Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Nỗi cô đơn tinh thần.

 

 

Nơi chốn chúng ta cô đơn nhất là ở phần tinh thần của tâm hồn, chính xác đó là nơi chúng ta cảm nhận mãnh liệt nhất tất cả mọi sự và là nơi chúng ta cất giữ, trân trọng và bảo vệ tất cả những gì quý giá nhất đối với chúng ta

 

 

Trong quyển sách Cẩm Nang Lời Cầu Nguyện Thần Bí, nữ tu sĩ dòng Kín Ruth Burrows đã có một nhận xét lý thú về thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su. Nhìn các hình của thánh Tê-rê-xa, bà để ý một nét xa vắng, lẻ loi một mình mà lúc nào trên  khuôn mặt của nữ thánh cũng để lộ ra dù chụp chung với cả nhóm. Lúc nào cũng xa vắng dù bà là người rất hòa đồng với mọi người, con người của xã hội. Có một cái gì cô đơn lẻ loi mà không có gì có thể xóa mờ.

 

Bác sĩ tâm thần Robert Coles cũng có một nhận xét như vậy về nữ triết gia Simone Weil và đã mô tả rất hay về đặc tính này. Ông nghĩ bà chịu đựng một tình trạng “cô đơn tinh thần.”

 

Cách đây khá lâu, tôi có viết một quyển sách về nỗi cô đơn và đã đưa ra bốn kiểu cô đơn chính: xa lánh, hiếu động, không gốc rễ, suy thoái tinh thần. Nếu bây giờ phải viết lại quyển sách này, tôi sẽ thêm vào một kiểu cô đơn khác, cô đơn tinh thần. Cô đơn tinh thần là gì?

 

Cô đơn là trọng tâm đời sống chúng ta. Cảm nhận cô đơn, bức rức, lẻ loi một mình thì không phải là chuyện chúng ta thấy bên lề cuộc sống. Nó nóng bỏng trong lòng chúng ta. Chúng ta không phải là những người yên tịnh lâu lâu cần ở một mình nhưng là những người bận rộn liên miên lâu lâu cần yên tịnh một mình. Và đúng như vậy trong mọi cấp bậc cuộc sống: thể xác, tâm lý, tâm hồn, dục tính. Chúng ta lúc nào cũng bức rức, hiếu động, đói khát, nhớ lại mọi người, không lúc nào cảm thấy kết hợp với người khác.

 

Trong đời sống này, chúng ta không bao giờ vượt lên được tình trạng này. Lúc nào cũng cảm thấy mình lẻ loi, xa cách. Đôi khi tâm trạng lẻ loi này chưa tượng hình, chúng ta không biết mình muốn gì, cần gì và đôi khi phải đau lòng để nhận thấy nó, rồi nó trở thành nổi ám ảnh. Lúc nào nó cũng còn đó.

 

Thời buổi này người ta tin vào chuyện này quá dễ, cuối ngày, đó đơn giản chỉ là cơn đói khát tình dục. Có những tiếng nói thật mạnh cứ khăng khăng cho rằng cái chúng ta thật sự cô đơn, chúng ta thật sự cần là dục tính. Nói gì đi nữa cũng là che đậy chuyện đó. Đối với chúng ta, thành ngữ “người yêu” chỉ đơn giản là “đối tượng dục tính.” Dục tính được xem là thần dược trị bách bệnh, câu trả lời tối hậu cho tình trạng lẻ loi một mình.

 

Đúng một phần, nhưng hoàn toàn xa, rất xa sự thật. Khi các điều kiện hội đủ thì kết hợp trong dục tính là kết hợp nên “một thân xác” được Thiên Chúa cho phép để vượt lên nổi cô đơn: “Con người ở một mình thì không tốt.” Ngoài phạm vi kết hợp trong dục tính, rốt cùng thì chúng ta lúc nào cũng cảm thấy lẻ loi, cô đơn, một mình. Tuy nhiên, như kinh nghiệm cho thấy, kết hợp trong dục tính chính nó không đảm bảo để khỏi lẻ loi. Vì sao? Vì chúng ta lẻ loi ở những cấp bậc mà dục tính không với tới. Cô đơn sâu xa nhất của chúng ta là cô đơn tinh thần.

 

Nơi chốn chúng ta cô đơn nhất là ở phần tinh thần của tâm hồn, chính xác đó là nơi chúng ta cảm nhận mãnh liệt nhất tất cả mọi sự và là nơi chúng ta cất giữ, trân trọng và bảo vệ tất cả những gì quý giá nhất đối với chúng ta. Đó là nơi thiêng liêng, nơi chúng ta cảm thấy bị xúc phạm khi sự toàn vẹn của những gì mình cho là quý giá bị tấn công.

 

Hiếm khi người khác vào được nơi đó, dù bằng tình thương hay bạo lực. Tại sao? Vì chúng ta rất cẩn thận về nơi mà chúng ta trân quý. Như thử nơi này là nơi chúng ta yếu mềm nhất, và đó cũng là nơi chúng ta cần bảo vệ mạnh nhất. Và thường thường đó là nơi chúng ta cảm thấy lẻ loi. Một cô đơn cùng cực như vậy cuối cùng dẫn đến một cô đơn tinh thần. Nó còn cô đơn sâu xa hơn ngay cả chờ đợi ở đối tượng tình dục, vì chúng ta chờ đợi sự đồng cảm tinh thần, chờ đợi người đồng hành với chúng ta trên con đường sâu đậm này, nơi các giá trị quý giá nhất của chúng ta được chia sẻ và giữ gìn.

 

Nỗi cô đơn sâu đậm nhất của chúng ta là vì chúng ta chờ đợi có người cùng thở nhịp thở tinh thần, một tâm hồn thân thích, một tâm hồn tri kỷ trong nghĩa đúng nhất của chữ này. Bạn tri kỷ và hôn nhân hòa hợp luôn luôn là nền tảng của mối tâm giao tinh thần. Những người ở trong mối quan hệ này là những “người tình” trong nghĩa sâu xa nhất vì họ ăn ở cùng một nơi, nơi đáng kể nhất, dù cho họ có kết hợp dục tính hay không. Trong kinh nghiệm tâm giao tinh thần, chúng ta có kinh nghiệm “về nhà.” Đôi khi nó nhuốm màu sắc hấp dẫn của dục tính và tình cảm lãng mạn và đôi khi không. Luôn luôn có cảm giác người kia thân thuộc với mình về mặt tinh thần, họ quý những gì mình quý. Như trong Thánh Kinh, chúng ta có cảm giác như cảm giác của ông A-dong khi thấy bà E-và lần đầu tiên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”

 

Đa số chúng ta để cả đời đi tìm nó và có lẽ giống như Simone Weil và Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, chúng ta không bao giờ tìm thấy, cho dù chúng ta có một hôn nhân tốt đẹp, gia đình lành mạnh, bạn tri kỷ. Phải làm gì? Theo Tê-rê-xa, rốt cùng chúng ta là những kẻ “lưu đày của quả tim” và chúng ta chỉ có thể vượt qua tình trạng xa cách này bằng một loại huyền bí nào đó, chẳng hạn, cùng ăn ở với nhau trong tình bác ái, kiên nhẫn, hòa bình, hân hoan, lòng tốt, trung tín, đau khổ, dịu hiền và khiết tịnh. Có một cô đơn ở ngoài dục tính, cô đơn tinh thần. Muốn vượt lên đòi hỏi một tình yêu cao hơn, cùng ăn ở với nhau trong Thần Khí.

 

Linh mục Ron Rolheiser, OMI

J.B. Thái Hòa dịch

2854    18-09-2017