Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Noi gương Thánh Gia

27       14       Tr           CHÚA NHẬT. NGÀY THỨ BA TUẦN

                                    BÁT NHẬT GIÁNG SINH.

LỄ THÁNH GIA.

Lễ kính. Hc 3,2-6.12-14; Cl 3,12-21;

Lc 2,22.39-40

Không kính thánh Gioan Tông đồ.

PVGK: thánh vịnh riêng

NOI GƯƠNG THÁNH GIA

Gia đình Chúa Giê-su đã được ghi chép trong Sách Thánh. Lời kinh Ngợi Khen (Magnificat) – lời cầu nguyện của Đức Maria xuất hiện nhiều trong các đoạn trích Kinh thánh. Chúng ta biết rằng gia đình Chúa Giê-su có một đời sống đạo sâu sắc, thể hiện nơi những cuộc hành hương và những lời ca hát từ các thiên thần. Đức Maria và thánh Giu-se đã luôn đón nhận sự hướng dẫn của các sứ giả từ trời cao.

Nhìn vào thời thơ ấu của Đức Giê-su, chúng ta cũng thấy được đời sống nguyện cầu mà Chúa Giê-su đã học từ cha mẹ Ngài. Chúa Giê-su đã cầu nguyện đúng chuẩn mực một người Do-thái ngoan đạo. Ngài đã cầu nguyện cách thanh thoát. Chúa Giê-su đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện một mình. Ngài còn cầu nguyện cùng với bạn bè. Chúa Giê-su đã ăn chay trong những ngày thánh. Tất cả những thói quen này Ngài đã học được từ đời sống gia đình tại Na-za-rét. Chúng ta biết rằng lao động là rất quan trọng đối với gia đình Na-za-rét.

Thời niên thiếu, Chúa Giê-su không chỉ được gọi là con thánh Giu-se, nhưng còn được gọi là con bác thợ mộc. Thánh Giu-se rất thạo nghề, và ngài đã dạy cho Chúa Giê-su trở thành người thợ lành nghề như mình. Chúng ta có thể tóm lại từ lời giảng dạy của Chúa Giê-su rằng Đức Maria là người phụ nữ chăm chỉ và đảm đang trong gia đình Na-za-rét. Điều này dường như từ những mẫu gương của Mẹ mà Đức Giê-su đã đưa vào trong các dụ ngôn trong Tin Mừng: một bà góa thắp đèn tìm kiếm đồng bạc bị mất;….

Mẹ Maria biết rằng Hài nhi Giêsu là quà tặng Chúa ban cho mình. Dâng Con, nghĩa là nhìn nhận Con mình mãi mãi thuộc trọn về Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa suốt đời… Vì thế, trọn đời Chúa Giêsu mang tâm tình: “Này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 40, 8a.9a), nên tha thiết cầu nguyện: “Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42).

 

Ta thấy Mẹ Maria và thánh Giuse đưa con trẻ Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa theo luật buộc: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2, 23). Cha mẹ con trẻ phải chuộc lại đứa bé tùy theo khả năng của gia đình mình hoặc một con chiên tinh tuyền hay cặp chim gáy hay một cặp bồ câu non (Lc 2 ,24), của lễ được dùng dâng hiến cho Thiên Chúa thay thế các em.

Ý thức này được rõ ràng hơn khi lời ngôn sứ của cụ già Simêon được Thánh Thần linh báo: “Con trẻ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp ngã và nhiều trỗi dậy, làm dấu cho người ta chống hầu ý nghĩ của nhiều tâm hồn phát lộ ra”. Và loan báo người Mẹ trong tương quan với Hài nhi: “Tâm hồn Bà, mũi gươm sẽ đâm thâu”. Lời tiên báo ứng nghiệm: Mẹ đau khổ tột bực khi nhìn Con của Mẹ vác thập giá tiến lên núi Sọ trong cuộc hành trình cứu độ nhân loại. Nhất là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, nhìn Giêsu Con của Mẹ chết tả tơi, trần trụi trong tư cách tên tử tội (Ga 19,25-28). Cho nên, dâng Chúa vào đền thờ đó là khởi đầu cho lễ hy sinh mà Chúa Giêsu sẽ hoàn tất trên núi Canvê với hiến lễ hy sinh thập tự để cứu chuộc nhân loại.

