim luôn có tiếng nói và nhịp đập riêng của nó, như lời cổ nhân có nói “người trao có nửa nụ cười mà ta mất cả cuộc đời để quên”. Vấn đề của con tim khó có ai lý giải được, ngay cả nhà Bác Học, một người thông minh tài giỏi như Pascal mà cũng không thể lý giải và không thể hiểu nổi tình yêu là gì? Ông nói: “ Trái tim có lý lẽ mà lý trí không thể nào hiểu được”. Tuy nhiên, cuộc đời này không ai cấm chúng ta yêu nhưng chúng ta phải biết yêu làm sao để cho tình yêu của mình được thăng hoa.

         Quả thật, tình cảm và tình dục đúng là một khát vọng sống mãnh liệt trong con người nhưng chúng ta là con người có ý chí, lý trí và tự do, vì thế, ngoài đời sống bản năng, chúng ta còn có đời sống ý thức. Con người hoàn toàn có thể định hướng và làm chủ đời sống tình cảm và tình dục nhờ sự giáo dục và huấn luyện, nhờ sự tự rèn luyện bản thân, đồng thời còn nhờ sự trưởng thành về mặt tâm lý và tâm linh. Trên hết tất cả là lương tâm và luân lý luôn soi sáng hành động và cảm nghĩ của mỗi người.

      Làm sao để người tu sĩ ý thức mạnh mẽ và truyền thần vào lời cam kết Khiết Tịnh, trút bỏ mọi vấn vương, ràng buộc bởi tình cảm để không quy ngã nhưng sống tình yêu phục vụ trong lòng mến, nhằm minh chứng cho thời cánh chung, cho dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã hiện hữu trong nhân loại? Nếu người tu sĩ không ý thức sâu xa ý nghĩa tự do đã được linh hứng và trải nghiệm trong hành trình của dân Chúa, của những người dám tin Chúa trải qua hàng ngàn năm lịch sử thì có lẽ con đường hay nếp sống người tu sĩ đã chọn chỉ là cõi phúc mong manh, là phù vân mà thôi. Có lẽ, vẫn còn nhiều những “bóng đêm” khác làm cho đời sống thánh hiến bị mất tín trong mắt của người đời. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận được thực trạng đó. Chúng ta cần phải học cách chấp nhận để lớn lên hơn là phủ nhận hay thất vọng, vì “ơn Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được thể hiện trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9). Đó chính là niềm hy vọng cho chúng ta khi mà chúng ta phải đón nhận những thách đố và thôi thúc trong con tim, cùng với sự đau khổ và cô đơn. Nhưng chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng vô biên của Chúa. Khi chúng ta yếu chính là lúc chúng ta mạnh. Chúng ta hãy cùng nhau nhận ra những “bóng đêm” đó và hãy chiến đấu để xứng đáng là những môn đệ trung tín của Chúa Giê-su.

        Qua những điều nói trên cho chúng ta thấy tình cảm có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống và sinh hoạt của con người, nó thúc đẩy con người làm việc, giúp con người vượt qua những khó khăn thử thách. Đồng thời tình cảm còn là nguồn động lực mạnh mẽ kích thích con người tìm tòi chân lý qua khả năng nhận thức những giá trị của cuộc sống. Tình cảm còn là một thuộc tính tâm lý, một đặc trưng quan trọng nhất của con người, nó ảnh hưởng sâu sắc tới việc hình thành nhân cách và quyết định tương lai của mỗi người[2]. Vì thế, mỗi người phải có nhận thức đúng về tình yêu và tình dục, phải biết kết hợp hài hòa giữa tình yêu và lý chí. Thật vậy, một con người có trái tim lạnh giá hay “đói tình cảm” thì toàn bộ hoạt động sống không thể phát triển bình thường. Chỉ có tình yêu mới nâng cao con người thoát khỏi sự tầm thường[3]. Để hội nhập và sống tốt trong các mối tương quan của xã hội và đời tu thiết nghĩ chúng ta phải trưởng thành nhân cách và tình cảm để có một lối sống quân bình và lành mạnh, biết tự chủ trong những cảm xúc tình cảm, đồng thời học cách thăng hoa những thôi thúc trong tim. Từ đó chúng ta sẽ biết phát huy một lối sống phù hợp với tình yêu của Đấng tình quân mà chúng ta dấn thân bước theo trong niềm tin yêu và hy vọng.

Sr. Hồng Nhung