Sidebar

Thứ Hai
16.09.2024

Nữ tu trong sa mạc nội tâm

Khi xưa, Đức Giêsu sống cùng các Tông đồ dù vui buồn, thành công hay thất bại, Ngài luôn khuyến khích các ông tìm một nơi thanh vắng, rút lui khỏi sự ồn ào mà nghỉ ngơi (x. Mc 6, 31). Theo gương đó, ngày nay những người thánh hiến vẫn dành những khoảng thời gian riêng để sống thinh lặng, đó được ví như một hành trình tiến vào sa mạc nội tâm. Họ làm thế để làm gì và nó có giá trị như thế nào đối với đời tu?

cdm5dchxiaeci88 lerjTrước tiên tĩnh tâm không chỉ là để nghỉ ngơi việc xác, nhưng hành trình ấy thôi thúc tu sĩ khám phá chính con người bên trong của mình. Ở đó họ thấy rõ những hố sâu của dục vọng, những gai góc của bè phái, kỳ thị, chống đối, những lối mòn của giả dối, thiếu chân thành, những hờn ghen vô lối… 

Tĩnh tâm cũng là một cuộc ra đi ngắn. Ra khỏi nơi chốn quen thuộc, là ngôi nhà hay căn phòng tiện lợi với vật dụng quen thuộc vừa ý. Con người vốn nhạy cảm, đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ trong nếp sinh hoạt, cũng gây ra những xáo trộn khó chịu nhưng cũng nhờ đó, ta nhận ra yếu tính của mình là sự lệ thuộc, thích bám víu và quen sở hữu. Nhận ra những yếu nhược này đưa ta tới sự mến phục sâu sắc tinh thần từ bỏ của các mẫu gương như : Tổ phụ Ap-ra-ham, các Đấng sáng lập dòng, hay các nhà truyền giáo. Tất cả họ đã lắng nghe và đón nhận thánh ý, khước từ không những vật chất bên ngoài mà còn từ bỏ cả giá trị bản thân. Từ những người có nguồn gốc, quê hương, gia đình, tài sản, bạn bè họ thành ra người vô gia cư, lang thang đất khách quê người giống như Thầy Giêsu đến cả chỗ gối đầu cũng không có (Mt 8, 20). 

Tĩnh tâm vừa là một cuộc ra đi, nhưng cũng là một lần trở lại. Ra khỏi những đam mê thế tục và trở lại lòng mình khám phá tiếng gọi thiêng liêng bấy lâu bị tiếng đời lấn át. Trong sa mạc thanh vắng người thánh hiến trở về với con người thật của mình. Thấy mình vừa đáng ghét lại vừa đáng thương ! Đáng thương vì đã loay hoay, chật vật với những toan tính nhỏ hẹp mà quên mất những thứ quí giá là tình thương, lòng trắc ẩn, tình người với người. Thật lạ kỳ, không phải đi đâu xa nhưng chính trong sa mạc tâm hồn, tu sĩ được biến đổi. Một cuộc tái sinh mới trong ân sủng và tự do ! Nhưng trước khi trở nên con người mới tốt hơn, họ cũng chịu những chất vấn, dằn vặt, đau đớn khi nhìn lại những lầm lỗi, thiếu xót từ quá khứ hay trong những ngày tĩnh tâm. 

Khi ở lặng một mình, ta mở lòng cảm nhận những bước lữ hành đơn lẻ, vừa tìm kiếm bước chân Thiên Chúa âm thầm hiện diện trong ánh nắng, trong gió chiều vi vu hay trong tiếng chim muông. Những xao động rất nhẹ của thiên nhiên cũng đủ đánh thức tâm tình người thánh hiến. Thiên Đàng là đây Nước Trời là chốn này. Nơi có ánh mắt ngời sáng, nụ cười dễ thương mỗi khi đi qua chị em gửi trao cho nhau thay lời nói. Thứ ngôn ngữ không lời, nhẹ nhàng nhưng cuốn hút chinh phục được cả những người khó tính.

Sa mạc cô tịch phản ánh thực tại nội tâm người thánh hiến với sự nghèo nàn, nhát đảm, nhiều đam mê… như bất cứ ai trên cõi đời. Sa mạc cho ta nhận ra mọi thứ thật quí giá nhưng cũng thật hư vô. Bạn thử đưa tay nắm một vốc cát khô và sẽ thấy. Dù đã cố ý nắm giữ nhưng chỉ một chút nơi tay, cát sẽ lọt qua kẽ hở chảy đi hết. Sự thật đôi khi rất giản đơn, cát cũng có thể cho ta một bài học đắt giá. Với cát thôi ta cũng không thể nắm giữ được thì hãy buông ra để nó tự do bay theo gió. Để gió đưa cát đến nơi nào nó muốn. Sao ta cố níu giữ những thứ chẳng phải riêng dành cho mình, chẳng ích gì cho ngày sau hết. 

Dù còn muốn ở lại trong bầu khí cô tịch, hưởng nếm thêm sự an bình của Thiên Đàng tại thế. Nhưng đâu có được ! Như các môn đệ dù đang ngất ngây, say sưa với hạnh phúc hưởng nếm vinh quang cùng Thầy trên núi, thì vẫn phải đi xuống. Thiên Chúa là vậy ! Ngài biết lúc nào cần mời gọi con cái đến nghỉ ngơi, cần được bồi dưỡng tinh thần (x. Mt 11, 28-30). Nhưng cũng không nuông chiều, cho ta ngồi mãi trong bóng của đám mây sở thích mà mơ tưởng ánh hào quang đang bao phủ. Ngài đem họ xuống núi. Đi xuống với nhân loại đang đói khát những điều thiêng liêng, cao đẹp. Qủa thực, xưa cũng thế và nay vẫn vậy, nhân loại không mong đợi tu sĩ sẽ chia sẻ cho họ giá trị của cải trần gian. Nhưng thứ họ mong thấy hơn cả đó là sự an vui, thanh khiết phát xuất từ một tâm hồn được Thiên Chúa chiếm hữu. Thứ quí giá nhất tu sĩ có và mong đạt được là : “Niềm vui đời tu trong Đức Giêsu Kitô”.

Scholastica Vũ Hiền

1191    04-07-2018