Lễ dâng trọn hảo là chính Chúa Giêsu, được Đức Maria và thánh Giuse tiến dâng trong đền thờ, được trọn vẹn trong hiến lễ Chúa Kitô trên thập tự, được Mẹ hiến dâng. Chúng ta, đặc biệt là các tâm hồn thánh hiến xin hiến dâng tuổi xuân và cả cuộc sống làm lễ dâng lên Thiên Chúa: Đi trong thánh ý Ngài, và cuộc sống chúng ta trở nên lễ dâng tình yêu trong tình yêu Thiên Chúa.

Ta quy tụ nhau nơi đây cùng nhau cử hành nghi thức dâng con vào đền thờ. Hành vi dâng con vào đền thờ là hành vi thờ phượng để tạ ơn về ân ban Chúa ban là con cái được sinh ra. Dâng con vào đền thờ cũng xác định quyền và bổn phận giáo dục con cái của chúng ta. Chỉ có cha mẹ mới có quyền giáo dục con cái mình. Chỉ có cha mẹ mới có bổn phận giáo dục con cái của mình. Quyền và bổn phận vừa là vinh dự , vừa là trách nhiệm mà chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa và xã hội.

Giáo hội khuyến khích chúng ta hướng nhìn vào gia đình của Chúa Giê-su, Đức Maria và thánh Giu-se chính là mẫu gương và sự che chở mọi người. Các ngài là một gia đình mẫu mực cho chúng ta noi theo: Cả cha và mẹ đều hăng say làm việc, yêu thương nâng đỡ nhau, hiểu nhau và chấp nhận lẫn nhau, đặc biệt lo lắng và chăm sóc chu đáo cho Hài Nhi của mình để Chúa Giê-su lớn lên không chỉ về bản tính nhân loại, nhưng còn là Con Thiên Chúa nữa. Chúa Giê-su đã mang ơn thánh đến cho gia đình Đức Maria và thánh Giu-se thì Ngài cũng sẽ mang đến cho chúng ta ơn thánh từ gia đình của Ngài qua việc ôm ấp chúng ta vào lòng.

Khi chiêm ngắm Gia Thất, tất cả các bậc cha mẹ cần kiểm điểm lại mình và nhìn nhận lại trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao phó. Hãy lắng đọng để nghe lại những lời trong Thánh lễ cưới của mình: “Con cái là một món quà Thiên Chúa ban”. Con cái là niềm vui của cha mẹ. Trái lại, con cái có bổn phận chăm sóc và nâng đỡ khi cha mẹ về già. Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi thành viên trong gia đình biết quan tâm chăm sóc cho nhau không những trong gia đình nhỏ bé của mình, nhưng còn cho gia đình xứ đạo, và tất cả mọi gia đình của Giáo hội hoàn vũ.

Khi kính nhớ gia đình Thánh Gia nhắc nhở mỗi người chúng ta như một thành phần cơ bản của Giáo hội hoàn vũ, mỗi gia đình được mời gọi để trở nên thánh thiện. Sự thực, Đức Giê-su Ki-tô đã thiết lập hai Bí tích để làm cho nhân loại nên thánh: Bí tích Truyền chức Thánh và Bí tích Hôn phối.

Qua Bí tích Hôn phối, Chúa Giê-su không chỉ thánh hóa đôi bạn nhưng Ngài còn dấn mình vào chính gia đình của họ nữa. Người chồng và người vợ đạt được ơn thánh khi họ thực thi bổn phận của mình cách trung tín, tin tưởng phó thác vào Chúa, và làm cho sức mạnh của Thánh Thần hiện diện qua việc cầu nguyện cá nhân hay gia đình, suy niệm Lời Chúa và năng tham dự Thánh lễ.

1269    25-12-2020